Trọng tâm & chính sách

Trọng tâm & chính sách
TP - Những ngày này, chương trình 'Hàng Việt về nông thôn' đang ở huyện Giồng Riềng và Vĩnh Thuận (Kiên Giang) với 43 doanh nghiệp. Đây là địa phương thứ 44 của chương trình.

Một chương trình đã có nhiều nỗ lực giới thiệu hàng Việt với thị trường nông thôn rộng lớn, lâu đời nhưng cũng có phần trở nên lạ lẫm sau nhiều năm lãng quên vì tư duy “hướng ngoại”.

Và sau chừng ấy nỗ lực, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nước ta đã rút ra được những điều gì? Nếu chưa rút được điều gì thì chương trình vẫn tựa như hành trình của một gánh hàng rong khổng lồ, hơn gánh hàng rong nghìn xưa ở quy mô và chi phí, mà chưa có giá trị ở ý nghĩa xúc tiến thương mại.

Xúc tiến thương mại, hiểu nôm na là truyền tin về sản phẩm và doanh nghiệp đến khách hàng để thuyết phục họ mua. Sau nhiều tháng về nông thôn, các doanh nghiệp đã gặt hái được những gì cho chiến lược chinh phục khách hàng của riêng mình? Không doanh nghiệp nào có khả năng đáp ứng được nhu cầu của mọi đẳng cấp khách hàng, chỉ có thể đáp ứng một nhóm nào đó. Nếu xác định đúng, đáp ứng được thì sản phẩm sẽ chiếm lĩnh được thị phần ấy.

Trong xúc tiến thương mại, giá chưa phải là yếu tố cạnh tranh hàng đầu mà là thương hiệu. Giá là hương thơm thoảng qua, thương hiệu là ấn tượng gieo trồng. Khi có thương hiệu được chăm chút không ngừng, đi qua gây lưu luyến, trở lại sẽ bén rễ xanh tươi. Hàng Việt qua chặng dài về nông thôn, những thương hiệu nào đã, đang hoặc sẽ bén rễ?

Để hàng Việt bén rễ lâu bền ở thị trường nông thôn, riêng doanh nghiệp nỗ lực chưa đủ, còn cần tới sự hỗ trợ của Nhà nước. Doanh nghiệp xác định trọng tâm sản phẩm, quản lý nhà nước xác định trọng tâm nhóm hàng.

Không một quốc gia nào có khả năng đáp ứng đủ mọi nhu cầu trong nước, vậy nên giao thương thế giới mới sôi động và lớn như hãng Boeing của Mỹ mà làm chiếc máy bay 787 Dreamliner (năm 2009) sử dụng sản phẩm của hơn 20 công ty ở nhiều nước trên thế giới. Chương trình Hàng Việt về nông thôn đã xác định được nhóm hàng nào có lợi thế trong chiến lược quốc gia?

Xác định trọng tâm để đề ra chính sách thực hiện. Doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chiến lược, quản lý nhà nước có chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, nhân công... cụ thể để phát triển nhóm hàng chiến lược. Tránh việc hô hào chung chung như trước nay. Các chuyên gia đã phân tích, kinh nghiệm thành công trong công tác xúc tiến thương mại của nhiều nước quanh ta là ở sự cụ thể này.

Nên xúc tiến thương mại, không để rơi vào tình trạng như ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, từng cảnh báo “vài nơi hoạt động chỉ nhằm tiêu tiền ngân sách và dự án là chính”. Với doanh nghiệp, ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương), cho rằng, phải mạnh dạn chứ “đừng thập thò”.

Nếu không, gánh hàng rong khổng lồ chỉ khuấy động được xóm ấp mấy ngày, mua vui chốc lát mà thôi.

MỚI - NÓNG