Vướng

Vướng
TP - Gói 30.000 tỷ đồng tung ra thật đúng lúc. Kỳ họp Quốc hội vừa khai mạc, bất động sản đóng băng đủ lâu bằng cơn bệnh mãn tính.

> Gói 30.000 tỷ đồng không nhằm giải cứu thị trường
> 'Gói 30.000 tỷ không cứu thị trường bất động sản'

Khi bất động sản sốt, có người nhanh chóng trở thành đại gia, còn đa số người dân méo mặt trước giá nhà đất cao chót vót.

Bây giờ, bất động sản đóng băng, người dân ky cóp được ít tiền mới dám mon men mơ tưởng tới căn hộ nhỏ.

Giới kinh doanh bất động sản hẳn nhiên sẽ bị giội gáo nước lạnh nếu như đâu đó trên thị trường, có chủ đầu tư (tư nhân) bán nhà còn rẻ hơn nhà xã hội. Nhưng đó là sự thật nghiệt ngã thương trường. Hàng tồn kho càng găm, càng mất giá. Chưa kể vốn vay lãi mẹ đẻ lãi con.

Có thể thấy rằng, có một sự thi gan ngầm giữa người mua và kẻ bán bất động sản. Người mua chờ cho giá giảm hơn nữa (xuyên đáy càng tốt), kẻ bán (nhất là phân khúc cao cấp trong nội đô) vẫn chờ “giải cứu” nên quyết không hạ. Dù các chủ đầu tư xây dựng những toà nhà cao cấp từng kiếm siêu lợi nhuận trước đó.

Và, gói 30.000 tỷ đồng lần này “bơm” cho đối tượng thu nhập thấp, với 70% hỗ trợ người mua, 30% cho chủ đầu tư xây nhà xã hội. Có thể thấy đây là một bài toán của người điều hành vĩ mô: Chọn đúng đối tượng mà xã hội đồng cảm.

Người thu nhập thấp phải được hưởng chính sách hỗ trợ của xã hội. Hẳn những đại biểu của dân cũng bớt đi những câu hỏi chất vấn liên quan trên diễn đàn Quốc hội.

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đã nhanh chóng có thông tư hướng dẫn, nhưng vấn đề là kết thúc kỳ họp Quốc hội, đối tượng được vay đã chạm tới đồng tiền (vay) chưa? Các ngân hàng thương mại chắc chắn không để đồng tiền cho vay một cách dễ dàng (sẽ có đủ lý do về nghiệp vụ cho vay). Còn người đi vay vốn đã không có nhiều tài sản thì lấy gì để thế chấp.

Còn thị trường bất động sản đừng hy vọng được cứu nếu bản thân các chủ đầu tư không tự cứu bằng cách giảm giá hơn nữa. Như cách nói của nhiều chuyên gia kinh tế: Trước đã ăn đủ rồi, nay phải nhả ra cho xã hội. Nếu không, về lâu dài sẽ xuất hiện nhiều khu đô thị chết xây xong, chẳng có ai đến ở.

Tiềm lực ở trong dân tuy vẫn rất nhiều, nhưng trong thời khó người ta phải cân nhắc nên đầu tư bất động sản, chứng khoán, vàng hay gửi ngân hàng lấy lãi. Và khi hệ số rủi ro cao luôn ám ảnh thì người dân cố thủ giữ tiền.

Người thu nhập thấp khó tiếp cận nguồn vay dù đã có thông tư hướng dẫn bởi các thủ tục, quy định gập ghềnh. Như thế phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp liệu có được cải thiện, ấm lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG