Tư duy “bài văn mẫu”

Tư duy “bài văn mẫu”
TP - Gõ cụm từ Mock Interview (MI), hàng loạt cuộc phỏng vấn thử quốc tế được một nữ nhà báo trẻ mới ra trường đầy tự tin tiếng Anh nghiền ngẫm cả năm trời.

> Mở, và khó đỡ

Vận dụng kinh nghiệm thuộc lòng “bài văn mẫu”, cô vẫn bị loại thẳng cánh trong một đợt phỏng vấn đăng ký học khoa truyền thông một trường đại học danh tiếng của Anh. Cô ấm ức mãi dù mình “đã trả lời những gì người phỏng vấn muốn nghe”.

Số học sinh VN rớt trong các cuộc phỏng vấn quốc tế chắc không ít nếu không vài lần va vấp và tự rút cho mình bài học về sự học vẹt.

Học thuộc các “bài văn mẫu”, nhiều bạn trẻ VN không đương đầu nổi với các câu hỏi mà họ không ngờ tới. Những câu hỏi “không mong đợi” thường đòi hỏi người trả lời phỏng vấn phải biết cách tư duy logic, biết cách trình bày quan điểm của mình.

Trong một môi trường cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao mà VN đang phải đối mặt hằng ngày và ngày càng gay gắt, đã qua lâu rồi kiểu phỏng vấn để trình bày các bài thuộc lòng. Thay vào đó, nhà tuyển dụng phải tìm cho ra những ứng viên thông minh, lý thú.

Cuộc phỏng vấn vì thế thường thiên về thảo luận, nêu quan điểm, giải quyết vấn đề, nhất là các vấn đề nóng hổi đang diễn ra. Người trả lời phỏng vấn thường phải có câu trả lời của riêng mình thay vì dựa vào các “bài văn mẫu”.

Không ít trường hợp, nhà tuyển dụng còn đặt các câu hỏi kỳ lạ để kiểm tra khả năng phản ứng, triết lý hay lương tâm của ứng viên.

Xu thế đánh giá và tuyển dụng nhân lực như trên là tất yếu và toàn cầu. Để có thể cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, VN cũng cần hơn bao giờ hết các nhân sự có tầm tư duy như thế thay vì kiểu tư duy “bài văn mẫu”.

Câu hỏi đặt ra là, kể từ các cuộc cải cách giáo dục gần đây nhất, vào các năm 1979 và nhất là năm 1986, nhà trường ta, cụ thể là sách và thầy của ta, có dạy cho các thế hệ học sinh có được các kỹ năng cơ bản ấy hay không? Dù chưa có bất cứ cuộc tổng điều tra nào vẫn có thể khẳng định mà không sợ sai rằng “Không”.

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 hôm 15-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Trung ương yêu cầu phải đổi mới từ nhận thưc tư duy, mục tiêu đào tạo”.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, suy cho cùng là nhằm cho ra lò những con người có thể vượt qua những cuộc phỏng vấn như nêu trên, như một thử thách đầu tiên của cuộc đời.

Nếu không, như GS Hoàng Tụy nói, chúng ta sẽ lại “đang đi lạc hướng xa rời con đường chung của nhân loại, phát triển lạc điệu so với thế giới văn minh”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG