Tước quyền bệnh nhân

Tước quyền bệnh nhân
TP - Nghe tin Nhà nước đã ban hành chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả một phần lớn kinh phí điều trị đối với bệnh viêm gan siêu vi C, hàng trăm người dân, đa số người nghèo, khấp khởi mừng và từ nhiều nơi tìm đến các cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh với hy vọng bệnh sẽ được chữa trị dứt điểm mà không phải bán đi tài sản, ruộng vườn, nhà cửa.

> Tín hiệu lành cho bệnh nhân viêm gan C

Tuy nhiên, niềm hy vọng đó nhanh chóng bị dập tắt bởi một lý do được đưa ra từ phía cơ quan BHYT: “Chờ hướng dẫn thực hiện”, mặc dù chính sách kể trên được ban hành đúng một năm.

Do chi phí điều trị quá cao, vượt xa khả năng nên nhiều người buộc phải ôm bệnh quay về nhà ngồi chờ.

Song, tiếc là những “con siêu vi C” lại không biết chờ đợi văn bản hướng dẫn của các cơ quan hữu trách nên ra sức tấn công, hoành hành khiến nhiều người bệnh đã mãi mãi không còn cơ hội chữa trị. Đâu đó, đằng sau sự chờ đợi là những cái chết oan.

BHYT được xem là tấm lưới chắn bảo vệ người nghèo khỏi tình trạng rơi tự do từ cuộc sống bình thường xuống vực thẳm bệnh tật. Tuy lưới đã được chuẩn bị, nhưng những người nắm trong tay tấm lưới đó lại chưa sẵn sàng giăng ra.

“Chúng tôi chờ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế thống nhất một phác đồ chung hướng dẫn cho cả nước để có căn cứ thanh toán”- một lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội TPHCM giải thích.

BHYT là tấm gương phản chiếu những tiến bộ xã hội và là một trong những thước đo về chất lượng hệ thống an sinh xã hội của một quốc gia. Do đó, không ngẫu nhiên mà hàng năm Nhà nước phải dành một khoản ngân sách không nhỏ đi kèm những chính sách thiết thực để đầu tư phát triển hệ thống an sinh xã hội.

Chính người dân là đối tượng thụ hưởng những chính sách đó. Vì vậy, ở chừng mực nào đó, BHYT là quyền mà người dân nghiễm nhiên được hưởng.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào người dân cũng được hưởng, hoặc hưởng một cách kịp thời và đầy đủ. Trường hợp BHYT đối với bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi C kể trên chỉ là một ví dụ.

BHYT nói riêng và chính sách nói chung sẽ không đi vào cuộc sống hoặc không phát huy tác dụng nếu các cơ quan thực thi chính sách không nhìn thấy hoặc không làm tròn trách nhiệm của mình.

Chỉ cần một sự lơ là hay trở ngại nhỏ nào đó từ phía các cơ quan thực thi cũng sẽ cản trở quá trình đi vào cuộc sống của chính sách, thậm chí tước đi quyền chính đáng của người dân mà lẽ ra họ được hưởng từ chính sách.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG