Vẫn là khâu giám sát

Vẫn là khâu giám sát
TP - Hôm qua, có hai tin rất đáng chú ý trên các báo. Tin thứ nhất: Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2009, Cty Cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng NN&PTNT) lỗ 3.000 tỷ đồng.

Số tiền thua lỗ này nhiều hơn gấp 8,5 lần vốn điều lệ của công ty. Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho thấy hàng ngàn tỷ đồng ngân sách đã “bốc hơi” do quản lý lỏng lẻo. Việc mua bán, cho thuê tài chính của Công ty Cho thuê tài chính II bộc lộ những kẽ hở lớn đến mức hàng chục tỷ đồng có thể trong phút chốc tan thành mây khói: Chỉ riêng một “phi vụ” chi nhánh của Công ty mua xe máy thi công với giá 65 tỷ đồng khi trước đó chỉ một tuần, chiếc xe ấy được bán với giá gần 32 tỷ đồng. Hơn 33 tỷ đồng đi tong.

Tin thứ hai: Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quản lý ngoại hối trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo hoạt động, triển khai các dự án. Những động thái nói trên được cho là nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc chuyển vốn ra nước ngoài.

Có vẻ hai thông tin nói trên ít liên hệ với nhau. Nhưng sẽ là điều đáng lo, nếu đặt hai sự việc nói trên trong bối cảnh đang có những dòng đầu tư, luân chuyển vốn từ trong nước ra nước ngoài. Trong khi chỉ một công ty thuộc ngân hàng cũng có thể làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng/năm dù vẫn chịu sự giám sát của công ty mẹ, của ngành, của hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp và tai mắt nhân dân thì Nhà nước, các cơ quan dân chủ đại diện có giám sát cho đủ và có hiệu quả hay không đối với dòng vốn đầu tư ra nước ngoài đang tăng lên vùn vụt trong thời gian gần đây? Chỉ trong hai tháng đầu năm 2011, lượng vốn mà các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư ra nước ngoài gấp tới 93 lần so với cả 10 năm đầu tiên doanh nghiệp nước ta bắt đầu “mang chuông đi đánh xứ người”. Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), từ đầu năm 2011 đến cuối tháng 2, đã có 16 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 1,264 tỷ USD, chỉ thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam cùng kỳ. Bình quân vốn của một dự án đầu tư mới ra nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2011 đạt khoảng 79 triệu USD, trong khi quy mô vốn bình quân của dự án FDI đầu tư vào Việt Nam cùng kỳ chỉ đạt 14,6 triệu USD.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong một văn bản mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã phải đề nghị các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp rà soát, báo cáo Bộ trước ngày 15-4-2011 về tình hình thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài, yêu cầu các chủ đầu tư “tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư hiệu quả, minh bạch, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG