18 lần đưa chồng đi cưa chân tay

18 lần đưa chồng đi cưa chân tay
TP- Ngót 23 năm làm thiên chức người vợ, đã 18 lần chị dìu chồng vào bệnh viện cưa tứ chi. Chị là Hoàng Thị Tám ở khóm 3, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Những tưởng không còn đủ sức lực để vượt qua bao nỗi đau mất mát và gia cảnh khốn cùng, ấy thế mà bằng tình cảm của một người vợ người mẹ, cao hơn cả là tình thương yêu tột cùng của người phụ nữ chị đã tự thắp sáng niềm tin yêu vào cuộc sống dù rằng may mắn vẫn chưa một lần mỉm cười với gia đình chị.

18 lần đưa chồng đi cưa chân tay ảnh 1

Chị Tám đang chăm sóc cho chồng Ảnh: H.T (chụp ngày 17/10/2008)

Như là cổ tích

Từ thị trấn huyện lỵ Cam Lộ, đoạn km 14 Quốc lộ 9 xuyên Á, đi theo hướng bắc chúng tôi vượt non năm chục cây số đường Hồ Chí Minh tìm đến căn nhà nhỏ của chị Tám.

Biết chúng tôi dặm đường xa đến hỏi chuyện 18 lần đưa chồng vào bệnh viện cưa tứ chi, chị cười buồn: “Cuộc đời hai vợ chồng tui biết kể khi mô cho hết”.

Tốt nghiệp Trường Trung học Quân y năm 21 tuổi, chưa ấm chỗ ở Bệnh viện 268 thuộc Quân khu 4 đóng tại thành phố Huế, chị chuyển về Nông trường Quyết Thắng ngoài huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Thế là chị vừa làm y tá, vừa tăng gia sản xuất với anh chị em trong đơn vị. Một sáng sớm phun thuốc trừ sâu trong vườn chè, không may bị thuốc đổ vào người, chị phải vào bệnh viện huyện cấp cứu.

Lúc này, anh Trần Văn Diên vừa trở về từ chiến trường Việt-Lào cũng nhập viện do vết thương tái phát. Mặc dầu các y, bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng do vết thương trên thân thể anh bị nhiễm trùng quá nặng, phải cưa mất chân phải.

Chị điều trị ở khoa ngoại, còn anh ở khoa nội, nhưng đêm nào cũng nghe anh la thét đòi chết bởi cơn đau. Rồi một lần tình cờ ghé chỗ anh nằm, ngó anh xanh xao trên giường bệnh, còn người mẹ già tóc bạc trắng đầu cứ ôm lấy con dỗ dành, nước mắt chị cứ ứa ra...

Thế rồi chị khỏi bệnh, nhưng không xuất viện mà nằng nặc xin được ở lại để được chăm sóc anh. Mấy tháng liền như vậy, hôm chia tay chị để lại địa chỉ và lời hẹn: “Anh cố gắng ăn uống cho mau lành bệnh. Lúc nào có điều kiện lên Nông trường Quyết Thắng sẽ gặp em!”. Lời nhắn nhủ ấy như một phép mầu, anh đã nhanh chóng khỏe trở lại và nhất quyết đòi ra viện...

Một chiều thứ Bảy, chị đang lúi húi vun xới vườn chè, ngẩng mặt bất chợt thấy hai người đàn ông đèo nhau trên chiếc xe đạp hỏi đường vào Nông trường Quyết Thắng. Người ngồi sau cố ngoái đầu lên phía trước nhưng không thấy bước xuống xe. Thì ra là... người ấy! Chị xúc động đến nghẹn ngào...

Chị Tám bỏ dở câu chuyện, lấy khăn lau những giọt nước mắt cho anh. Anh Diên sụt sùi như con trẻ: “Từ hôm nớ, tui và mạ nó yêu nhau. Ông trời có cho tui sống thêm một đời nữa cũng không thể trả hết nợ cho mạ nó”.

Sau lần ấy, cứ vào chiều thứ Bảy, anh lại nhờ bạn đèo lên Nông trường Quyết Thắng thăm chị. Có lần đợi mãi không thấy, chị mượn xe đạp vượt mấy chục cây số về thăm anh. Biết chuyện, ban đầu gia đình chị cực lực ngăn cản, nhưng về sau cũng gật đầu thuận bởi chứng kiến “hai đứa nớ sinh ra là để ông trời “cột” với nhau rồi”.

Chị Tám nhớ lại: “Cái ngày mồng 4/6/1985 ấy là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tui và ba nó. Chỉ có một cái loa của nông trường để mọi người hò hát, nhưng niềm vui thì không bút mực mô tả nổi”.

Chết đi sống lại

Cưới nhau được một năm, chị Tám sinh con, nhưng lúc con vừa tròn 3 tháng tuổi, bỗng nhiên anh phát bệnh trở lại. Lần này, anh bị cưa thêm một phần chân phải. Bao tiền nong ky cóp được bấy lâu đều dành chữa bệnh cho anh, trong khi gia đình nội, ngoại đều nghèo, mình chị nuôi con nhỏ chẳng biết nhờ cậy vào ai.

Vậy mà ông trời chẳng buông tha số phận. Ba năm sau, lúc chị vừa sinh thêm đứa nữa, anh lại đổ bệnh phải nhập viện dài ngày. Lần này các y bác sĩ phát hiện anh bị chứng bệnh viêm tắc tĩnh mạch máu, phải cưa mất một phần của cánh tay trái.

 “Hồi đó thấy hoàn cảnh tui bế tắc nên bác Thanh, láng giềng của chị Tám huy động bà con mỗi người một ít tiền góp lại giúp. Nhưng bà con giàu có chi mà giúp mãi. Hết tiền, tui đành đưa ba nó về nhà sống trong khổ cực” - Chị Tám nhớ lại chuyện cũ trong dòng nước mắt...

Đến nay ngót 23 năm làm vợ, người phụ nữ ấy đã 18 lần đưa chồng đi khắp các bệnh viện từ Nam chí Bắc để cưa tứ chi. Năm 2002, trong một lần nhập viện để cưa thêm một phần tay phải, anh Diên không sao chịu nổi cơn đau đã nhắm mắt, từ biệt cõi sống.

Bác sĩ động viên thôi thì đưa anh về, nhưng anh cao số hay sao ấy, trong lúc cả nhà làm rạp để tang anh thì bất ngờ anh sống lại và sống cho đến nay.

Năm 2004, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thưởng vào công tác tại Quảng Trị thấy gia cảnh anh Diên, chị Tám nghèo rớt nên vận động Cty Viettel xây cho anh chị một căn nhà tình thương.

Chị Tám nói: “Hồi đó tui nghĩ xây ở quê nội Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh để sớm tối có bà con cậy nhờ, nhưng xây xong không thể ở được do không biết làm chi ăn. Thế là đành khăn gói quay lại vùng đất đồi núi ở khóm 3, thị trấn Bến Quan ni để cuốc cày kiếm sống”.

Mong ước nhỏ nhoi

Canh tác trên 2 sào ruộng cũng đủ cho cả nhà ăn trong sáu tháng, nửa năm còn lại, chị và các con làm ngày nào ăn ngày ấy. Tài sản duy nhất của gia đình là 2 con trâu, một mẹ một nghé. Hôm trâu mẹ đẻ, cả nhà mừng lắm, mong sang năm nó đẻ con nữa để… bán trả nợ.

Nhìn đứa con đứng ngoài sân, chị Tám nói: “Ai kêu việc chi cũng làm hết, thằng cu chịu khó lắm. Cháu đi làm thuê cho người ta một ngày cũng kiếm được mười mấy ngàn, ác nỗi cứ đến mùa mưa chẳng có ai gọi hết”.

Mặc dù là bộ đội xuất ngũ nhưng anh Diên, chồng chị không được hưởng bất cứ chế độ nào ngoài 52.000 đồng/tháng của Phòng LĐTB&XH huyện cấp. Mấy năm trước gia đình thuộc hộ đói nghèo được hưởng trợ cấp, nay đã bị cắt với lý do hai cháu đã lớn.

Giờ đây, chị Tám lại mắc bệnh thần kinh tọa và ung thư buồng trứng, vừa phải vào bệnh viện điều trị. Con gái đầu lòng đi lấy chồng mãi tận ngoài Quảng Bình, chị chỉ dám mơ ước Nhà nước giúp cho miếng đất ngoài thôn, ở gần bà con để khi ốm đau còn nhờ họ nấu cho bát cháo...

Giữa tiết trời sập sùi mưa gió, chị Tám tiều tuỵ nói với chúng tôi rằng nghèo đói chị không sợ, nhưng nỗi sợ lớn nhất của chị là mỗi lần đưa chồng vào bệnh viện cưa chân cưa tay làm chị đau đớn đến tột cùng.

Chia tay vợ chồng anh chị, chúng tôi ước có được một phép màu để nỗi đau không còn hành hạ họ nữa. Và cứ day dứt mãi bởi ý nghĩ sao chính quyền lại đưa một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như thế này ra khỏi diện hộ nghèo? 

MỚI - NÓNG