Tuyên chiến nhưng chưa đánh?

Tuyên chiến nhưng chưa đánh?
TP - Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội ngày 31-10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Võ Thị Dung đã bật khóc giữa nghị trường khi bà nhắc đến người nghèo, những bệnh nhân ở một trại phong bà vừa đến thăm, nơi mỗi người chỉ được cấp vẻn vẹn có... 8.000 đồng cho hai bữa ăn.

> 'Phải thay cách đánh, người đánh'
> Nhớ tên quan chức

Nữ ĐBQH này xót xa cho những đồng bào nghèo khổ giữa lúc ngân sách nhà nước đang bị bòn rút, lãng phí bởi nhiều khoản chi tốn kém, không cần thiết, vượt chi tới cả nghìn tỷ đồng.

Không ai khác, người nghèo chính là nạn nhân đầu tiên của tham nhũng, lãng phí. Hôm qua 1-11, khi thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều tiếng nói bức xúc thậm chí căm phẫn đã vang lên giữa nghị trường.

Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã nhận định: “Nghị quyết của Đảng nói rằng tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Tôi muốn nói thêm là tham nhũng cũng đang thách thức Quốc hội, nguy hiểm hơn là thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân”.

Chưa bao giờ, tiếng nói căm phẫn lẫn xót xa với quốc nạn tham nhũng, lãng phí lại vang lên giữa nghị trường - cơ quan quyền lực tối cao của đất nước - mạnh mẽ đến như vậy. Nhưng vì sao tham nhũng mãi không giảm, mà có phần còn tinh vi, phức tạp hơn ?

ĐBQH Trần Đình Nhã lý giải: “Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Nhưng theo tôi, cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu xảy ra thì cũng chưa đáng kể lắm vì chưa có thương vong gì nhiều. Tôi đề nghị Quốc hội nên bàn và có phương án tác chiến cụ thể hơn”.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 định nghĩa, “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”; Liên Hợp Quốc định nghĩa tham nhũng là “sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng”, còn Ngân hàng Thế giới cho rằng tham nhũng là “lạm dụng công quyền để tư lợi”. Tóm lại, tất cả đều thống nhất rằng, tham nhũng chính là căn bệnh của quyền lực.

Vì sao căn bệnh cực kỳ nguy hiểm của quyền lực này lại chưa có thuốc trị hữu hiệu, hay theo ông Nhã là mới chỉ tuyên chiến chứ chưa đánh? Câu trả lời nằm ở chính hệ thống công quyền, ở sự công khai, minh bạch, ở trách nhiệm và đạo đức công vụ, sự nghiêm minh của pháp luật... để sao cho người có quyền lực không dám và không thể tham nhũng. Tự chữa bệnh cho chính mình là điều rất khó.

Chừng nào chỉ kê khai mà không công khai tài sản, mua sắm giá trị lớn không phải giải trình, không tịch thu được tài sản do tham nhũng mà có... chừng đó chưa thể có một cuộc chiến chống tham nhũng thực sự.

Chừng nào còn “văn hóa” phong bao, phong thơ trong xã hội, còn tâm lý “một người làm quan, cả họ được nhờ”, chừng đó chưa thể tận diệt quốc nạn, chưa thể chặn đứng “giặc nội xâm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.