Tương phản công - tư

Tương phản công - tư
TP - Nhiều bác sĩ đã ví von bệnh viện tư nhân hiện nay như những đứa “con ghẻ” bị bỏ rơi và tự bơi giữa một mênh mông biển nước. Không được hỗ trợ nhiều từ chính sách cũng như bảo hiểm y tế trong khi lại chịu sự ràng buộc của nhiều rào cản kỹ thuật khiến cho không ít bệnh viện tư phải sống dở chết dở.

Sau hơn 10 năm phát triển, hiện cả nước có khoảng 170 bệnh viện tư nhân và 30 nghìn phòng khám tư hoạt động. Con số này không hề khiêm tốn so với các nước trong khu vực nhưng trong hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, số bệnh viện tư này chỉ chiếm khoảng 15% số giường bệnh nói chung và chỉ 7% người dân vào khám chữa bệnh. Trong khi công suất sử dụng giường bệnh ở đa số bệnh viện tư chỉ đạt 40-50% thì ở chiều ngược lại, bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải.

Nhiều bệnh viện tư đầu tư cả nghìn tỷ đồng lần lượt đóng cửa trong khi số khác sống trong tình cảnh lay lắt.

Trong khi bệnh viện công được ưu đãi vay vốn ODA, được nhà nước đứng ra bảo lãnh thì ngược lại bệnh viện tư phải tự bơi, phải vay vốn thương mại lãi suất cao kèm theo hàng loạt điều kiện ràng buộc. Không chỉ bị bỏ rơi, năm 2015 khi chính sách bệnh viện tư hạng 2 không được thanh toán bảo hiểm y tế trái tuyến ngoại trú đã vô tình “giết” không ít bệnh viện tư vốn sức khoẻ đã kiệt quệ dẫn đến chết hẳn. Không được thanh toán khi người bệnh đến khám trái tuyến ở các mức 30%-70% như trước đây, cũng đồng nghĩa là bệnh viện tư mất đi một lượng lớn bệnh nhân đến điều trị.

Chưa dừng lại, thêm một đòn chí mạng nữa giáng xuống bệnh viện tư nhân hạng 2 vào năm 2016 khi quy định không cho loại hình bệnh viện này được thông tuyến. Tréo ngoe hơn, ở phía bệnh viện công lại được thực hiện việc này khiến cho bức tranh công- tư thêm phần tương phản. Bệnh viện công quá tải còn bệnh viện tư ế ẩm chợ chiều! Trao đổi với PV Tiền Phong trước “cơn lốc” xã hội hóa đang tràn vào hệ thống bệnh viện công, PGS- TS Nguyễn Hoài Nam- cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Minh Anh cho rằng chính sách “xã hội hóa y tế”  đã bị biến tướng khi “bảo bối” này bị các bệnh viện công lạm dụng để kêu gọi tư nhân đầu tư vào bệnh viện công, sau đó lấy của công để phục vụ “nhóm lợi ích” nhằm tư lợi. Theo ông, vô hình trung, quá trình trên đã “tư nhân hóa” bệnh viện công và đẩy hệ thống bệnh viện tư bên vực phá sản. Những lý lẽ mà vị bác sĩ này đưa ra không phải không có cơ sở khi từ năm 2014 đến nay, tại TPHCM đã có ít nhất 7 bệnh viện công hạng I được cơ quan thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm trong xã hội hoá y tế. Từ lạm dụng chụp chiếu, “ăn” phim X-quang đến kéo bệnh nhân vào mổ dịch vụ hoặc cho tư nhân đặt máy móc vào bệnh viện để ăn chia tỷ lệ %...

Nguồn nhân lực ở bệnh viện công có sẵn, cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư “xã hội hoá” y tế đang bị biến tướng để tư lợi. Phía ngược lại, bệnh viện tư đang hấp hối bởi những rào cản từ hữu hình đến vô hình khiến họ chồng chất khó khăn. 

MỚI - NÓNG