108 phút vượt qua nghìn thế kỷ

108 phút vượt qua nghìn thế kỷ
TP - Kỳ trước kể về những gì Gagarin trải qua trong vũ trụ, trong đó có việc ông bị bất ngờ vì vỏ của khoang đổ bộ bùng cháy dữ dội khi đi vào lớp khí quyển dày đặc.

 >>108 phút vượt qua nghìn thế kỷ - tiếp theo

Mátxcơva chào đón người anh hùng
Mátxcơva chào đón người anh hùng.

Nhưng rồi ông cũng quen với ngọn lửa do lớp vỏ cách nhiệt của khoang tàu bốc cháy khi ma sát với không khí. Nhiệt độ trong khoang ông ngồi cũng vẫn ổn định ở 20 độ C. Tàu hạ độ cao và chuyển động chậm dần lại.

“Ở độ cao khoảng 7.000 m cửa của khoang đổ bộ mở ra - Gagarin viết trong một báo cáo được giữ bí mật khá lâu - Tôi nghĩ, mình nên nhảy dù ngay. Cú bật nhẹ nhàng, nhanh, không va chạm vào đâu. Tôi bắn ra cùng với ghế bay. Dù chính hoạt động và ngay lập tức ghế bay tách khỏi tôi, rơi xuống phía dưới. Rồi dù phụ bật ra. Bật ra nhưng không mở!”.

Gagarin lại gặp may. Ông viết tiếp trong báo cáo: “Ở đó có một lớp mây, trong mây gió thổi làm dù thứ hai mở ra được và căng đầy không khí. Và tôi hạ tiếp trên hai chiếc dù”.

Nhưng Gagarin còn phải đối mặt một vấn đề nghiêm trọng nữa ở phía trước. Chiếc van thông khí trên mũ bay không mở ra ngay trong khi ông rơi xuống trong một bộ quần áo du hành kín mít. Suýt nữa Gagarin chết ngạt. Ông mất khoảng 6 phút để tự mở chiếc van đó ra.

Vấn đề cuối cùng của chuyến bay là địa điểm tiếp đất. Gagarin có nguy cơ bị rơi xuống dòng nước băng giá của sông Volga. Nhưng việc được huấn luyện tốt đã cứu ông. Ông điều khiển dù bay ra xa khỏi sông và tiếp đất ở một điểm cách bờ gần 2 km. Khoang đổ bộ cũng rơi xuống bằng một chiếc dù khác.

Do trục trặc trong khâu tách các khoang ra khỏi khoang đổ bộ mà Gagarin trở về trái đất không ở địa điểm dự kiến cách Stalingrad khoảng 110 km. Thay vào đó, ông tiếp đất xa hơn nhiều về phía đông nam, ở gần làng Smelovka, gần thành phố Engels, tỉnh Saratov.

Ra đa của đơn vị phòng không ở đây đã phát hiện một mục tiêu không xác định. Đó là thiết bị hạ cánh của Gagarin. Trước đó, họ đã được cảnh báo là sẽ có một thứ giống như chiếc container từ trên trời rơi xuống.

Tổng bí thư Khrutsov và Gagarin trên lễ đài Lăng Lenin (ảnh trên) và niềm vui của người dân Xô Viết (ảnh dưới)
Tổng bí thư Khrutsov và Gagarin trên lễ đài Lăng Lenin (ảnh trên)
và niềm vui của người dân Xô Viết (ảnh dưới).

Lại đứng trên mặt đất

Những người đầu tiên Gagarin gặp sau khi tiếp đất là bà Anna Akimovna Takhtarova - vợ của người thợ rừng và cháu gái 6 tuổi của bà tên là Rita. Hẳn hai bà cháu phải khiếp vía trước con người từ trên trời rơi xuống trong bộ quần áo kỳ lạ.

Người ta kể lại rằng Gagarin đã trấn an người phụ nữ: “Bà đừng sợ, tôi cũng là một người Xô Viết”. Ngay sau đó, một tốp binh sĩ tới và đưa Gagarin về doanh trại. Từ đây, Gagarin gọi điện cho Sư đoàn trưởng sư đoàn phòng không khu vực: “Đề nghị đồng chí báo cáo Tư lệnh Không quân: Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và hạ cánh xuống khu vực đã định, sức khỏe tốt, không bị bầm giập hay gãy xương nào. Gagarin”.

Trong khi đó một chiếc trực thăng Mi - 4 xuất phát từ sân bay thành phố Engels với nhiệm vụ tìm và đưa Gagarin về. Về tới Engels, ngay tại sân bay, Gagarin được trao điện mừng của Chính phủ Liên Xô.

Đến giữa trưa, hai chiếc máy bay IL-18 và An-10 bay tới từ sân bay vũ trụ Baikonur mang theo trung tướng Agaltsov - Phó tư lệnh Không quân Xô Viết và một nhóm nhà báo. Trong khi chờ đợi thiết lập đường dây liên lạc với lãnh đạo tối cao, trong vòng 3 giờ liền, Gagarin trả lời phỏng vấn và chụp ảnh.

Khi đường dây liên lạc với thượng đỉnh thông, Gagarin báo cáo trực tiếp lên Tổng bí thư Khrutsov về việc hoàn thành chuyến bay. Sau đó, ông lên một chiếc IL - 14 bay đến thành phố Kuibyshev (nay đổi lại tên cũ là Samara). Mặc dù chuyến bay được giữ bí mật, người dân vẫn biết và tụ tập rất đông chào đón người anh hùng. Sau khi chào đám đông, Gagarin được đưa tới nhà nghỉ của Khu ủy trên bờ sông Volga.

Ở đó, ông tắm gội và dùng bữa. Ba giờ sau, Tổng công trình sư Korolyov và một số người khác từ Ủy ban Quốc gia điều hành chuyến bay cũng tới Kuibyshev. Đúng 9 giờ tối bắt đầu tiệc mừng chuyến bay vũ trụ đầu tiên của loài người.

Mátxcơva tôn vinh

Tổng bí thư Khrutsov quyết định tổ chức cuộc đón tiếp Gagarin khổng lồ ở Mátxcơva. Theo một số tư liệu, đầu tiên là ông chỉ đạo phong vượt cấp thượng úy Gagarin lên thiếu tá. Theo lời con trai của N.S. Khrutsov là Sergey thì ông gọi điện cho Nguyên soái Malinovsky - Bộ trưởng Quốc phòng và nói: “Cậu ấy mới có thượng uý. Cần nâng cấp cho cậu ấy ngay”.

"Bằng chiến công này, đồng chí đã biến mình thành con người bất tử, bởi đồng chí là người đầu tiên thâm nhập vào vũ trụ." - N.S. Khrutsov - Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng CS Liên Xô nói với Gagarin qua điện thoại sau khi nhà du hành tiếp đất.

Theo một số tài liệu khác thì tháng 4-1961 là Gagarin đến hạn lên đại úy. Nhưng D.F. Ustinov (Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề công nghiệp quốc phòng) của Đoàn chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đề xuất phong thiếu tá cho ông luôn. Quyết định thăng cấp được ký từ trước khi chuyến bay khởi hành.

Dù thế nào đi chăng nữa thì các bản tin của Thông tấn xã Liên Xô TASS phát đi ngày 12-4 cũng đã gọi Gagarin là thiếu tá.

Một chiếc IL-18 đến Kuibyshev đón Gagarin về Mátxcơva. Hộ tống nó là một phi đội danh dự gồm toàn máy bay MIG. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Vnukovo, một đám đông khổng lồ trong đó có cả ban lãnh đạo tối cao đã tụ tập tại đây để đón chào.

Máy bay hạ cánh và dừng cạnh nhà ga trung tâm, thảm đỏ được trải ra dẫn đến tận lễ đài của các quan chức chính phủ. Gagarin bước xuống đầu tiên và đi theo thảm đỏ trong tiếng nhạc hành khúc của Không quân Xô Viết “Chúng ta sinh ra để viết nên cổ tích”. Lên đến lễ đài, Gagarin báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Khrutsov về nhiệm vụ đã hoàn thành.

Tiếp theo là cuộc diễu hành trên xe mui trần trên đường phố thủ đô. Gagarin cùng các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước Liên Xô viếng Lăng Lenin. Gagarin được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và danh hiệu Phi công vũ trụ Liên Xô trên Quảng trường Đỏ. Sau đó là tiệc mừng trong Điện Kreml. (Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.