Ưu thế độc quyền

TP - Chuyện độc quyền trong lĩnh vực xăng dầu gây nhiều chú ý của dư luận nhiều năm trở lại đây. Từ ồn ào quanh chuyện giá xăng dầu tăng nhanh giảm chậm, đến việc giá xăng dầu bị tính chênh thuế nhập khẩu, giờ lại đến chuyện Petrolimex bị Thanh tra Chính phủ “kết án”: Để sơ hở trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực khi để xăng dầu bán ra tại các đơn vị thành viên tăng đột biến đầy bất thường, từ 2,3 đến 6,7 lần so với sản lượng bán bình quân.

Việc dư luận đặt câu hỏi vì sao lượng bán của các đơn vị thuộc Petrolimex lại tăng mạnh bất thường chỉ mỗi khi xăng dầu chuẩn bị tăng giá, trong thực tế khá dễ để giải thích. Petrolimex có thể “cãi trắng” rằng các tổng đại lý và đại lý thường tranh thủ nhập hàng trước mỗi khi có thông tin tăng giá. Tập đoàn không có cơ sở từ chối khách hàng khi được yêu cầu bán.

Tuy nhiên, sẽ thật khó tin nếu Petrolimex và các công ty thành viên nói không nắm được lượng tiêu thụ chính xác của các đại lý, tổng đại lý trực thuộc cũng như lượng xăng dầu nhập tại các cửa hàng nhượng quyền, liên kết có liên quan trong một tuần, một tháng. Kinh doanh mà không nắm được lượng hàng tiêu thụ trên thị trường trong 15 ngày, một tháng thì doanh nghiệp chả mấy mà phải đóng cửa. Việc vì sao đại lý lại tăng đột biến mua hàng trước thời điểm tăng giá, là doanh nghiệp đầu mối, Petrolimex hiểu rõ hơn ai hết.

Mua sớm, đặt hàng sớm một vài ngày trước giờ G (thời điểm tăng giá), với một cửa hàng xăng dầu tầm trung, sản lượng bán 40.000 - 50.000 lít/tháng, khi giá xăng tăng chỉ cần ôm hàng tăng gấp 4-5 lần so với bình thường để bán dần, chủ cửa hàng dễ dàng bỏ túi khoản tiền chênh từ 300 triệu - 400 triệu đồng.

 Với các cửa hàng lớn, nằm ở vị trí trung tâm, lượng tiêu thụ lớn, chủ cây xăng có thể thu được số tiền nhiều tỉ đồng. Còn nếu nhân với lượng bán bình quân trên 2,2 triệu lít xăng, dầu trên toàn hệ thống Petrolimex/ngày, với mức điều chỉnh giá trong giai đoạn 2010-2013 (với những thời điểm tăng giá lên tới 1.500 đồng-2000 đồng/lít), riêng khoản tiền chênh lệch từ việc mua rẻ, bán đắt (mua sớm trước khi giá tăng, và bán theo giá mới sau khi điều chỉnh), lợi nhuận thu được sau mỗi lần điều chỉnh giá lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tiền lãi, tiền chênh vào túi ai chưa rõ nhưng chắc chắn người chịu thiệt trong việc mua sớm, bán muộn này chỉ có thể là người tiêu dùng. Nói vậy vì doanh nghiệp dù mua được xăng dầu giá rẻ nhưng cũng chả dại gì bán rẻ cho người tiêu dùng, bán dưới mức quy định, dù luật có khuyến khích.

Cũng không phủ nhận những gì Petrolimex đóng góp trong việc góp phần bình ổn giá, đảm bảo cung cấp xăng dầu cho đất nước. Nhưng việc chiếm thị phần lớn nhất thị trường, có hệ thống đại lý trực tiếp trải rộng nhất thị trường với những địa thế kinh doanh vàng như Petrolimex luôn là niềm mơ ước của các doanh nghiệp trong ngành. 

Có hệ thống đại lý trực tiếp, đồng nghĩa Petrolimex có thể vừa thu được lợi nhuận từ bán buôn (với tư cách doanh nghiệp đầu mối), vừa thu được lợi nhuận từ bán lẻ (bán trực tiếp cho khách hàng).

Việc các chuyên gia cho rằng, cần phải thanh tra, giám sát đường đi của xăng dầu sau mỗi lần tăng giá, đến nay khá có lý và cũng cần thực hiện. Vì sao lượng bán chỉ tăng mỗi khi chuẩn bị tăng giá, còn mỗi lần giảm giá bán lại tịnh không thấy đơn vị nào tăng mua vào luôn là câu hỏi ngỏ với các cơ quan quản lý.

MỚI - NÓNG