Tư duy ngược

TP - Kế hoạch “lọt sàng xuống nia” để gia tăng lợi nhuận cho hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific với đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay sau nhiều ngày gây bão dư luận đã chính thức bị đổ bể khi Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, ngày 7/4, khẳng định quan điểm không thay đổi quy định hiện hành về giá vé máy bay (với giá sàn là 0 đồng, giá trần do cơ quan quản lý đưa ra cho từng thời kỳ).

Không có gì là quá khi nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất áp giá sàn không khác gì cú “đánh dưới thắt lưng” các hãng đối thủ. Điều này có thể thấy qua việc, với tính toán của VNA, nếu áp giá trần là 4,2 triệu đồng/vé và giá sàn là 1,54 triệu đồng/vé, doanh thu của hãng tăng khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Đây là số tiền rất lớn nếu so với bảng tài chính của VNA tại thời điểm hiện nay khi doanh thu của hãng này đang giảm sau mỗi năm.

Còn nếu so với doanh thu trung bình/khách vào năm 2016 là 1,3 triệu đồng, mức 1,48 triệu đồng/khách của năm 2015 và 1,58 triệu đồng/khách của năm 2014, việc được áp mức giá sàn sẽ giúp VNA sống khỏe, không lo bị lỗ. “Độc chiêu” tư duy ngược này nếu được thông qua, cũng sẽ thành “một mũi tên bắn hai đích” trong việc khống chế đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Vietjet Air, vốn nổi tiếng với những chiến dịch bán giá rẻ cho khách đi máy bay, trong việc mở rộng thị phần.

Không những chỉ ra những bất cập, TS Lương Hoài Nam, người có nhiều năm công tác trong ngành hàng không còn cho rằng, phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá (giá trần – giá sàn) trên mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thực tiễn thế giới và cũng không hoàn toàn phù hợp cho nước ta.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng khẳng định, đề xuất áp giá sàn chắc chắn mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không. Còn người tiêu dùng sẽ không được tiếp tục sử dụng dịch vụ với giá rẻ hơn như hiện nay và cuối cùng quy định này sẽ gây thiệt hại nhất định cho xã hội.

Việc lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra lý luận về việc hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm, sao phải áp giá sàn được dư luận hết sức ủng hộ. Dư luận hài lòng vì lãnh đạo ngành đã sáng suốt trước một đề xuất bị cộng đồng người dùng mạng internet cho là khá phi lý trong cơ chế thị trường. Còn xét trên tinh thần của một Chính phủ kiến tạo, đề xuất này cho thấy những tư duy khá lạc hậu của những người từng nhiều năm được “hưởng lợi” từ vị thế độc quyền.

Một thị trường có sự phát triển cạnh tranh lành mạnh, dù khốc liệt, nhưng sẽ luôn mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng, cho các khác hàng. Tương tự, một tư duy quản lý cũ kỹ của lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ thể hiện rõ, như từng xảy ra với nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác, thông qua việc đòi hỏi những ưu đãi, những đặc quyền mà phần lợi lớn luôn thuộc về doanh nghiệp.

Mong rằng, sau việc lãnh đạo Bộ GTVT bác đề xuất áp dụng giá sàn, các “ông lớn” Nhà nước khác sẽ nhận ra vấn đề và coi đây là bài học lớn để thay đổi tư duy, chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh lành mạnh. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể thực sự thay đổi, phát triển nhờ thực lực, thay vì nhờ những ưu đãi xin – cho. Chỉ khi đó doanh nghiệp mới có thể mạnh dạn, tự tin thay đổi phương cách hoạt động, sắp xếp lại bộ máy để chấp nhận việc hội nhập, cạnh tranh sòng phẳng ở trong và ngoài nước trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn.

Việc chấp nhận gạt lợi ích trước mắt để mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng cũng là món đầu tư tốt nhất về thương hiệu cũng như sự tín nhiệm của khách hàng. Có như vậy doanh nghiệp mới phát triển bền vững, thay cho việc “lớn lên” nhờ ưu đãi như đã từng xảy ra trước đây ở nhiều ngành nghề.

MỚI - NÓNG