Vô hiệu hóa

Vô hiệu hóa
TP - Theo Thông tư 08/2011/TTBGTVT ngày 8/3/2011 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container sẽ phải gắn thiết bị hộp đen, hay còn gọi là thiết bị giám sát hành trình GPS cho ô tô.

> Doanh nghiệp chọn nhầm gói cước?
> Ngành vận tải 'kêu cứu' vì 3G tăng cước

Và từ 1/8 năm nay, CSGT bắt đầu xử phạt xe thuộc diện nói trên không lắp hộp đen.

Chủ trương là vậy nhưng chỉ mỗi việc nhà mạng tăng cước 3G lên hàng chục lần, hàng chục ngàn hộp đen ô tô (buộc phải có sim để nối mạng) đã lâm vào tình trạng bị vô hiệu hóa.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cả nước hiện có khoảng 2 triệu ôtô, số xe trong diện phải lắp hộp đen dù chỉ chiếm 5%, tuy nhiên, thống kê cho thấy 95% các vụ tai nạn nghiêm trọng có liên quan đến xe thuộc diện này. Và cho dù theo tính toán, việc tăng cước 3G khiến mỗi xe phải tăng chi phí chỉ khoảng 100 ngàn/tháng thì chuyện các hiệp hội vận tải lên tiếng kêu ca cũng là có lý riêng của họ.

Nhưng việc lãnh đạo bộ Giao thông-Vận tải phải lên tiếng đề nghị tạm hoãn xử phạt đối với xe bị vô hiệu hóa hộp đen cho thấy tính mong manh của một chủ trương. Người ta có thể đặt câu hỏi trong thời gian này, xảy ra tai nạn hoặc thiệt hại có liên quan đến hộp đen thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm, hay nhà xe sẽ đổ cho nhà cung cấp hộp đen, nhà cung cấp lại đổ cho nhà mạng.

Trong các điều khoản của hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông, khi một bên muốn thay đổi điều khoản, về nguyên tắc hai bên phải ngồi lại thương lượng. Nhưng nhà mạng đơn phương thay đổi điều khoản thì họ có phải chịu trách nhiệm với những hậu quả do sự đơn phương thay đổi hợp đồng hay không? Dường như là không vì chưa thấy có quy định nào như vậy.

Chuyện tăng cước 3G dẫn đến hàng loạt hộp đen bị vô hiệu hóa một lần nữa cho thấy tình trạng “mạnh ai nấy lo” trong một số hoạt động kinh tế ở nước ta. Hết điện, xăng dầu lại đến dịch vụ viễn thông. Qua chuyện này cho thấy, một khi các doanh nghiệp độc quyền, chiếm vị trí thống lĩnh không được giám sát bằng những cơ chế đủ mạnh thì một chủ trương chính sách nào đó dù được xem là đúng đắn cũng có thể trong nháy mắt bị vô hiệu hóa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG