Với 115, không phải 'xin - cho'

Với 115, không phải 'xin - cho'
TP - Đã có nhiều dư luận bức xúc về cách làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm trong một số trường hợp của số điện thoại cấp cứu 115. Báo chí phản ánh một số trường hợp, người cần cấp cứu và người có liên quan đã phải “xin” khi gọi đến 115 và “cho” hay không lại là quyền của 115.

Cụ thể như vào khoảng 6 giờ sáng ngày 4/9, ở trước số nhà 99 Minh Cầu, thành phố Thái Nguyên, sau khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra đã có ba nạn nhân bị thương rất nặng. Chứng kiến sự việc này, một người dân hai lần gọi 115, cả hai lần đều được trả lời điện thoại nhưng sau đó xe cấp cứu... không đến.

Hay mới đây là vụ một nữ du khách quốc tế cần cấp cứu trên đường phố Hà Nội, 115 đã được gọi nhưng phản ứng rất chậm trễ. Theo quy định pháp luật, việc cấp cứu là trách nhiệm, là nghĩa vụ của 115, chứ đâu phải là “ân huệ”, “tự nguyện” của 115 đâu mà công dân, khi cần việc thuộc trách nhiệm của 115, lại phải van xin năn nỉ?

Hậu quả của việc nhân viên cứu hộ không làm tròn trách nhiệm trong những lúc xảy ra tình trạng cần cấp cứu, chẳng khác nào một bác sĩ thấy người bệnh đang nguy kịch mà không chịu cứu chữa.

Trong vụ tai nạn đã nêu tại tỉnh Thái Nguyên, nếu như trong số 3 người bị nạn trên có hậu quả đáng tiếc xảy ra, thì hành vi được gọi mà không đến này có dấu hiệu phạm tội theo quy định trong Bộ luật Hình sự (tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng).

Trường hợp này, còn rơi vào tình tiết tăng nặng do “người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp”.

Như vậy, các cơ quan có trách nhiệm phải xác minh sự tắc trách và hậu quả đã xảy ra từ đó xem xét trách nhiệm của đội 115, trong đó có khả năng xem xét đến trách nhiệm hình sự.

Qua những sự kiện xảy ra ở nước ta trong thời gian qua, đặc biệt là những vụ như cháy ở ITC, đụng tàu ở ngoài khơi Côn Đảo…, chúng ta nhận thấy rằng, phương tiện cứu hộ của chúng ta còn trang bị thô sơ, chưa được chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, việc tận dụng những phương tiện thô sơ đó, nếu như được các cơ quan cứu hộ tận dụng và làm hết trách nhiệm của mình, thì cũng có thể ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Muốn cơ quan cứu hộ làm tròn trách nhiệm, cần phải xử lý nghiêm sự lơ là của các cơ quan này, như đã nói ở trên. Điều đó sẽ khắc phục tình trạng người dân chỉ biết “xin” khi có những tình huống nguy hiểm đến tính mạng cần các cơ quan này hỗ trợ mà bị bỏ rơi.

Có như thế, sự an toàn trong xã hội, sự phát triển bền vững được bảo đảm hơn cho người dân.

L.M.P
Nghiên cứu sinh
ĐH Montesquieu, Pháp

MỚI - NÓNG