Từ PCI đến JTC...

Từ PCI đến JTC...
TP - Ngày 21/3 nhật báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun đăng tin chấn động: Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) từng hối lộ 80 triệu yên (782.640 USD) cho các quan chức ngành đường sắt Việt Nam.

Sáng 23 thông tin trên được báo chí Việt Nam đăng lại, ngay lập tức chiều cùng ngày Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng triệu tập cuộc họp khẩn; hàng loạt cán bộ liên quan bị đình chỉ công tác, viết tường trình.

Sáng 24, một thứ trưởng GTVT trực tiếp đến đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội; chiều cùng ngày Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp Viện KSNDTC, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ, điều tra, xử lý nghiêm.

Ngày 25, Đoàn công tác do thứ trưởng GTVT dẫn đầu bay sang Tokyo; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Nhật Bản; chiều cùng ngày Bộ GTVT quyết định thanh tra đột xuất một loạt dự án đường sắt…

Hàng loạt hành động, phản ứng mau lẹ, kiên quyết của các cơ quan chức năng nước nhà ngay sau thông tin nói trên từ báo chí Nhật cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng cao độ của Việt Nam. Mừng là ngày nay, “tham nhũng”, “hối lộ”, “lại quả”… đã trở thành cụm từ khóa rất nhạy cảm với công luận, người dân dị ứng mạnh mẽ với loại “quốc nạn” nguy hiểm này.

Chưa biết thông tin trên báo chí Nhật thực hư ra sao, song lời thú nhận của ông Chủ tịch JTC Tamio Kakinuma tại văn phòng công tố Tokyo ngày 18/3 vừa qua gây rúng động dư luận Việt Nam, nước nhận nguồn vốn ODA lớn từ Nhật.

Bởi ít nhiều đã có tiền lệ vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ từ công ty PCI (sau này lĩnh án 20 năm tù giam), cũng do nhật báo Yomiuri phanh phui từ bên Nhật ngày 25/6/2008. Bởi vốn vay ODA chính là khoản nợ công mà mỗi công dân Việt đã, đang và sẽ phải gánh trả, người dân có quyền đòi hỏi nguồn vốn này phải được quản lý chặt chẽ, không lãng phí, thất thoát.

Chỉ buồn một nỗi, những vụ việc như PCI hồi năm 2008 hay nghi án từ JTC hiện nay, đều bị phát giác từ nước bạn, từ bên đưa hối lộ. Theo báo chí Nhật, nhờ kiểm soát thuế chặt chẽ, cục thuế Tokyo đã lần ra những khoản chi bất minh cả trăm triệu yên mà vị Chủ tịch JTC phải thừa nhận. Người dân ước gì nước ta cũng có những công cụ kiểm soát thu nhập, tài sản của các quan chức hữu hiệu tương tự, hẳn khi đó những kẻ nhận hối lộ sẽ lo sốt vó, cả người đưa và kẻ nhận hối lộ khó mà yên ổn.

Nhưng dù sao, từ tiền lệ vụ PCI đến nay là vụ JTC, tin chắc rằng không ít quan tham như đang “ngồi trên đống lửa”, ăn không ngon, ngủ không yên, giật mình thon thót, không biết lúc nào sẽ tới lượt mình. Bởi những khoản tiền “lại quả” lớn sẽ luôn để lại dấu vết trong hành trình tội lỗi của chúng.

Mong rằng, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước cùng với sức mạnh của truyền thông sẽ không còn chỗ cho quan tham ung dung ngồi hưởng thụ trên mồ hôi, công sức của dân!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.