Trông người lại ngẫm đến ta

Trông người lại ngẫm đến ta
TP- Một người Việt bán hàng ăn tại Berlin (Đức) kể rằng, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở đó đều mặc thường phục và đi kiểm tra đột xuất chứ không “trống dong cờ mở” với hàng loạt nhà báo tháp tùng như bên ta.

Họ cũng không hề treo khẩu hiệu hay ra quân Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm hàng năm như mình. Họ đến và đi khá lặng lẽ, xuất trình thẻ, nhanh chóng lấy mẫu đồ ăn, kiểm tra khu vực bếp, ống khói, nhà vệ sinh rồi lịch sự rút lui.

Ấy vậy mà chủ quán phải lo ngay ngáy, chờ đến ngày nhận kết quả gửi qua đường bưu điện. Nếu vi phạm là bị phạt rất nặng, thậm chí phải đóng cửa và cấm hành nghề vĩnh viễn.

Anh cho biết: “Vì họ gửi thông báo qua đường bưu điện nên cũng chả biết ai để đôi co hay xin xỏ, hối lộ. Giấy phạt của họ bao giờ cũng có phần ghi rõ, nếu muốn khiếu nại thì gửi đến đâu, thời hạn thế nào, còn không thì liệu mà nộp gấp, chây ì sẽ có trát hầu tòa”.

Tại một quán ăn nhỏ bình dân tại Thành phố New York, Mỹ, tôi xuống khu vệ sinh dưới tầng hầm, thấy một bảng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm to tướng, ghi chi tiết mọi yêu cầu mà một nhà hàng bắt buộc phải thực hiện (phía dưới ghi rõ dòng chữ theo Điều luật… của Bang New York).

Tỉ mẩn đọc hết, thấy họ quy định rất chi tiết, thậm chí kèm theo cả hình vẽ về quy cách trang phục của nhân viên, quy định về rửa tay ra sao và đương nhiên, cả quy định về xử phạt nếu vi phạm. Rất rõ ràng, minh bạch và dễ hiểu.

Trông người lại ngẫm đến ta, tôi chắc hẳn các quan chức y tế và các bộ ngành liên quan của ta đều chẳng xa lạ gì với cách thức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của nhiều nước văn minh trên thế giới, song không hiểu sao những cái rất đáng học trên, dù ít hay nhiều, lại chưa thấy áp dụng ở xứ mình?

Còn các tiêu chuẩn vệ sinh để hàng nông hải sản của ta xuất được sang xứ người hẳn nhiều bộ ngành cũng thuộc làu, ấy vậy mà cũng chả thấy vận dụng cho hàng nội tẹo nào. Chả nhẽ, tây ắt phải ăn sạch, còn ta bẩn tí cũng chả sao?

Một lần nữa, diễn đàn Quốc hội kỳ này lại nóng bỏng vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm, nói nôm na là những thứ cho vào mồm mà hơn tám chục triệu dân Việt dùng hàng ngày hàng giờ đang bị mất vệ sinh tới mức báo động.  Nhiều loại rau quả, thịt cá không sạch, hàng ngàn vụ ngộ độc thực phẩm mỗi năm, 60 triệu dân Việt đang nhiễm giun, sán… Rõ ràng sức khỏe hay suy rộng ra là chất lượng giống nòi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự buông lỏng quản lý đồ ăn thức uống.

Nghị trường năm nào cũng nóng, cũng bức xúc về chuyện đồ ăn thức uống cho dân, nhưng rốt cục đâu vẫn hoàn đấy. Lỗi tại ai? Suy cho cùng chẳng biết tại ai, chắc là chỉ tại cái bệnh nói nhiều làm ít hoặc không làm mà ra...

Nhiều câu chuyện quản lý khác cũng vậy, nếu chịu học hỏi, áp dụng sáng tạo, phù hợp với ta chắc hẳn dân được nhờ.

MỚI - NÓNG