Vòng xoáy

TP - Một nghiên cứu mới đây nói rằng học sinh Việt Nam, cụ thể là trong độ tuổi THCS mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Cuộc khảo sát hơn 1.700 học sinh THCS ở Hà Nội cho thấy 25,76% có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nghĩa là cứ bốn học sinh có hơn một học sinh gặp vấn đề về tâm thần.

Một cuộc khảo sát khác cho thấy 20,65% học sinh lớp 1 “lo âu học đường” ở mức độ vừa, và các em nói nguyên nhân chủ yếu là lo bị kiểm tra kiến thức ở lớp học.

Tôi không nói những kết quả khảo sát trên đã khẳng định học sinh của chúng ta bị quá tải hay nhồi nhét, nhưng không thể phủ nhận mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần, cụ thể là chứng trầm cảm ở học sinh với môi trường học đường. 

Đã có quá nhiều ví dụ về những trường hợp trẻ em rối loạn tâm lý liên quan đến chuyện học tập, đến môi trường sư phạm, và xã hội cũng nhiều lần lên tiếng về nỗi khổ sở của con em chúng ta. Nhưng vì sao hiện tượng này vẫn tiếp diễn và số trẻ em rối loạn tâm lý dẫn đến trầm cảm có liên quan đến học đường ngày càng gia tăng? Vì sao xã hội cứ nói mãi nhưng tình hình vẫn không cải thiện?

Cha mẹ nào chẳng thương con và mong con khỏe mạnh, lớn khôn. Nhưng có làm cha làm mẹ thời buổi này mới hiểu nỗi lòng của họ. Có ai muốn con cái sáng chiều bơ phờ vì học, trưa tối ăn uống lề đường, vạ vật để kịp giờ học chính khóa, học thêm, học kỹ năng cứng kỹ năng mềm? 

Phải nói rằng, đẩy con trẻ vào vòng xoáy học hành nguyên nhân từ, có không ít bậc cha mẹ với những kỳ vọng quá lớn vào con cái, luôn coi con mình là siêu nhân hay thần đồng. Nhưng cũng có không ít phụ huynh muốn trả tuổi thơ cho con trẻ, chỉ có điều họ không có cách nào giúp con thoát khỏi nỗi cực nhọc mang tên học đường.

Nhiều bậc cha mẹ đã tâm sự rằng, chính họ cũng biết bắt con học quá sức, kỳ vọng quá mức vào con là đang làm hại con. Nhưng họ cũng nhận ra một thực tế rằng nếu không cho con tham gia vào “cuộc đua” vô hình mà xã hội tạo ra, con họ có thể bị bỏ lại phía sau. 

Vì sao nhiều bậc cha mẹ, có cả những người được học hành tử tế, được xem là trí thức, vẫn phải cắn răng cho con đi học trước dù bé mới 4-5 tuổi? Là bởi trong vòng xoáy quay cuồng “gà tức nhau tiếng gáy” ấy, họ khó có sự lựa chọn nào khác.

Trên thế giới, đã có rất nhiều nhà sư phạm, nhà tâm lý học đồng ý rằng năm thứ 6 là độ tuổi phù hợp nhất để trẻ con bắt đầu đến trường. Nhưng vì lẽ gì chúng ta vẫn bất chấp, làm những điều phản khoa học trong khi con cái chúng ta phải gánh chịu hậu quả nhãn tiền?

Cứ thế, cuộc đua- vòng xoáy vẫn hằng ngày cuốn con cái chúng ta vào, khiến chúng không còn thời gian vui chơi, phát triển một cách lành mạnh và tự nhiên. Và chính chúng ta đang ngày ngày đóng, nhốt thế hệ tương lai bằng những cuộc đua không có hồi kết.

MỚI - NÓNG