Vì dân

Vì dân
TP - Có hai việc tại Đà Nẵng đang gây xôn xao bàn dân thiên hạ mấy ngày qua. Một là việc “nói không” với bằng tại chức trong các đợt thi tuyển vào cơ quan nhà nước của thành phố. Hai là sẽ “nói không” với việc thu tiền giữ xe tại các bệnh viện, cơ sở y tế và cơ quan công quyền cũng của thành phố, kể từ ngày đầu tiên của năm 2011.

Hai chủ trương rất lạ trên, tưởng như không liên quan, nhưng lại cùng hướng đến một đích và kết quả: Dân được nhờ !

Được nhờ ngay tắp lự bởi khỏi tốn tiền (dù chỉ là mấy đồng lẻ) của bệnh nhân và người nhà thăm nuôi. Tuy nhiên lẻ với người này, nhưng không lẻ với nhiều người khác. Đó là người nghèo, là những người vì bệnh tật phải gắn chặt với giường bệnh tháng này qua năm nọ, cũng như với người thân của họ.

Không ít trường hợp lời qua tiếng lại, thậm chí xô xát khi người gửi thì hối hả vì đưa người thân đi cấp cứu, lại không sẵn tiền lẻ trong người, còn bên giữ xe thì cứ đủng đỉnh, tà tà “hãy đợi đấy !”.

Nhưng rút cuộc, những điều trên vẫn mới chỉ là tiểu tiết. Vấn đề là Đà Nẵng đã phần nào mở màn cho cuộc đấu tranh chống lại tệ nạn từ việc trông giữ xe khiến người dân cả nước phải bức xúc từ bao năm qua, dù tệ nạn này tại Đà Nẵng được kiềm chế chặt chẽ, ít xảy ra phức tạp hơn nhiều nơi khác.

Đó là nạn chặt chém vô tội vạ, là tình trạng đủ loại vé, đủ loại giá, đủ loại tốp nhóm giành nhau trông giữ xe ngay tại những bệnh viện lớn ngay tại nhiều đô thị lớn. Và các điểm trông giữ xe ngoài bệnh viện, tại các điểm vui chơi còn nghiêm trọng hơn. Cuộc chiến tăng giá, tranh giành nhau khốc liệt mà người bệnh và người dân phải cắn răng hứng chịu.

Ai cũng hiểu không hề đơn giản khi dẹp bỏ “tệ nạn” này, bởi đó là nguồn thu khổng lồ, bất kỳ tổ chức đơn vị lớn nhỏ nào có điều kiện là sẵn sàng xông ra vỉa hè, hoặc vào “bắt tay” với bệnh viện chăng dây thu tiền. Và bởi khoản tiền khổng lồ đó liên quan đến nhiều nhóm lợi ích, từ tổ dân phố, phường, quận tới bệnh viện, trường học, công sở…, trong khi ngân sách nhà nước hầu như không thu được đồng nào.

Còn việc thứ hai, dân chắc sẽ được nhờ lâu dài khi có sự tinh lọc chất lượng tuyển dụng những công bộc của dân, mà tấm bằng tại chức hay chính quy mới chỉ là điều kiện sàng lọc sơ khởi nhất. Vấn đề là phải nhìn sâu vào bản chất và mục đích của tiêu chí trên, chứ không thể chỉ tranh luận suông về tại chức hay không tại chức, có bỏ sót người tài hay không. Có tài ắt có đất dụng võ. Còn người dân, khi đóng thuế nuôi cán bộ, họ có quyền được nhận những gì tốt nhất mà các cơ quan công quyền đem lại.

Mọi điều chỉnh luật lệ này kia sẽ tính tiếp. Còn việc đầu tiên, cứ phải vì dân!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG