Tư duy độc lập

Tư duy độc lập
TP - Những người xuất sắc nhất trong một lĩnh vực nào đó, dù nghe có vẻ trớ trêu, nhưng thường đúng, không phải là những học sinh xuất sắc nhất (tính theo bảng điểm) trong trường học.

Hiện tượng này khá phổ biến trên thế giới. Thomas Edison, cha đẻ của nhiều phát minh có ảnh hưởng lớn tới đời sống con người như bóng điện, máy quay đĩa, điện thoại… chỉ có 3 tháng đi học ở trường và kết thúc bằng dòng nhận xét của vị hiệu trưởng, gửi cho cha ông: “Trò Edison, con trai ông, là một trò dốt, lười và hư. Tốt nhất là nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng trò ấy có học nữa thì sau này cũng không nên trò trống gì...”.

Bill Gates, tỷ phú nhiều năm chiếm giữ ngôi vị người giàu nhất hành tinh, ông chủ tập đoàn Microsoft cũng bỏ dở việc học đại học để bắt tay gây dựng sự nghiệp. Steve Jobs, người sáng lập tập đoàn Apple danh tiếng thì thậm chí còn không vào được đại học và mọi kiến thức về máy tính là do ông tự học, tự trang bị.

Nhưng Edison, Gates hay Jobs đều giống nhau ở một điểm: họ có khả năng tư duy độc lập, tránh khuôn sáo và lối mòn. Năng lực tư duy độc lập giúp họ có khả năng tự nghiên cứu, tự làm người thầy của chính mình.

Có lẽ đây là thứ năng lực cần thiết nhất với mỗi con người bởi không ai ngoài chính ta biết mình cần gì, muốn đạt đến điều gì và năng lực tư duy độc lập giúp con người tự trang bị những hiểu biết cần thiết để đi đến cái đích mà mình mong muốn.

Có gì đó giống nhau trong phương pháp tư duy của những nhân vật kiệt xuất nói trên với cách nghĩ của cô bé thủ khoa Nguyễn Kim Phượng của trường ĐH Y dược TPHCM (Phượng là học sinh trường THPT chuyên Thăng Long, Lâm Đồng, đạt điểm tuyệt đối với 30 điểm) khi cô nói “em thích đi tìm chìa khóa hơn là nhận chìa khóa từ người khác”.

Bởi đơn giản, không phải lúc nào cái chìa mà người khác đưa cũng đúng là chiếc chìa ta cần để mở cánh cửa mà ta muốn. Tất nhiên, đạt điểm tuyệt đối là một điều đáng mừng.

Tuy nhiên, nếu Edison, Gates hay Jobs có đạt điểm cao ở trường nhưng không tạo ra những sản phẩm hữu ích, mang tính cách mạng cho xã hội thì tên tuổi các ông chắc chắn không thể lẫy lừng đến thế.

Quay trở lại chuyện của Kim Phượng. Có thể nói, những học sinh có lối tư duy độc lập như em không phải là nhiều, nếu không muốn nói là còn hiếm.

Nhưng trong bối cảnh một kỳ thi đại học đã xuất hiện những nét đổi mới, những nỗ lực thoát ra tính khuôn sáo hay tư duy lối mòn thì hiện tượng Kim Phượng một lần nữa nhóm lên hy vọng về sự khởi sắc của nền giáo dục nước nhà.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG