Trục lợi cái đẹp

Trục lợi cái đẹp
TP - “Sau khi được bác sĩ phẫu thuật nâng ngực, vùng ngực trái của tôi bị đau nhức, xệ và chảy dịch khiến tôi thường xuyên uống thuốc kháng sinh với tái khám liên tục”- tâm sự của một phụ nữ 40 tuổi ở Cần Thơ lên TPHCM thực hiện phẫu thuật nâng ngực gặp tai biến làm nhiều người buồn lòng.

Giữa thời buổi công nghệ biến “vịt thành thiên nga” đang nở rộ thời gian qua, với hàng trăm thẩm mỹ viện đua nhau chèo kéo khách hàng bằng nhiều quảng cáo “nổ” tung trời, những tai biến gây ra như trường hợp của người phụ nữ kia không có gì là không thể.

Mới đây trên mạng lại xuất hiện hàng loạt quảng cáo của một vị bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rằng ông là “bác sĩ thẩm mỹ giỏi nhất Việt Nam” để lôi kéo khách hàng cho cơ sở thẩm mỹ của mình khiến đồng nghiệp thất vọng. Ít ai biết rằng để có được danh hiệu “bác sĩ giỏi nhất” kia, hàng loạt bệnh nhân đến với cơ sở thẩm mỹ của ông đã phải “thân tàn ma dại”, hàng loạt khách hàng đã biến dạng khuôn mặt, ôm họa vì nâng ngực... sau khi được ông dao kéo. Đồng nghiệp có thể biết ông giỏi hay không, nhưng với những khách hàng lời quảng cáo đường mật ấy, có lẽ là chỉ dẫn tối cao nhất cho họ lựa chọn, gửi gắm. Không ai trong số họ biết rằng mình đã vào nơi làm đẹp với thương hiệu hên… xui.

Câu chuyện “phủi” trách nhiệm sau khi gây ra tai biến cho một nữ khách hàng vẫn râm ran mấy ngày nay tại Thẩm mỹ viện Venus ở quận 5, TPHCM có lẽ là minh chứng chua chát cho kiểu làm ăn chụp giật này. Không có chức năng phẫu thuật ở tại cơ sở của mình, nơi đây vẫn dẫn dụ khách nộp 50 triệu đồng để sang phẫu thuật ở một bệnh viện tư được cho là “liên kết” làm ăn, sau khi khách hàng tin lời quảng cáo. Cơ chế làm ăn liên kết này trong lĩnh vực thẩm mỹ như trên đang trở thành “mỏ vàng” để hai bên cùng “khai thác” túi tiền của khách hàng khi mà hàng nghìn thẩm mỹ viện hiện tại không được cơ quan y tế cấp phép phẫu thuật. Lách bằng hình thức trên có vẻ hợp lý, lại thuận lợi khi được sự hà hơi tiếp sức của cơ quan chức năng nên hầu như che đậy được hoài nghi của khách hàng.

Tại TPHCM, thống kê của cơ quan chức năng có hơn 1 nghìn thẩm mỹ viện được cấp phép với chức năng chăm sóc da và gần 100 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ với chức năng làm các tiểu phẫu bình thường. Hằng năm ở thành phố gần 10 triệu dân này cũng tiếp nhận hơn 15 nghìn ca phẫu thuật nâng mũi và 10 nghìn ca nâng ngực. Con số tai biến do những cơ sở này làm chui gây ra hàng trăm ca. Nhưng đó chỉ là những ca “bề nổi”, còn hàng trăm ca khác theo cơ quan chức năng “đã bị giấu nhẹm” do các cơ sở này bung tiền bịt miệng khách hàng.

Bài học sau vụ “thẩm mỹ Cát Tường” vẫn còn đó những nỗi đau, sự căm phẫn, nhưng vì hám lợi, sự thờ ơ của cơ quan quản lý, những người gây ra hệ lụy cho hàng loạt chị em sau khi bỏ tiền làm đẹp đã chối bỏ trách nhiệm, phần nào lộ rõ bộ mặt giả dối của những người thầy thuốc vốn khoác trên mình chiếc áo làm đẹp chân chính.

MỚI - NÓNG