Tư duy “rào chắn”

TP - Tuần qua, hình ảnh những chiếc rào chắn kỳ quái trên vỉa hè khu vực trước cổng bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) và loạt barie trên vỉa hè quận 1 tại TP.HCM xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vì sao những chướng ngại vật-xin được gọi đúng tên của sự vật, hiện tượng này theo nghĩa đen - lại được báo chí quan tâm đến vậy?

Thoạt tiên là chúng quá lạ lẫm, thậm chí vượt xa tưởng tượng của hầu hết chúng ta. Bởi không ai lại đi đặt chướng ngại vật trên vỉa hè dành riêng cho người đi bộ. Khỏi phải nói những phiền toái, thậm chí là nguy hiểm xảy ra với người lưu thông trên các đoạn vỉa hè này. Người sáng mắt, lành lặn đi không để ý cũng có thể vấp ngã vào barie huống hồ người mù hay khuyết tật. Còn hàng rào zích zắc kiên cố bằng thép cao ngang đầu người trên vỉa hè trước cửa bệnh viện kia, người khỏe đi một mạch vào “ma trận” này còn thấy chóng mặt, không hiểu người ốm với bệnh nhân đi cách nào? Tôi chưa thấy vỉa hè nào trên thế giới được lắp đặt các thiết bị nói trên. Chỉ toàn thấy chúng được dùng ở những nơi cần xếp hàng (nhằm giảm bớt chiều dài của hàng đợi) như ở các sân bay hay một số danh lam thắng cảnh.

Vậy do đâu mà những thiết bị kỳ quái đó xuất hiện trên vỉa hè? Hóa ra, đây là "sáng kiến” của những người quản lý, họ dùng những chướng ngại vật này để chống vấn nạn lấn chiếm vỉa hè bấy lâu nay. Với những chiếc barie cao cỡ gang tay cắm chi chít trên vỉa hè quận 1, đó là nhằm mục đích ngăn người đi xe máy lao lên vỉa hè. Còn với hàng rào zích-zắc kiên cố trên vỉa hè quận 5, lại nhằm một mục đích khác - ngăn tình trạng bán hàng rong, xe ôm, tập trung trước cổng bệnh viện.

Mục đích là rất tốt đẹp, đúng với tinh thần văn minh đô thị, song rất tiếc lại gây ra hiệu ứng phản tác dụng. Vô hình trung, các thiết bị này tuy có thể ngăn được một bộ phận nhỏ xe máy hay người bán hàng rong vi phạm, song lại gây cản trở và bất tiện lớn cho đại đa số người dân khi đi bộ trên vỉa hè. Như vậy “sáng kiến” đã trở thành “tối kiến”, bởi cấm được số ít nhưng lại gây ảnh hưởng đến số đông. Đây là một điều tối kỵ trong tư duy quản lý xã hội.

Ngẫm lại, trong thực tiễn quản lý xã hội đã từng có không ít các quy định, hành động theo lối tư duy như trên. Thay vào đó, cần phải có những giải pháp căn cơ, bài bản và khoa học hơn, tránh nóng vội và duy ý chí để tạo thêm những “barie”, “rào chắn” cho người dân và xã hội.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.