Vấn đề là khả thi

Vấn đề là khả thi
TP - Dự thảo quy định cấm bán rượu, bia sau 22h của Bộ Y tế đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội bởi những luồng ý kiến trái chiều. Ông Chủ tịch Hiệp hội bia rượu đương nhiên là phản đối, các quán rượu, quán bia, nhà hàng, khách sạn chắc chắn cũng không lấy gì làm vui vẻ.

Cái lý của cơ quan quản lý nhà nước là bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế các tác hại không mong muốn do rượu bia gây ra như gây ồn ào, mất an ninh trật tự, tai nạn giao thông… Còn các bà vợ có chồng hay nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng hẳn sẽ giơ cả hai tay ủng hộ cho quy định cấm nói trên.

Cái lý của những người soạn thảo cũng không phải không có cơ sở, bởi theo ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang đã có tới 87 nước trên thế giới quy định về giờ cấm bán rượu bia, thậm chí như Singapore còn cấm bán rượu bia từ 24 giờ hôm trước đến 11h trưa hôm sau và cấm bán tiếp từ 14 -17 giờ, hay như Thái Lan chỉ cho phép bán rượu từ 17 - 21 giờ. Còn quy định tuổi được phép uống rượu bia thì cũng có vô số nước áp dụng.

Đúng là thế ! Vấn đề còn lại chỉ là ở chỗ, quy định đưa ra rồi liệu có khả thi, tức có áp dụng được trong thực tế không? Đó là câu hỏi lớn cần có câu trả lời. Thời gian qua, hẳn mọi người còn nhớ nhiều quy định của các bộ ngành ban hành rồi lại phải rút vì chúng không thể đi vào cuộc sống. Từ quy định “ngực lép” hay tay sáu ngón không được lái xe của Bộ Y tế tới quy định thịt chỉ được bán trong vòng 8 tiếng của Bộ NN&PTNT. 

Còn quy định về xử phạt việc hút thuốc lá tại công sở, bệnh viện, trường học và một số nơi công cộng khác với mức phạt lên tới 500 ngàn đồng, đến nay vẫn hầu như chưa phạt được ai. Xin lưu ý hầu hết các quy định của ta không phải tự nghĩ ra mà đều là “học hỏi” các nước cả. Trộm nghĩ, nếu có một bộ phận độc lập chuyên nghiên cứu về các quy định bất khả thi nói trên, rồi tìm ra nguyên nhân của việc “thất bại”, cả chủ quan lẫn khách quan, hẳn sẽ rất có ích cho các bộ ngành để khỏi tốn thêm thời gian và giấy mực lặp lại những quy định “trên giời”.

Nhiều bạn đọc cho rằng, giống như thất bại của việc xử phạt hút thuốc lá không đúng nơi quy định, lấy lực lượng đâu để đi kiểm tra và xử lý việc mua bán rượu bia sau 22h? 

Trên thực tế, tại nhiều nước phát triển, các quy định tương tự được thực hiện rất nghiêm bởi tính tự giác tuân thủ luật pháp của công dân nước họ đã cao. Cách đây ít năm, đoàn nhà báo Việt Nam sang Mỹ công tác trong đó có phóng viên báo Tiền Phong, đã tận mắt chứng kiến cảnh một thành viên trong đoàn bị nhân viên bán hàng yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh trên 18 tuổi khi gọi một cốc bia. Chẳng là anh phóng viên này tuy đã ngót 30 nhưng trông nhỏ người và trẻ hơn tuổi khá nhiều.

Dẫn ra đây câu chuyện này để thấy rằng, một quy định muốn khả thi phải phù hợp với trình độ nhận thức và chấp hành pháp luật của dân chúng, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế- văn hóa - xã hội của đất nước đó. Do vậy, một quy định dù có tiến bộ, có nhân văn đến mấy song nếu chưa phù hợp với trình độ phát triển của xã hội, ắt sẽ khó đi vào cuộc sống, khó được thực thi.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.