20 năm giữ nghề hiếm

20 năm giữ nghề hiếm
TP - Phú Thọ - thị xã mang một phong vị độc đáo vô cùng. Ở đây, vẫn còn những chứng tích của một thời nghèo khó mà ấm áp. Còn đó những Hiệu sách nhân dân, Thư viện nhân dân, Rạp chiếu bóng thị xã... Còn đó những con người gần gũi mà vẫn thấy lạ lùng.

Chính họ làm nên linh hồn của thị xã Trung du này. Một trong số họ là người thuyết minh phim độc nhất vô nhị ở đây, và có thể là một trong số vô cùng ít ỏi những người vẫn còn làm nghề này- hàng ngày - ở Việt Nam.

20 năm giữ nghề hiếm ảnh 1
Chị Đỗ Thị Thu Hằng bên tấm poster quảng cáo phim mới

Lời hẹn đến Tuyên Quang của chúng tôi lui lại hai ngày so với dự kiến ban đầu, bởi sau khi rời thành phố Việt Trì gần 20km bỗng bị  hút vào một mũi tên chỉ sang phía tay trái: Thị xã Phú Thọ. Đi thêm 7km, mũi tên dẫn tới một nơi mà những người đã từng sống, đã dừng lại và đã đi qua định danh là “thị xã bị lãng quên”…

Rạp chiếu bóng không bị lãng quên

Thị xã về chiều thật thanh bình, những hàng xà cừ cổ thụ xào xạc khua lá dọc dãy phố thời gian phủ màu lên từng mảng tường, mái ngói, ô cửa. Phố ở đây rất lạ, vừa là phố vừa là dốc, tạo nét gợi cảm riêng mà chỉ người leo dốc mới cảm nhận được.

Cầu cũng lạ, vắt ngang đường ray tàu hỏa một vòng cung parabol rồi đổ xuôi về hai phía, mềm mại như một vòng ôm của thiếu phụ đến độ tuổi biết cách dịu dàng. Vòng vèo một lúc thì… hết phố.

Thị xã nhỏ bé đến ngỡ ngàng. Không lẽ chỉ dừng lại ở bề ngoài của thị xã 103 tuổi này thế thôi? Hết bề rộng ta đi tìm chiều sâu. Lục danh bạ điện thoại mới nhận ra mình không có người quen nào ở đây cả.

Cầu viện Nguyễn Tham Thiện Kế - một thổ công nhiều người biết tiếng - gã liền chuyển tiếp nguyện vọng đó sang một họa sỹ trong vùng. Trời tối dần, căn hộ tập thể cấp bốn của họa sĩ tụt hẳn xuống nửa mét so với mặt đường mới được cải tạo lại càng thêm phần thâm u bí hiểm.

“Tìm hiểu thị xã hả? Để sáng mai tôi dẫn các vị sang phòng văn hóa, tha hồ mà lục lọi tài liệu. Còn đêm nay ở lại đây thì nên ra rạp chiếu bóng xem phim” - họa sỹ Nguyễn Văn Đạo khề khà. Xem phim? Ra rạp?

Ở Hà Nội lâu nay đã phát ngán cảnh toát mồ hôi mới kiếm được tấm vé chiếu vào cái giờ mà mình có thể đi xem cũng là lúc người người kéo nhau ra rạp. Xem phim thì ít, toàn ngó thấy “kịch hình thể” là nhiều, chưa kể phim có phụ đề, vừa theo dõi hình ảnh vừa đuổi theo hàng chữ chạy vèo vèo phía dưới đến lác cả mắt.

Dòng chữ “RẠP CHIẾU BÓNG THỊ XÃ PHÚ THỌ” đắp bằng xi măng quét ve màu vàng sẫm còn nguyên nét chữ đủ các dấu thanh. Ngay cửa rạp, một poster khổ A3 vàng rực phấp phới chào mời:

“Yêu nhầm hotsgơn” (hot girl - một kiểu phiên âm độc nhất vô nhị). 8h tối. Chị bán vé sau khi xé vé cho khách, xua tay bảo: “Không cần vé xe. Ở đây khách xem phim có ai đi xe máy như các anh chị đâu mà nhầm được.” Đèn tắt.

Màn hình sáng rực nổi bật dòng tiêu đề I love you Beth Cooper cùng với lời thuyết minh trong trẻo, ấm áp vang lên. Nội dung phim xoay quanh những trò nghịch ngợm, quậy phá của nhóm sinh viên tuổi dậy thì đang muốn khẳng định mình. Những pha hài hước gây cười nghiêng ngả.

 Kết thúc bộ phim theo lối “cả nhà cùng vui” - người lớn nhìn lại cách giáo dục khắt khe đối với con cái, trẻ con hối hận vì những trò ngốc nghếch của mình…Và mọi thứ hứa hẹn sẽ được định vị khi chúng ta cùng là người lớn.

Đèn bật sáng. Khán giả lục tục ra về. Chợt tiếng loa vang lên kéo tôi dừng lại: “Buổi chiếu bóng đến đây là kết thúc. Xin cảm ơn và chúc quý khách ngủ ngon.” Ồ, thì ra suốt buổi chiếu phim, chúng tôi được nghe lời thuyết minh trực tiếp chứ không phải bản thu sẵn.

Chúng tôi chạy ào vào phía sau quầy bán vé xin gặp bằng được người thuyết minh (còn sót lại rất hiếm hoi ở thời buổi được số hóa mọi thứ như thế này). Chị Hằng. Một gương mặt tươi tắn, hiền hậu, mái tóc dài truyền thống đen mượt, chị vui vẻ tiếp chuyện và mời chúng tôi sáng mai đến thăm nhà.

Yêu rạp phim từ bé

…Mùa thu năm 1967, lá thư lấm bụi đường trường đã gần nhòe hết chữ được gửi từ tiền tuyến bay về thị xã: “Nếu mình sinh con gái thì đặt tên là Hằng - Đỗ Thị Thu Hằng nhé. Con gái đầu lòng là của trời cho đấy mình ạ. Sau này thắng giặc trở về, con gái sẽ có cả một đàn em nữa…”

Cô gái nhỏ chào đời đúng độ trăng tròn giữa tiết thu ấy chưa một lần được gặp cha, cho đến ngày biết ghép chữ, đánh vần cô mới hiểu vì sao mẹ khóc ngất đi khi nhận được tờ giấy được các anh cán bộ thị xã mang đến tận nhà.

Cảnh nhà một mẹ một con những năm chiến tranh trải qua bao khó khăn, cực nhọc. Thu Hằng sớm ý thức được nỗi thiếu hụt trong lòng mẹ, hiểu được tình yêu như máu thịt của mẹ dành cho thị xã, bởi chỉ có nơi đây mới lưu giữ được bóng hình cha.

Con đường hàng ngày tới lớp, gốc đa lịch sử treo lá cờ cách mạng năm khởi nghĩa, lối rẽ của một ngã ba… nơi nào mẹ cũng chỉ cho Hằng thấy kỷ niệm của cha. Hình ảnh cha cứ đậm dần theo năm tháng, thân thuộc, bao trùm sưởi ấm tuổi thơ thiếu thốn của cô bé. Mẹ đi làm, con đi học.

Thỉnh thoảng mẹ có một phần thưởng dành cho “cả tuần chăm ngoan” của Hằng, đó là tấm vé đi xem chiếu bóng. Rất ít khi mẹ đi cùng vì phải dè xẻn lắm mới dành ra được khoản tiền đó. Cô bé háo hức suốt một ngày, chỉ cần nghe loa thông báo đến giờ chiếu phim là chạy tót vào rạp.

Bao giờ cũng được ưu tiên ghế đầu vì cô Hạnh (nhân viên thuyết minh - sau này là trưởng rạp) rất yêu con bé có đôi mắt tròn xoe, đen láy ngồi bất động hàng tiếng đồng hồ xem như nuốt lấy từng hình ảnh, âm thanh của bộ phim.

Cô bé con lớn lên, tình yêu điện ảnh cũng thấm đẫm tâm hồn tự lúc nào. 18 tuổi, Hằng làm hồ sơ thi vào trường trung cấp điện ảnh, khoa thuyết minh (lúc đó ở 33 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội).

Khóa 2 của trường chỉ chiêu sinh có 11 người, được kèm cặp, dạy dỗ rất bài bản, khắt khe từ cách nhấn âm, lấy hơi nhả chữ sao cho tròn vành rõ tiếng, nhịp độ phát âm ăn khớp với chuyển động trên màn ảnh.

Đặc biệt là phải biết kiềm chế cảm xúc trước màn hình, phải ý thức được vai trò của thuyết minh là truyền tải thông tin đến khán giả chứ không thể hồn nhiên khóc, cười hay bực tức…

Năm 1989 tốt nghiệp loại giỏi, Hằng nhận được khá nhiều lời mời từ các đài truyền hình, các hãng phim. Nhiều người cùng khóa học đã rẽ ngang theo những lời mời đó và hiện nay cũng rất thành đạt. Nhưng cô lựa chọn con đường trở về thị xã của mình xin vào công tác tại rạp phim, làm đúng chuyên môn được đào tạo.

Thời điểm đó phim video đang “soán ngôi” trong làng điện ảnh từ nam chí bắc, đồng thời các hãng phát hành phim phía nam đã ứng dụng kỹ thuật lồng tiếng cho các bộ phim tâm lý tình cảm, chưởng bộ nhập về từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…thậm chí phim Anh, Pháp, Mỹ cũng được lồng một thứ tiếng nhão nhoẹt.

Kinh doanh chiếu phim video không cần đầu tư nhiều, chỉ với một màn hình cỡ lớn, một đầu quay băng và hai loa amply là có thể lưu động tới bất kỳ địa điểm nào, vé bán lại rẻ, nội dung phim dễ thu hút khán giả bình dân, hiếu kỳ.

Phim chiếu rạp bị “thất sủng”, tiền bán vé không đủ tiền mua phim, chưa kể những khoản chi cho cơ sở hạ tầng, lương nhân viên, nộp thuế… khiến cho ngành chiếu bóng oằn lưng chống đỡ không nổi. Người trong ngành tản mát đi làm công việc khác, trong lòng không còn hy vọng đến một ngày rạp được hồi sinh.

Thời “hoàng kim”, tỉnh Phú Thọ có tới bốn rạp hoạt động hết công suất mới đáp ứng được nhu cầu người xem. Sau này rạp Cẩm Khê phải chuyển thành nhà văn hóa, rạp Long Châu Sa kết hợp chiếu phim với quán cà phê và karaoke, rạp Hòa Phong (cũng là trụ sở của trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Phú Thọ) lác đác chiếu cầm chừng...

Trước tình hình chung không mấy sáng sủa, cô Hạnh động viên Hằng: “Cô cháu mình cố gắng chung sức vực dậy rạp thị xã Phú Thọ thôi”. Bài toán tự hạch toán kinh doanh quả là nan giải, làm sao để cân đối nguồn thu duy trì rạp, nuôi nhân viên và đảm bảo công tác tuyên truyền.

Rạp chỉ có bốn người nhưng hàng tháng sau khi trừ các khoản chi phí, quỹ lương chỉ đủ chi cho mỗi người từ 300 đến 400 nghìn đồng. Rất may, cô Hạnh tìm được nguồn phim từ quân đội - Quân khu 2 đã nhận tài trợ phim miễn phí cho rạp.

Nhưng nguồn phim quân đội có hạn, còn lại chủ yếu được nhập về từ Fafilm Việt Nam, Công ty Điện ảnh- Băng hình Hà Nội do trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Phú Thọ quản lý. Kinh phí cho nguồn cung cấp được trung tâm trả từ số lãi thu được từ rạp chiếu với tỷ lệ 50/50.

Mỗi lần có phim mới, Thu Hằng lại ngồi trên chiếc xe lam (loại xe ba bánh được chế từ xe Honda này đã bị xóa sổ) chạy vòng quanh thị xã, lảnh lót cất giọng chào mời.

20 năm giữ nghề hiếm ảnh 2
Với chị Hằng, rạp chiếu bóng là ngôi nhà thứ hai

Ánh đèn góc rạp sáng đêm đêm

Cứ như thế, rạp Chiếu bóng thị xã Phú Thọ tồn tại như một sự kỳ diệu. Cho dù cả ngành chiếu bóng thời kỳ đó gần như bị xóa sổ, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Cô Hạnh đến tuổi nghỉ hưu, Thu Hằng đảm nhận vai trò trưởng rạp, dưới quyền là… hai nhân viên.

Nhận thấy địa bàn thị xã nhỏ hẹp, lại quá hẻo lánh gần như tách biệt với quốc lộ nên không thể trông đợi ở lượng khách bên ngoài. Cách duy nhất để duy trì và phát triển rạp là phải nắm bắt được thị hiếu của khán giả ngay trong lòng thị xã để có những bộ phim phù hợp với nhu cầu.

Chị về Hà Nội, đến những rạp lớn tìm hiểu những bộ phim đang ăn khách, đặt vấn đề thuê lại phim đó theo tỷ lệ chia lợi nhuận 50/50. Chủ rạp đồng ý và còn giới thiệu chị với những hãng phim phía nam: Thiên Ngân, CineNet…

Dần dần chị tạo được nguồn phim khá ổn định. Khi đã trở thành khách quen, không cần trực tiếp về Hà Nội lấy phim mà chỉ gọi điện sẽ có người ra bến xe gửi lên, hết đợt chiếu lại có người ra nhận lại. Có một người cần mẫn làm việc đó nhiều năm nay, bác Đỗ Viết Thảo, trước đây công tác ở hãng phim BHD, tuần nào cũng đều đặn quy trình gửi - nhận phim ở bến xe Mỹ Đình cho rạp Phú Thọ.

Cứ nhắc đến bác Thảo là Hằng lại vô cùng cảm kích: “Bác giúp mình vì lòng nhiệt tình thôi, chứ nhiều khi tiền cước không đủ đổ xăng. Bác ấy là người chuyển phim cho cả miền Bắc mà luôn phải bù lỗ cho rạp Phú Thọ.”

Nhận phim về, xem và đọc trước một lượt bản thuyết minh, biên tập những câu chưa chuẩn hoặc không phù hợp với trình độ tiếp nhận của khán giả. Đúng 7h30’ tối, chị lên rạp bật máy, thử loa và cất giọng: “Rạp chiếu bóng Phú Thọ kính chào quý khách…” Phía ngoài cửa sôi động lên một chút rồi khách vào trong ổn định chỗ ngồi.

Máy chiếu rì rì chạy. Góc phải phía trên gần áp mái rạp nhô ra một cabin gỗ le lói ánh đèn bàn đủ soi những trang thoại. Ngồi phía dưới, khán giả không nhìn thấy người thuyết minh nhưng chất giọng ấm áp truyền cảm thì thật gần gũi.

“Hơn 20 năm làm một nghề, lại là nghề phải vật lộn với bao sự cạnh tranh mới tồn tại được, có lúc nào chị thấy mệt mỏi không?” – tôi hỏi. Chị Hằng cười chân thật: “Cũng có chứ. Nhưng cứ mỗi buổi tối rạp lên đèn, ngồi vào bàn thuyết minh lại thấy có cái gì đó mới mẻ cuốn mình đi, thế là chỉ còn tập trung vào bộ phim và… quên hết”. Để có được lượng khán giả gần kín 200 ghế mỗi tối và 7 tối đỏ đèn/ tuần là một sự cố gắng rất lớn của người giữ trọng trách “đứng đầu”.

Chỉ với ba người mà kiêm nhiệm rất nhiều việc: ngoại giao, kỹ thuật, an ninh, bán vé, lao công, quảng cáo… nên mỗi lần phim mới về ai cũng bận tíu tít. Chị bán vé viết poster, anh kỹ thuật phóng xe máy đi dán trên các bảng tin phường, xóm còn chị Hằng ngồi trong một chiếc taxi cầm loa đi một vòng thị xã thông báo nội dung phim.

Hỏi: “Sao chị không thu sẵn lời vào đĩa, đưa vào xe nhấn nút play cho nó chạy tự động đỡ mệt?” Lại cười: “Không làm thế được đâu, bà con nghe giọng thu sẵn biết ngay. Vả lại, ngồi trong xe ngó ra thấy người quen vẫy tay chào, hẹn tối đến rạp xem cũng vui lắm chứ”.

Làm nghề 20 năm, giọng đọc của chị để lại trong lòng nhiều khán giả ấn tượng khó quên, đến mức có lần một thầy giáo trẻ đưa sinh viên đi thực tập, tình cờ ghé rạp xem phim, hôm sau tìm gặp trưởng rạp tha thiết xin được “bao” toàn bộ rạp để đưa sinh viên đến nghe giọng thuyết minh tối qua.

Không từ chối được, chị đành phải đồng ý. Sau buổi chiếu, anh đi cảm ơn và được một phen bất ngờ khi biết chính chị là trưởng rạp kiêm nhân viên thuyết minh.

20 năm, cũng có “tai nạn nghề nghiệp” rất dễ thương: Dạo đó rạp nhận về một bộ phim mới, buổi chiếu đầu tiên khán giả đã kín hết ghế, nhiều người không cầm được nước mắt khi xem những tình tiết gây xúc động mạnh.

Ngồi trên cabin, chị cũng bị hút theo, bỗng lặng người bật lên tiếng nấc. Vài giây im lặng trôi qua, chị sực tỉnh và nhanh chóng trở lại với vai trò của mình. Sự cố đó không ai để ý nhưng chị luôn coi đó là bài học nằm lòng để không mắc phải lần nữa.

Khi biết rạp chiếu bóng Phú Thọ mở cửa cả 365 tối/ năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: “Vậy còn đêm Giao thừa?” Giao thừa là đêm đặc biệt của một năm nên chị Hằng thường chọn một bộ phim mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như một lời cầu chúc cho năm mới hạnh phúc, bình an dành tặng khán giả.

Buổi chiếu đó không chỉ có khán giả quen thuộc mà còn có cả những người xa quê về ăn Tết, sum họp gia đình và muốn tìm lại chút gì trong ký ức... Họ đến rạp để được gặp chính mình, gặp lại những bạn bè ấu thơ nhọc nhằn lam lũ để ôn lại một thời trong trẻo hồn nhiên.

Đêm 30. Người khách cuối cùng rời khỏi rạp, chị Hằng đóng cửa, trở về ngôi nhà nhỏ của mình. Chồng chị, người đàn ông hiểu và yêu vợ hơn mọi thứ trên đời, đã sẵn sàng cho một chuyến… khởi hành cuối năm.

Hai vợ chồng chị qua cầu Trung Hà, xuôi theo quốc lộ 32 về Hà Nội, ngôi nhà cuối phố Khâm Thiên có người mẹ già và hai đứa con thân yêu đang chờ hai người về đón giao thừa.

Con trai lớn của chị, chàng sinh viên năm thứ III trường ĐHBK đã về thủ đô học ba năm nay với bàn tay chăm sóc của bà ngoại. Những lần về thăm mẹ và con trai, chị Hằng thường phải đi sau 9h đêm, khi công việc kết thúc, và chiều hôm sau lại ngược đường trở về trước giờ chiếu phim buổi tối.

Nụ cười của chị một lần nữa hóa giải những thắc mắc trong tôi, rằng sao một người đàn bà mặn mà tài sắc như chị lại không đồng ý với một trong những lời mời về một đài truyền hình nào đó ở Hà Nội, sẽ thuận lợi nhiều mặt hơn. “Mình mua nhà và chuyển các con về dưới đó để tiện cho việc học hành. Còn mình không thể xa thị xã được quá một ngày đâu”.

…Trở lại một chút với họa sĩ Nguyễn Văn Đạo. Sau hai ngày rong ruổi cùng nhau, giữa chúng tôi đã có một tình cảm gắn bó rất đặc biệt, sự gắn bó của những mối dây đồng cảm. Buổi chia tay, ngồi với nhau bên bờ sông Thao thơ mộng, anh phác một nét cọ vô hình vào khoảng nắng gió mênh mông trải dài trước mặt:

“Thử hình dung xem, nếu thị xã Phú Thọ không nằm cạnh dòng sông Thao thì vô duyên biết chừng nào? Nếu trong lòng thị xã thiếu đi rạp chiếu bóng thì đời sống văn hóa tinh thần sẽ hụt hẫng ra sao…”. Câu nói có phần văn vẻ của anh khiến mọi người bật cười.

Nhưng đọng sâu trong đôi mắt của một người luôn biết kiếm tìm và lưu giữ cái đẹp ấy, có một niềm ngưỡng mộ thành thật: Hình ảnh cô thuyết minh phim hai mươi năm nay dành hết tình yêu và tuổi trẻ của mình cho công việc phục vụ cộng đồng đã từ lâu trở thành một phần không thể thiếu, không thể quên ở thị xã nhỏ bé đáng yêu này.

 Làm nghề 20 năm, giọng đọc của chị để lại trong lòng nhiều khán giả ấn tượng khó quên, đến mức có lần một thầy giáo trẻ đưa sinh viên đi thực tập, tình cờ ghé rạp xem phim, hôm sau tìm gặp trưởng rạp tha thiết xin được “bao” toàn bộ rạp để đưa sinh viên đến nghe giọng thuyết minh tối qua. Không từ chối được, chị đành phải đồng ý. Sau buổi chiếu, anh đi cảm ơn và được một phen bất ngờ khi biết chính chị là trưởng rạp kiêm nhân viên thuyết minh.

Hà Nội 10/01/2010

MỚI - NÓNG