Vì nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam

Vì nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam
Đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, cái khó nhất là đấu tranh cho sự vẹn toàn và cao đẹp về nhân phẩm của chị em. Vào hạ tuần tháng 2 vừa rồi, trên chuyến bay ra Hà Nội, ngồi bên cạnh một ông bạn người Hàn Quốc, sau dăm ba câu giao đãi theo phép lịch sự thông thường với người cùng chuyến bay ngồi sát mình, tôi cầm lấy tờ “Sài Gòn Giải phóng” ra ngày 24/2/2005.

Lướt đọc, rồi dừng lại ở phóng sự “Chuyện lấy chồng xa” tôi bỗng thấy gai người xấu hổ liếc nhìn sang ông bạn ngồi cạnh. May quá, ông ta đang lim dim! Nhưng dù không ngủ, chắc ông ta cũng chẳng thông tỏ tiếng Việt để đọc thấy câu trên trang báo tôi đang xem :“Hãy cưới vợ Việt Nam. Dù bạn goá vợ, dù bạn tàn tật, dù bạn đã đứng tuổi-bạn vẫn có thể lấy những cô gái Việt Nam còn trinh nguyên”.

Đây là câu chào mời của một công ty môi giới hôn nhân ghi trên một cái “băng rôn” quảng cáo màu xanh treo giữa phố Seoul, Hàn Quốc, theo giải thích của tác giả bài phóng sự.

Bài báo cho biết tiếp “để lấy người vợ Việt Nam trẻ tuổi, sức khoẻ tốt và còn trinh nguyên”, các chú rể Hàn Quốc chỉ cần đến văn phòng môi giới xem ảnh các cô gái đăng ký tìm chồng. Nếu thấy hạp nhãn ai thì chú rể đóng cho văn phòng môi giới giá dịch vụ lấy vợ trọn gói từ 10.000 tới 12.000USD gồm vé máy bay cho chú rể sang Việt Nam, tiệc cưới cho mỗi đám hai bàn, thuê “veste”, “soirée”cho dâu rể và tiền hồi môn từ 200 đến 400USD!

Thế nhưng ở đây còn lịch sự vì chưa trưng ra tiết mục sờ nắn tay chân, mở miệng để xem răng, xổ đầu để xem tóc trong “môi giới lấy chồng Đài Loan”! Thì ra chuyện xưa miêu tả đoạn “mối càng vén tóc bắt tay” khi Mã Giám Sinh mua Kiều với 450 lạng bạc theo thời giá năm “Gia Tĩnh triều Minh” lúc đó, so với chuyện mua người thời hiện đại này của một số chú rể đồng hương với gã họ Mã kia xem ra còn thanh lịch và văn minh chán !

Vì sao một số cô gái của chúng ta phải chấp nhận lấy chồng theo lối tủi nhục như vậy? Nguyên nhân kinh tế, điều đó không phải bàn cãi. Tuy nhiên cũng không thể không lưu ý đến một tác động khác nữa.

Cách đây 2 năm, một tờ bướm với nội dung sau đây được người ta phát tận tay cho nhiều bạn trẻ ở tp.Hồ Chí Minh “hiện nay câu lạc bộ “Love of Asia” của chúng tôi có rất nhiều bạn nam hiện đang sống tại Mỹ, úc, Canada…muốn tìm một người vợ Việt Nam duyên dáng, đáng yêu…Trong giai đoạn làm quen, bạn có nhiều cơ hội nhận được sự giúp đỡ về tài chính để học ngoại ngữ…Bạn chỉ việc gửi ảnh, điền vào mẫu đăng ký kết bạn gửi đến chúng tôi theo địa chỉ….những mẫu người bạn muốn quen sẽ tìm đến bạn trong thời gian sớm nhất”.

Đa số các cô gái Việt Nam tham gia hò hẹn, tìm kiếm trên trang Web này ở độ tuổi 17-25 có chung sở thích là muốn kết bạn với người nước ngoài độ tuổi 30-45 và đều muốn có hai con sau khi kết hôn (Tuổi Trẻ 5/4/03).

Đúng là việc chẳng đặng đừng phải nói ra trong ngày vui của chị em. Bởi lẽ, có khi một quãng lặng giữa những rộn ràng giai điệu bổng trầm của dòng âm thanh tuôn trào trong tiết tấu của bản nhạc lại có sức khơi gợi những suy ngẫm mông lung, lắng đọng những ý tưởng.

Tôi muốn gióng một tiếng chuông rè về một nỗi đau không của riêng ai đúng vào ngày vui của phụ nữ chính vì sự trân trọng đối với ý nghĩa của ngày này. Vì nhân phẩm của người phụ nữ là cái đáng quý nhất, đáng tự hào nhất của một xã hội, một gia đình và của mỗi con người.

Đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, cái khó nhất là đấu tranh cho sự vẹn toàn  và cao đẹp về nhân phẩm của chị em. Chính ở đây, nổi rõ lên đòi hỏi bức xúc về việc cải thiện mức sống vật chất của người phụ nữ đi liền với nâng cao đời sống tinh thần của họ.

Muốn thực hiện điều ấy, tạo nên sự bứt phá về nhịp độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, tiền đề quyết định của sự phát triển,  phải gắn liền với nâng cao đời sống văn hoá của phụ nữ xem đó là mục tiêu và cũng là động lực của phát triển bền vững. Bởi lẽ, “cốt lõi của bản lĩnh, bản sắc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ xa xưa cho đến ngày nay là văn hoá, với ý nghĩa sâu xa nhất và tốt đẹp nhất của nó”.

Vì tinh thần của ngày 8 tháng 3, phải đấu tranh xoá bỏ những hiện tượng vô văn hoá, xúc phạm đến nhân phẩm của phụ nữ nêu ở trên.

MỚI - NÓNG