Tư duy mới chống ngập

TP - Trong lúc TPHCM đang ngập trắng đường, đến hơn nửa ngày sau cơn mưa lớn mà nhiều nơi vẫn “mênh mông bể Sở”, vẫn có độc giả tếu táo trên mạng rằng, giờ mà đứng cạnh sân bay Tân Sơn Nhất thì nên hát bài “Mưa phi trường”, ở chợ Bến Thành ca bài “Biển nhớ”, ở Ngã 5 Chuồng Chó nên lẩm nhẩm ca khúc “Mưa trên cuộc tình” cho nó hợp cảnh.

Đó không phải là thái độ hiếm thấy, bởi không ít người ở TPHCM nay đã chán kêu ca về chuyện ngập, vì kêu hàng chục năm rồi mà ngập nước, kẹt xe vẫn là những vấn nạn thường trực của thành phố. Cách đây ít hôm, đảng bộ và chính quyền thành phố vừa đưa ra 7 chương trình trọng điểm trong đó có chống ngập. Nhưng đâu phải bây giờ mới có ngập. Tình trạng ngập lụt của TPHCM đã kéo dài hai thập kỷ nay. Theo thống kê của một chuyên gia cầu đường đang sống tại thành phố, cuối những năm 1990 có một số điểm ngập cục bộ thì đến năm 2003 có trên 60 điểm ngập lụt, năm 2007 tăng lên hơn 100 điểm. Năm 2013 chỉ còn 6 điểm nhưng đến năm 2014 có 33 điểm tái ngập, 6 điểm ngập cũ chưa giải quyết được và phát sinh 29 điểm ngập mới. Nghĩa là nước không tự sinh ra, không tự mất đi, chỉ chuyển từ chỗ này qua chỗ khác.

Với cơn mưa lớn chiều 26/9 kết hợp triều cường, chắc chắn nhiều người sẽ nhận thấy ngay đề xuất chi 1.200 tỷ đồng mua xe bơm nước chống ngập là tào lao hết sức. Ngập khắp nơi, ngập toàn thành phố thì bơm nước đi đâu? Chương trình chống ngập của TPHCM bấy lâu nay bị xem là dàn trải, thiếu đồng bộ. Dàn trải , thiếu đồng bộ cả về tư duy chống ngập lẫn số lượng, quy mô cách thức của các dự án: nói một cách đơn giản hóa, theo các chuyên gia, TPHCM hiện đang thực hiện hai mũi nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt. Một là thoát nước, trong đó có nước mưa. Hai là ngăn triều cường. Nhưng khi cả triều cường và mưa lớn cùng xuất hiện (ngày càng phổ biến) thì “Sài Gòn hoàn toàn thất thủ”.

Trận lụt lớn chiều qua thực ra không phải bất ngờ, bởi trong 2 tháng gần đây, TPHCM đã chứng kiến không ít lần sân bay Tân Sơn Nhất ngập trắng trời, báo hiệu những cơn mưa lớn tương tự, thậm chí với lượng mưa lớn hơn đang ngày càng phổ biến. Và người dân cũng không bất ngờ vì trong nhiều năm, chưa thấy có đột phá gì trong khâu chống ngập của chính quyền thành phố. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói hôm qua rằng việc chống ngập của đô thị này cần có lộ trình, nhưng người dân có lý do không bất ngờ với các trận lụt vì đã có hàng chục năm để người ta thực hiện các “lộ trình” mà ngập vẫn hoàn ngập, trận sau trầm trọng hơn trận trước.

Một tư duy mới về chống ngập có lẽ là điều quan trọng nhất với TPHCM trong lúc này.

MỚI - NÓNG