30 năm liệt giường vẫn dạy nghề

30 năm liệt giường vẫn dạy nghề
Suốt hơn 30 năm qua bị bại liệt toàn thân, mất khả năng đi lại, cuộc sống chỉ biết gắn liền với chiếc giường tự tạo nhưng ông đã tự học để trở thành người thợ sửa chữa điện tử có tiếng, và người thầy dạy nghề cho nhiều thanh niên.
30 năm liệt giường vẫn dạy nghề ảnh 1
Thầy Văn đang hướng dẫn các học sinh học nghề

Người dân ở xóm Trúc Kênh, phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), có lẽ không ai không biết đến “Văn liệt sửa chữa điện tử”, dù cửa hàng của ông không treo biển. Lâu nay mọi hỏng hóc về đồ điện tử trong gia đình, người dân trong vùng đều đưa đến cho ông. Không phải ông sửa rẻ hơn các cửa hàng khác mà bởi ông là người luôn biết chữa đúng “bệnh” nên được nhiều người tin tưởng.

Trong ngôi nhà cấp 4 ngổn ngang nào là đài, tivi, quạt điện hỏng… một người thầy nằm liệt trên giường đang say sưa giảng bài thông qua chiếc máy tính đặt trước mặt. Buổi học sáng nay, ông dạy cho ba cậu học trò của mình “Lý thuyết về nguyên lý sửa chữa tivi màu”.

Biết có khách vào, ông dừng lại và đưa chiếc gương phản chiếu lên nhìn tôi. Ngang tầm tay ông nằm là dãy công tắc gồm 8 chiếc dùng để điều khiển hệ thống công tắc quạt, tivi, bóng đèn…trong nhà. Còn chiếc giường ông nằm được gắn với hệ thống nước xả cho công trình tự hoại phía dưới. Tất cả đều do ông tự chế để phù hợp với cơ thể bị bại liệt hoàn toàn của mình.

“Tôi năm nay 56 tuổi thì đã có hơn 30 năm nằm liệt trên giường thế này rồi. Chỉ cử động được hai tay, chứ mọi sinh hoạt đều nằm tại chỗ cả. Cuộc  đời tôi nhiều nỗi bất hạnh. Công việc hàng ngày chính là niềm vui để giúp tôi quên đi những bất hạnh đó”. - Ông bắt đầu câu chuyện với tôi bằng giọng buồn.

Sinh ra ở làng Tám (Giáp Bát), lẽ ra cuộc đời của chàng trai gốc Hà Nội này sẽ rộng mở. Học hết PTTH, Vũ Đăng Văn xin vào bộ đội. Sau thời gian huấn luyện, anh được cử đi học lớp kỹ thuật thu phát điện tử tại trường bưu điện Nam Hà. Rồi trở thành người lính thông tin và được phân vào trạm thông tin liên lạc V5 đóng ở tỉnh Thái Nguyên.

Những năm chiến tranh ác liệt, đơn vị của anh phải hoạt động trong rừng sâu với những đợt mưa rừng gió gắt. Trong đợt sốt rét rừng năm 1969, đơn vị phải chuyển anh xuống BV Bạch Mai cấp cứu. Cơn nguy kịch đã qua, nhưng oái oăm thay chính trong thời gian dưỡng bệnh tại nhà ông lại một lần nữa suýt chết do uống nhầm thuốc.

“Lúc đó mình chưa bị liệt toàn thân đâu, cũng tại nghe theo lời mấy ông thầy lang Tàu châm cứu nên mới bị bại liệt như thế này…” - ông buồn rầu kể lại. Xuất ngũ, ông ở lại lập nghiệp tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, nơi đóng quân trước đây. Khi đôi chân của ông không thể bước đi được nữa thì người đàn bà thề non hẹn biển sẽ sống suốt đời cũng từ bỏ ông mà ra đi.

Nỗi đau về thể xác, nỗi đau về tinh thần cứ thế đổ xuống đầu ông. Từ đó, ông bắt đầu cuộc sống tật nguyền một mình, khi mà không có một khoản trợ cấp, một đồng lương nào. “Sẵn có chút kiến thức được học trước đây về điện, mình nhờ người mua hộ các loại sách về sửa chữa điện tử để tự học, rồi tự mày mò cách sửa...”.

Chỉ với 3 ngón tay còn cử động được ông đã mày mò học cách sửa chữa đồ điện tử qua sách. Dần dần tay nghề của ông nổi tiếng khắp vùng. Người ta tìm đến “Văn liệt chữa điện tử” để sửa chữa và gửi con theo học. Học trò của ông ngày thêm nhiều, phần lớn đều có hoàn cảnh khó khăn vì hầu hết ông dạy miễn phí.

Mãi đến năm 1996, ông quyết định trở về Hà Nội. Bố mẹ đều đã mất. Thấy ông không nhà không cửa, học trò và bạn bè đã góp tiền mua lại miếng đất 15 m2 “không sổ đỏ” ở xóm Kênh để ông mở cửa hàng sửa chữa điện tử kiếm sống.

Lớp học của thầy giáo Văn

Giọng ông khác hẳn khi nói về lớp học: “Qua kinh nghiệm có được hơn 30 năm qua. mình muốn dạy nghề  cho thật nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, để giúp các em có nghề kiếm sống...”. Nói rồi ông đưa cho tôi cuốn sổ dày trong đó ghi tên hàng trăm học trò đã được ông dạy.

Trong số đông ấy, hiện có trên 30 học trò của ông đã tự mở cửa hàng riêng sửa chữa điện tử ở khắp nơi như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên... Cách dạy nghề của ông thầy “đặc biệt” này cũng rất bài bản. Vừa dạy lý thuyết, ông vừa hướng dẫn trực tiếp cho học trò thực hành ngay trên máy.

Để có sách cho học trò học ông đã tự mình viết 7 tập “giáo trình” (mỗi tập dày 200 trang). Trong đó là các kiến thức cơ bản về nguyên lý, cách sửa những loại đồ điện tử, điện dân dụng chắt lọc từ các cuốn sách về điện tử và kinh nghiệm của bản thân, được ông diễn giải một cách đơn giản, dễ hiểu.

Khi có khách mang đồ đến sửa chữa, ông cho học trò mở ra và chỉ “căn bệnh” để cho học trò thực hành ngay. Những lúc không có khách, ông lại cho học trò mình thực hành trên những chiếc đài, tivi có sẵn (chủ yếu là những đồ ông mua lại của dân đồng nát). Cách dạy vừa học lý thuyết, vừa thực hành ngay trên những “giáo cụ trực quan” đã giúp cho học trò của ông tiếp thu rất nhanh.

Chính thế mà học trò tìm đến ông xin học ngày càng nhiều, phần vì đa số họ là những thanh niên hoàn cảnh khó khăn hoặc bị tàn tật, được ông dạy học miễn phí và cho ở không lấy tiền. Khoá học thường có thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, tuỳ vào mức độ tiếp thu của từng học trò mà ông dạy cho đến khi nào học trò thành thục thì thôi. Học phí mỗi tháng ông chỉ lấy gần 200 nghìn, cả tiền ở.

Đặc biệt, các lớp học của ông thường có những sinh viên, học viên các trường kỹ thuật, dạy nghề về điện tử, CNTT cũng theo học. Hiện lớp học của ông Văn có 5 học trò. Ngoài hai em Sâm, Vân (quê ở Đại Từ, Thái Nguyên) và Lành ở Nam Định vừa tốt nghiệp phổ thông, còn có Trần Đức Chí, sinh viên năm thứ nhất Khoa CNTT (quê Phú Thọ), và em Nguyễn Tiến Hoạch (Thanh Sơn, Phú Thọ), là học viên vừa tốt nghiệp ở trường dạy nghề điện tử Hanel.

 “Khi mới gặp em cũng hơi ái ngại và nghi ngờ về khả năng của thầy. Nhưng qua thời gian gần 2 tháng theo học, em thấy thầy Văn có kinh nghiệm chuyên môn rất giỏi, rất đáng khâm phục. Thầy còn biết về tin học nữa đấy anh ạ!”- Chí nói. Còn đối với Nguyễn Tiến Hoạch dù đã tốt nghiệp ngành điện tử dân dụng nhưng qua bạn bè giới thiệu, cậu đã tìm đến đây để học thêm.

“Cách dạy của thầy Văn thật dễ hiểu, thầy dạy từ thấp đến cao, gắn liền với thực tế”.- Hoạch nói thế. Bảy tập bài giảng tự viết của ông đã được nhiều thế hệ học trò photo lại, truyền tay nhau, nhiều em về quê mở cửa hàng vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thầy khi gặp “căn bệnh” khó chữa.

Lúc chúng tôi chào ra về, ông có nói: Qua báo Tiền Phong, giúp ông giới thiệu cho những người bị tàn tật, những em có hoàn cảnh khó khăn nếu muốn học nghề sửa chữa điện tử thì đến ông sẵn sàng dạy miễn phí. Ông mong muốn có người nào đó giúp ông in 7 tập bài giảng do ông tự soạn bấy lâu để làm tài liệu giảng dạy giúp cho các cở sở dạy nghề nhân đạo, và giúp những người không có điều kiện đi học lớp học.

MỚI - NÓNG