Trong khó ló thực chất

Trong khó ló thực chất
TP - “Không biết có được 2 triệu đồng ăn Tết nữa không” là câu than thở của một nhân viên ngân hàng khi được hỏi về chuyện thưởng tết năm nay. Nhà băng nơi cô làm việc còn là dạng “có số má” trong số những ngân hàng cổ phần.

Còn ở một số ngân hàng nhỏ hơn, nhiều nhân viên thậm chí mấy tháng rồi chưa được lĩnh lương, nói gì đến thưởng tết. “Ngày nào cũng ngồi đếm tiền cho khách hàng mà mấy tháng chưa được nhận lương, nghĩ cám cảnh và tủi thân quá. Nhưng rồi ngày mai vẫn cứ phải đến làm việc, phải đếm tiền cho người ta”, một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội than thở. Nếu so với “ngày xưa”, khi đến cuối năm, mức thưởng tết của nhiều ngân hàng luôn khiến dân tình các ngành khác choáng mới hiểu “nỗi lòng” của nhân viên ngân hàng giai đoạn này. 

Tất nhiên, khi cả nền kinh tế gặp khó khăn thì không một thành tố nào, nhất là ngành “nhạy cảm”như ngân hàng, tránh khỏi bị ảnh hưởng. Một thời gian sau giai đoạn phát triển nóng của chứng khoán, của bất động sản, của ngân hàng… ngoài những khó khăn khách quan đem lại từ khó khăn chung của cả nền kinh tế thế giới, còn là sự “xì hơi”, trở về giá trị thực của nhiều ngành kinh tế.

Nhưng dù không được như trước, theo dự báo, hầu hết nhân viên ngân hàng vẫn có thưởng tết, dù có khi chỉ là một tháng lương cơ bản. Cám cảnh nhất là những người không được doanh nghiệp tái ký hợp đồng lao động vào đúng dịp cận tết. 

Có người cho rằng, doanh nghiệp làm điều này để né thưởng tết. Tuy nhiên, chuyện thưởng hay không thưởng là quyền của doanh nghiệp và phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh.

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính năm 2013, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%. 

Khi doanh nghiệp không sống được, không có lợi nhuận thì nói gì đến thưởng tết, đủ trả lương cũng là nan giải. Chỉ có điều, tâm lý người Việt ta vẫn rất coi trọng ngày tết như một truyền thống lâu đời và thưởng tết bao giờ cũng là mối quan tâm lớn của những người làm công ăn lương. 

Nhưng sâu xa hơn, sự ổn định, vững mạnh và phát triển thực chất của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế mới là điều quan trọng. Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%.

Có nghĩa là vẫn có sự tin tưởng vào sự hồi phục của nền kinh tế, tuy nhiên sau giai đoạn bong bóng, cả nền kinh tế nói chung và bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều phải nhìn nhận lại, điều chỉnh hướng đi cho phù hợp với thực tiễn hơn, phát triển thực chất hơn. Đó cũng là yếu tố tích cực trong khó khăn vậy.

MỚI - NÓNG