Vô hiệu hóa

Vô hiệu hóa
TP - Vụ tạt axit làm 8 người bị thương gây chấn động TPHCM, số axit được nói mua ở chợ hóa chất Kim Biên (TPHCM); chả cá của 26 hộ chế biến tại chợ TP Tuy Hòa chứa nhiều hóa chất, kháng sinh độc hại bị cấm sử dụng trong thực phẩm, với nồng độ cao;

> Truy sát bạn gái bằng axit, bảy người vạ lây
> Nữ lễ tân nhà hàng bị tạt axit dã man

gần 100 tấn măng chua ở Tây Ninh được phát hiện có sử dụng axit oxalic, một loại hóa chất dùng để tẩy rửa hoặc chống gỉ sét, cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm…

Đó chỉ là ba vụ việc gần đây nhất liên quan đến các loại hóa chất độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người dân. Điểm chung của các vụ việc là người ta có thể dễ dàng có được những hóa chất nguy hiểm này. Ở chợ Kim Biên, một “trung tâm” buôn bán đủ loại hóa chất của TPHCM, chẳng cần biết người mua là ai, mua chất độc hại làm gì, chẳng cần quan tâm đến các quy định, người ta dễ dàng bán, dễ dàng mua nhiều loại hóa chất nguy hiểm để sử dụng vào nhiều mục đích và đáng sợ là không ít trong số người mua dùng hóa chất vào những việc mờ ám.

Thực tế cho thấy, ở chợ Kim Biên và nhiều chợ hóa chất khác trên cả nước, người ta có thể dễ dàng mua axit sulfuric để gây án, mua chất độc dạng cyanide để… đánh cá. Thậm chí nếu cần chế ra thiết bị gây nổ cũng có sẵn!

Trong vụ nổ cơ sở của ông Phương “khói lửa” tại TPHCM cướp đi sinh mạng hơn 10 người, cơ quan chức năng xác định nguyên liệu chế chất nổ của ông này cũng đến từ nguồn chợ Kim Biên.

Trong khi đó, chúng ta cũng có đủ các loại luật, văn bản dưới luật quy định về việc sản xuất và kinh doanh hóa chất. Luật Hóa chất (năm 2007) quy định việc mua, bán hóa chất độc rất cụ thể, chi tiết như: Phải có phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng; phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất năm năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Và ít nhất cũng có hai bộ có trách nhiệm quản lý thị trường hóa chất là Bộ Công Thương và Bộ Y tế, chưa kể các sở ngành chức năng ở các địa phương. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy các quy định, luật đang bị vô hiệu hóa.

Mới đây UBND TPHCM ra thông báo đến cuối năm 2013, các hộ kinh doanh hóa chất thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tại chợ Kim Biên phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người ta có thể đăng ký một đằng, mua bán một nẻo mà không bị các cơ quan quản lý “soi”.

Khi được phỏng vấn, một quan chức Sở Y tế TPHCM cho rằng, điều cần thiết là những người bán hàng phải am tường về các loại hóa chất độc hại để tư vấn cho người mua. Hỡi ôi, nếu chỉ ngồi trông chờ vào sự tự giác của tư thương thì bao giờ thị trường hóa chất độc hại được giám sát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG