Vui hay buồn?

Vui hay buồn?
TP - Chợ Hà Nội ế ẩm, chợ Sài Gòn đìu hiu sau Tết. Thậm chí một “truyền thống” chộp giật, tranh thủ chặt chém của mấy hàng quán ở Thủ đô mà bao lâu nay sau Tết nào cũng diễn ra, giờ cũng không có cơ hội.

Mọi năm, cứ hết mấy ngày Tết, dân tình háo đồ ăn ít đạm tranh thủ ra làm tô bún ốc bún cua là y như rằng chuẩn bị tinh thần “giơ cổ” ra cho hàng quán thử độ sắc của “dao”.

Thì nay những người kinh doanh cơ hội ấy cũng không dám và không thể tăng giá vô tội vạ chỉ bởi đơn giản rằng bán đúng giá còn chưa chắc có người mua.

Tại TPHCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, sau Tết, chợ búa quán xá năm nay cũng đìu hiu. Ngay từ lúc cận Tết, sự ảm đạm của nền kinh tế đã thể hiện rõ với cảnh những phiên chợ công nhân cuối năm ở quận 9, ở Thủ Đức, người bán hàng vêu vao trong cái gió se lạnh hiếm thấy ở miền Nam, cứ dọn hàng ra rồi lại dọn về. 

Quần áo, giày dép, thực phẩm, hoa trái… ế dài. Doanh nghiệp lao đao, công nhân, người lao động mất việc, hoặc thưởng Tết chẳng có thì lấy đâu tiền mua sắm.

Năm nay, nhiều công ty tại TPHCM nghỉ Tết dài ngày, thậm chí qua cả mùng 10 âm lịch, cũng một phần bởi các đơn hàng ít, việc còn chưa có nhiều. Một số người dự đoán sau ngày 10 tháng Giêng, sẽ có nhiều công nhân về quê nghỉ Tết nhưng không quay trở lại. Bởi lương lậu chẳng là bao, đi lại tốn kém.

Theo một tính toán, số lao động di cư tại TPHCM chiếm khoảng 15% dân số và đóng góp 30% GDP. Hơn nữa, đây là lực lượng lao động quan trọng (70% từ 15 đến 34 tuổi). Kinh tế khó khăn chung kéo theo sự sụt giảm lao động, sụt giảm giao thương và tiêu dùng và cuối cùng là đời sống đi xuống.

Đến thời điểm này, đã có những dự báo về sự thiếu hụt lao động tại TPHCM trong những ngày sắp tới vì tình trạng bỏ việc hàng loạt và rồi các công ty khi nhận được đơn hàng lại nháo nhào đi tuyển nhân công. Để rồi cuối năm, chính họ lại sa thải hàng loạt nhằm tránh tăng lương, né thưởng Tết…

Và, nhìn từ sự đìu hiu này, mặc dù giá không tăng – là vui hay buồn?

MỚI - NÓNG