'Y phục xứng kỳ đức'!

'Y phục xứng kỳ đức'!
TP - Cuối tuần vừa rồi có hai sự kiện khiến dư luận cực kỳ bất bình. Một là chuyện “cảnh sát múa kiếm” ở sân bay Đà Nẵng rốt cuộc  chỉ bị xử lý hành chính, phạt 5 triệu đồng!?

Hai là chuyện 2 lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch HĐQT  và Phó TGĐ TCty  Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) cùng 7 cán bộ TCty  này bị công an bắt giữ khi đang đánh bạc tại một khách sạn ở Tam Đảo - Vĩnh Phúc, rạng sáng ngày thứ Bảy (18/8).

Tạm thời chưa bàn đến bình diện pháp luật thì cả hai sự kiện nêu trên đều có chung một lời cảnh báo: Đạo đức của cán bộ, công chức đang xuống cấp nghiêm trọng!

“Ông” thiếu úy cảnh sát giao thông, một thành viên của lực lượng công an  nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, bảo vệ trật tự trị an cho xã hội (lực lượng sử dụng biểu tượng thanh kiếm và lá chắn trên quân hàm quân hiệu) thì lại “múa kiếm” đe dọa chém các nhân viên an ninh sân bay!?

Phải chăng “người của ngành có thanh kiếm và lá chắn” thì cứ tàng trữ sẵn kiếm, rút ra sử dụng bất kỳ?

Còn 2 vị lãnh đạo chủ chốt (đều là đảng viên cộng sản)  của một doanh nghiệp Nhà nước lớn thuộc UBND TP Hà Nội cùng 7 cán bộ thuộc quyền lại tự tổ chức đánh bạc với nhau - mà đánh to hẳn hoi!?

Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trước hết phải chấp hành điều  lệnh của lực lượng, sau đó là chịu sự điều chỉnh của luật pháp - như đối với mỗi công dân.

Cán bộ, đảng viên dù là lãnh đạo doanh nghiệp làm kinh tế thì trước hết cũng có kỷ luật Đảng và sau nữa là sự điều chỉnh của luật pháp như bất kỳ công dân nào.

Song có lẽ, còn một điều gần hơn luật pháp, cao hơn luật pháp, sâu hơn luật pháp: Đó là đạo đức, là văn hóa.

Các cụ xưa nay vẫn dạy “Y phục xứng kỳ đức”. Nôm na là “ngồi” ở vị trí nào thì phải hành xử cho nghiêm cẩn, cho xứng với vị trí đó.

Rộng hơn là phải thực thi cho được văn hóa của từng vị trí, biết tiết chế, tiết giảm và kìm nén được những thói hư, tật xấu vốn dĩ có trong mỗi người. 

Khi đã ở một vị trí “quan trên trông xuống, người ta trông vào” thì lại càng phải tiết chế, giữ gìn. Hành vi của những cán bộ, công chức ở hai vụ việc trên đã vượt qua giới hạn pháp luật khi thực hiện những hành vi bị cấm đối với bất kỳ công dân nào.

Nhưng còn buồn thảm hơn, đó là việc những công chức, cán bộ, đảng viên này, có thể nói là chà đạp lên đạo đức.

Có ai mường tượng ra tâm trạng chua xót thế nào của cả nghìn cán bộ công nhân viên TCty Xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội khi biết hai vị lãnh đạo mà ít nhất 2 lần mỗi năm vẫn đăng đàn hội nghị để rao giảng đạo đức cho họ, nay đang bị tạm giam vì đánh bạc?

Đồng nghiệp của “ông” thiếu úy cảnh sát giao thông sẽ thấy tủi hổ thế nào khi mọi người dân nói chuyện “ông” này khi  làm việc với họ mỗi khi có chuyện?  Phải mau mau xốc lại xống áo, để “Y phục xứng kỳ đức”!     

MỚI - NÓNG