Tù mù

Tù mù
TP - Trong vòng một tháng, giá xăng dầu đã tăng tới hai lần và “đạt” mức rất cao: Giá xăng đã tăng tới 3.000 đồng, đạt kỷ lục 23.800 đồng/lít. Xăng tăng giá, theo giải thích của liên bộ Tài chính - Công Thương là do giá thế giới lên cao.

> Hệ lụy xăng tăng giá với người nghèo

Nhưng trớ trêu thay là chỉ cần sau quyết định tăng giá xăng dầu vài ngày, thị trường xăng dầu thế giới đã có xu hướng giảm giá. Trong thời gian này, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới hoặc không tăng, thậm chí giảm giá xăng dầu để hỗ trợ người dân trong lúc kinh tế khó khăn.

Nhưng khó có thể hy vọng sự “nhanh nhẹn” đề nghị “điều chỉnh giảm” giá xăng từ các doanh nghiệp xăng dầu vì chưa từng có tiền lệ. Hầu hết các lần “điều chỉnh” đều đồng nghĩa với việc xăng tăng giá.

Có một nguyên nhân gây sức ép lên việc tăng giá xăng, theo giải thích của Bộ Công Thương mới đây, là khoản lỗ lũy kế từ kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, đến nay đã lên tới 5.000 tỷ đồng mà chưa có hướng xử lý.

Có thể hiểu ý văn bản của Bộ Công Thương rằng do chưa thực hiện đúng và đầy đủ nghị định 84/NĐ-CP về “cơ chế kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường” nên các doanh nghiệp chưa được quyết định giá bán, phần lớn vẫn phải do nhà nước quyết định.

Rằng các đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu thường thay đổi chậm hơn biến động của giá thế giới, giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở nên gây ra lỗ.

Tuy nhiên, quyền quyết giá bán ở trong tay doanh nghiệp, hay trong tay nhà nước không phải là điều quan trọng với người tiêu dùng, vì cái họ cần là có đủ xăng dầu với giá cả hợp lý, giảm gánh nặng cho cuộc sống, đầu tư và làm ăn kinh tế.

Hơn hết, với thực tế những gì gây tranh cãi bấy lâu nay về thị trường xăng dầu không phải là chuyện “điều chỉnh” tăng hay giảm, mà là tính công khai, minh bạch.

Không thể yêu cầu người dân theo dõi, nghiên cứu để có thể hiểu tường tận cơ chế nhập khẩu, cách tính giá cơ sở, giá bán lẻ hay độ trễ giá cả của một tuần, một tháng… Vì phải có cơ quan chức năng làm việc đó.

Tuy nhiên, với cơ chế tự khai báo, tự chịu trách nhiệm với việc khai báo của doanh nghiệp, dưới sự giám sát của Bộ Công Thương, Tài chính, có thể thấy xăng dầu là một thị trường chưa đủ cơ sở đảm bảo tính minh bạch.

Do vậy, cần có sự giám sát chặt chẽ của một cơ quan độc lập, ví dụ Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trực thuộc Quốc hội.

Dù nhiều lần lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam từng khẳng định giá xăng dầu “công khai, minh bạch”, và hằng năm, đơn vị này đều có kiểm toán độc lập, dù có lãnh đạo Bộ Công Thương từng cho rằng, không cần kiểm toán giá xăng dầu vì thực tế “chẳng ai kiểm toán một mặt hàng” thì thực tế đã chứng minh tính minh bạch đang là điều xã hội cần, chứ không hẳn là một mức giá xăng cụ thể nào đó.

Và đúng là chẳng ai đi kiểm toán một mặt hàng, nhưng hoàn toàn có thể và nên kiểm toán và làm rõ khi cơ cấu giá mặt hàng đó có dấu hiệu làm xiếc. Trong khi, đó là mặt hàng chiến lược và có ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".