Văn hóa còi

Văn hóa còi
TP - Cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ GTVT đang nghiên cứu đề nghị của một số người dân TPHCM cấm các phương tiện giao thông dùng còi trong phạm vi nội ô. Câu chuyện dùng còi bừa bãi ở nước ta không phải bây giờ mới được đề cập.

“Văn hóa còi xe” Việt Nam còn được lưu truyền trong du khách quốc tế, lên cả mặt báo nước ngoài. Và tác hại của tiếng còi xe tới sức khỏe người dân cũng không cần phải chứng minh nhiều. Nhưng câu hỏi đặt ra là còi xe có gì “béo bở”mà dân ta ưa dùng đến vậy? Và vì sao đã có đủ loại quy định về chuyện dùng còi xe như hạn chế bấm còi liên tục, rú ga liên tục, không bấm còi khi đêm khuya trong khu dân cư, không dùng còi khi đi ngang trường học, bệnh viện…, có cả những chế tài xử phạt với các mức rất cụ thể, nhưng nhiều người dân vẫn ưa dùng còi.

Loại bỏ những trường hợp văn hóa còi (cọc), có vấn đề về nhận thức, câu chuyện đề nghị cấm dùng còi ở nội ô TPHCM  cần được xem xét ở nhiều khía cạnh. Tất nhiên, nhu cầu được sống trong một môi trường không bị ô nhiễm, mà cụ thể trong trường hợp này là ô nhiễm tiếng ồn, là hoàn toàn chính đáng. Hạn chế tiếng còi xe, tiến tới loại bỏ nó khỏi đời sống đô thị là mơ ước không chỉ của riêng người dân TPHCM. Cấm còi bừa bãi, còi không cần thiết, còi quá mức là đúng.

Tuy nhiên, ngay cả những người phải dùng còi xe, không ít người đâu có ham hố gì chuyện làm ầm ĩ. Nhưng mặt trái của vấn đề được những người phải ngồi sau tay lái đặt ra: Liệu không dùng còi, có thể chạy xe được với điều kiện đường sá và văn hóa tham gia giao thông của người dân như hiện nay hay không. Không kể đến những tình huống buộc phải dùng còi, khi góc nhìn bị che khuất, rất nhiều lái xe nói nếu không dùng còi, chỉ có thể chạy xe trong phố bằng… niềm tin rằng, những người chạy xe phía trước cũng tuân thủ luật giao thông như mình.

Trong khi đó, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân luôn là điểm yếu của bức tranh giao thông nước ta. Hãy thử hình dung một người lái ô tô trên làn đường dành cho ô tô, nhưng có cả chục, cả trăm người điều khiển xe máy không cần biết khái niệm làn đường dành riêng, chạy lấn hoặc chạy hoàn toàn trong phần dành cho ô tô. Mà không cần hình dung, đây là việc diễn ra hằng ngày tại các thành phố lớn, trong đó có TPHCM.  Thậm chí, ngay cả những người đề xuất cấm còi, có bao nhiêu người dám đảm bảo họ chưa từng chạy ẩu, chạy lấn tuyến, chuyển hướng không thèm bật đèn xi-nhan?

Chính vì thế, chuyện dùng còi bừa bãi hoặc quá mức cần được xem xét trong tổng thể bức tranh văn hóa giao thông. Tách riêng ra sẽ không đi đúng bản chất vấn đề và không bao giờ giải quyết được triệt để.

MỚI - NÓNG