25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên

25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên
TP - Cách đây 25 năm, có 7 thành viên trên con tàu BTT-07 nhận nhiệm vụ ra khơi rồi bặt tin. Sau đó, cơ quan Công an kết luận họ... vượt biên. Cũng chừng ấy thời gian, 7 gia đình không ngừng viết đơn yêu cầu cơ quan chức năng trả lời rõ ràng về sự mất tích của chồng, con, anh em họ.

Họ không đồng tình với kết luận của Công an. Họ bền bỉ và luôn nuôi hy vọng một ngày nào đó người thân của họ sẽ được minh oan. Lúc đó chuỗi ngày dài khốn quẫn mà họ đã gánh chịu bấy nay sẽ chỉ còn là quá khứ.

Kỳ 1: Từ “án” vượt biên

Chuyến đi định mệnh

25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên ảnh 1
Bà Phạm Thị Thanh (vợ thuyền trưởng Lê Thanh Bùi) và các con 25 năm qua bị “treo” cái án chồng, cha là kẻ “vượt biên”

Vào một ngày rét căm căm giữa tháng 2/1982, thuyền trưởng Lê Thanh Bùi, thuyền phó Trần Mạnh Hà và máy trưởng Trần Văn Thanh cùng 4 thuyền viên khác nhận được lệnh của Cty vận tải thuỷ Bình Trị Thiên lên đường ra Hải Phòng lái con tàu BTT-07, đang được lên sàn sửa chữa tại đó, để chở đường ống vào nhập tại cảng Quy Nhơn.

Mặc dù lúc đó đã là những ngày áp Tết, nhưng, họ đều chấp hành lệnh lên đường nhận nhiệm vụ.

Nằm ở Hải Phòng một thời gian, chờ cho đến khi con tàu được sửa chữa xong hạ thuỷ, bốc xếp hàng theo đơn vận và họ nhổ neo ra khơi. Hành trình của con tàu theo dự kiến thì chỉ dăm ngày sau họ sẽ có mặt tại cảng Quy Nhơn.

Những tin nhắn về cho người thân họ đều hy vọng sẽ được về nhà ăn tết cùng với gia đình nếu mọi chuyện “xuôi chèo mát mái”. Thế nhưng, họ đã không  trở về suốt 25 năm nay.

Sự biến mất kỳ lạ của họ với con tàu cùng với một nghi án đeo đẳng suốt ngần ấy năm đã khiến cho gia đình và bao người thân của họ vướng vào vòng khốn quẫn, xót xa...

Một thời gian sau sự mất tích bí ẩn này, gia đình và người thân của 7 thành viên trên tàu BTT-07 vẫn không hề nhận được bất cứ một thông tin chính thống, khẳng định nào từ phía cơ quan chủ quản cũng như cơ quan chức năng về sự biến mất kỳ lạ này.

Họ cứ chờ mãi, chờ mãi cho đến khi không thể chờ được nữa, họ mới có đơn gửi cho cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng yêu cầu kết luận rõ ràng số phận của 7 thuyền viên trên tàu. Và, nếu chưa đủ cơ sở để kết luận thì cũng cần giải quyết chế độ chính sách đối với những người bị mất tích khi đi làm nhiệm vụ.

Vượt biên hay mất tích?

Đơn họ gửi đi và họ hy vọng, nhưng rồi chẳng có bất cứ một ai quan tâm đến nỗi niềm khắc khoải này cũng như gia cảnh của gia đình họ. Người thân của họ ra đi nhận nhiệm vụ không trở về, thế mà chẳng có ai đoái hoài dù chỉ một lời chia sẻ, an ủi, động viên...

Rồi đến một ngày, họ biết vì sao lại như thế. Đó là ngày 25/8/1986, tức hơn 4 năm sau, ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc CA Bình Trị Thiên (nay đã mất) có một công văn 342 trả lời đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh, vợ ông Lê Thanh Bùi, thuyền trưởng tàu BTT- 07, khẳng định: Về việc đòi giải quyết chính sách cho thân nhân của những người đi trên tàu BTT-07, chúng tôi thấy rằng: Lê Thanh Bùi và đồng bọn đã lợi dụng tàu của Nhà nước trốn ra nước ngoài, đáng ra phải bị truy tố trước pháp luật... Do vậy, chúng tôi thấy không thể có một chính sách chiếu cố nào đối với thân nhân của những người trên tàu BTT - 07.

Công văn viết ngắn gọn, nên thân nhân của 7 thuyền viên trên tàu BTT- 07 không hề được biết cơ quan Công an căn cứ vào đâu để đưa ra kết luận trên. Chính sự mù mờ về thông tin cũng như sự khuất tất trong việc thông tin về sinh mạng của 7 con người trên tàu BTT- 07, nên thân nhân của họ không “tâm phục khẩu phục” kết luận trên của cơ quan điều tra.

Chúng tôi đã rất cố gắng tìm kiếm người chấp bút trình công văn trên với hy vọng sau 1/4 thế kỷ, thì sự thật về số phận của con tàu BTT - 07 sẽ được hé lộ phần nào. Nhưng, năm 1989, tỉnh Bình - Trị - Thiên chia tách làm 3. Con người và hồ sơ bị xáo trộn đến mức không thể lần ra đầu mối.

Và thế là, Công văn trên như là một lời tuyên án tử hình về sinh mệnh chính trị của những người mất tích và thân nhân của họ trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.

Nhận được thông tin này dù nó không được gửi chính thức về cho từng gia đình cũng như cho từng chính quyền địa phương, nhưng những lời đồn thổi và xuyên tạc thì còn nguy hiểm hơn nhiều. Trước những cơn sóng ngầm của dư luận, gia đình và những người thân của 7 thành viên trên tàu BTT-07 gần như quỵ hẳn.

Họ không bao giờ tin được rằng chồng của họ là những kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội lại những người thân yêu để bỏ lại đằng sau tất cả. Họ cứ thế âm ỉ thắp nguồn hy vọng. Bởi, theo họ thì nếu như người thân của họ rũ bỏ tất cả để vượt biên ra nước ngoài không sớm thì muộn họ cũng sẽ có thông tin người thân đang ở đâu, làm gì?

Nhưng từ ngày ra đi định mệnh đó, đến nay tất cả 7 gia đình và thân nhân của 7 thành viên trên tàu BTT-07 không hề nhận được thông tin gì về người thân của họ và cơ quan chức năng cũng không đưa ra được bằng chứng cụ thể là họ đã vượt biên trốn ra nước ngoài, thì có nghĩa chồng con họ đã gặp nạn và chết khi đang đi làm nhiệm vụ (?).

Lúc đó vết nhơ về thanh danh của họ sẽ được gột rửa và các chế độ chính sách cho người hy sinh khi đi làm nhiệm vụ sẽ được phục hồi. Từ niềm tin dù là rất mong manh nhưng vô cùng mãnh liệt đó đã giúp họ vượt qua bao mặc cảm và trăm ngàn đắng cay của cuộc đời để tồn tại cho đến bây giờ.

Khi đất nước mở cửa và hội nhập mạnh mẽ, thân nhân của 7 thành viên trên tàu BTT-07 coi đây là cơ hội để tìm ra sự thật về sự mất tích của chồng và con em mình. Họ nghi ngờ cái Công văn 342 đáng sợ kia.

Tháng 5/2007, họ đồng thời gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng đòi hỏi làm rõ và có trả lời rõ, chồng, cha, con họ bị chết, mất tích hay vượt biên trốn ra nước ngoài để nghi án 25 năm đeo đẳng được làm sáng tỏ.

Từ đòi hỏi chính đáng và bức thiết này, Văn phòng Luật sư Hướng Dương (Quảng Bình) đã có công văn gửi Văn phòng Interpol Việt Nam với những nội dung gửi gắm: Đã 25 năm trôi qua gia đình những thành viên trên tàu BTT-07 không nhận được bất cứ tín hiệu nào từ phía người thân để khẳng định là họ đã vượt biên đến cư trú tại một quốc gia nào đó để tham gia vào một tổ chức phản động chống lại Nhà nước Việt Nam.

Suốt 25 năm gia đình các thuyền viên mòn mỏi đợi chờ và luôn sống trong tình cảnh bị chính quyền và người đời xem là gia đình có người phản bội Tổ quốc...Vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đất nước chúng ta phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, nên việc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển chưa được quan tâm đúng mức và rất hạn chế.

Việc xác định tàu BTT-07 thuộc Cty Vận tải biển Bình Trị Thiên do ông Lê Thanh Bùi làm thuyền trưởng cùng với các thuyền viên trên tàu gặp nạn trên đường vận chuyển hàng từ Hải Phòng về Quy Nhơn hay đã vượt biên là vấn đề cần được điều tra xác minh và kết luận chính thức từ phía Interpol Việt Nam...

Với trình bày trên, Văn phòng luật sư Hướng Dương đề nghị và hy vọng Văn phòng Interpol Việt Nam quan tâm giúp đỡ bằng việc xác minh kết luận về số phận con tàu BTT- 07 cùng với các thuỷ thủ có mặt trên con tàu đó.

Đây có thể coi là hy vọng cuối cùng mà thân nhân của các thành viên trên tàu BTT-07 đeo đẳng, khắc khoải chờ đợi ròng rã suốt một phần tư thế kỷ. Trong khi chờ câu trả lời chính thức từ phía Văn phòng Interpol Việt Nam, chúng tôi tìm về gia đình và người thân của các thành viên trên con tàu nghi án này, dù đã quá muộn, để góp một chút thông tin, biết đâu, nghi án này được mở ra từ những thông tin đó.

---------

* Kỳ cuối: Một phần nghìn của tia hy vọng

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.