40 năm vụ thảm sát Mỹ Sơn:

504 bông hồng và những dấu chân còn hằn trên mặt đất

504 bông hồng và những dấu chân còn hằn trên mặt đất
TP - 16/3 hàng năm là ngày giỗ chung lớn nhất của làng Mỹ Lai (Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi bây giờ). Buổi sáng ấy, 504 người già, phụ nữ, em thơ vô tội đã chết không toàn thây dưới những tràng liên thanh xối xả và từng chùm lựu đạn điên cuồng của lính Mỹ.
504 bông hồng và những dấu chân còn hằn trên mặt đất ảnh 1
Kenneth Schiel - kẻ từng gây tội ác tại Mỹ Lai trước ống kính của Aljazeera English

Cái ngày giỗ ấy là ngày khủng khiếp nhất trong số toàn bộ cộng đồng các xóm làng Việt Nam, và nhân loại cũng đã ghi nhận đó là một trong những Ngày–Máu ghê tởm nhất mà những kẻ xâm lược đã gây ra…   

... Gilman N. Halsted không rõ là phóng viên nước ngoài thứ bao nhiêu ngồi đối diện với Phạm Thành Công để nghe kể lại chi tiết này. Tôi để ý chiếc micro màu trắng trong tay phóng viên của đài phát thanh Wisconsin Public Radio (Mỹ) khẽ run lên.

“Buổi sáng ấy, dân làng chuẩn bị ra đồng, đi chợ thì nghe tiếng súng chát chúa phía đầu làng. Gia đình tôi chạy hết xuống hầm trú ẩn. Thời ấy nhà nào cũng có một cái hầm ngoài vườn để tránh bom đạn.

Tiếng nổ cứ kéo dài mãi và mỗi lúc một gần. Một lát sau có 3 lính Mỹ đứng trước cửa hầm nhà tôi, chĩa súng kêu tất cả phải lên. Tưởng là bình thường, mọi người chui ra khỏi hầm. Không ngờ chúng bắt tất cả phải xuống lại hầm, rồi tung từng chùm lựu đạn xuống theo, và bắn theo xối xả.

Mẹ, chị gái, 2 em gái và 1 em trai của tôi chết thảm mà không kịp biết chuyện gì, còn tôi khi đó 11 tuổi ở phía sau nên được xác của người thân che đỡ chỉ bị thương ngất đi. Đến 4 giờ chiều, khi lính Mỹ đã rút từ lâu, bà con ở các xóm bên mới dám tới kéo tôi lên…”.

Dường như không tin vào tai mình, Halsted đề nghị Công kể lại câu chuyện một lần nữa. Mặt ông có vẻ hơi ngơ ngác, rồi đỏ dần. Còn Phạm Thành Công, cũng đang xúc động mạnh, dù đã từng phải nhắc lại, nhớ lại, kể lại ký ức máu này không biết bao nhiêu lần, không chỉ với tư cách một nhân chứng, mà còn với chức phận Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Dạo đầu tháng 9 năm ngoái, đạo diễn Mỹ Oliver Stone khi tới Sơn Mỹ với kế hoạch làm bộ phim “Làng Hồng” (Pinkville), đang trò chuyện với Phạm Thành Công, đã phải bật dậy cúi đầu: “Tôi hoan nghênh ông và bái phục đất nước ông!”.

Đó có lẽ không còn là cảm xúc của một Oliver Stone nhà làm phim lừng lẫy, mà là tâm trạng của cựu binh Oliver Stone từng tham chiến ở Việt Nam, khi nghe Công kể mình đã cầm súng theo cách mạng trả thù giặc Mỹ lúc mới 13 tuổi cùng bao đồng đội khác, để có nước Việt Nam ngày hôm nay.

Cũng như mới hôm qua đây, dưới ống kính giấu kín có chủ đích của nhóm phóng viên hãng truyền hình Aljazeera English (Qatar), Phạm Thành Công vô tình đã có cuộc “đối đầu” suốt 3 tiếng đồng hồ với Kenneth Schiel - một trong số lính Mỹ trực tiếp xả súng và lựu đạn vào dân làng Mỹ Lai 40 năm trước, mà cũng do chủ ý của nhóm làm phim, anh không hề biết kẻ trước mặt mình đã từng nhuốm máu tại Mỹ Lai. Anh chỉ được giới thiệu đó là một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.

Trong số mười mấy hãng thông tấn nước ngoài suốt cả tuần nay “quần đảo” Sơn Mỹ lấy tư liệu đưa tin về lễ kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát, sự xuất hiện của hãng truyền hình có lẽ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam này đã gây sự chú ý hơn cả.

Cựu binh Kenneth Schiel là một trong những nhân vật đặc biệt của thiên phóng sự  5 tập (mỗi tập dài 30 phút) của Aljazeera English (dự kiến sẽ phát vào tháng 10/2008), nội dung lên án tội ác chống lại nhân loại, đặc biệt là dân thường trong các cuộc chiến tranh xâm lược.

Đến buổi chiều, khi Kenneth Schiel “lộ diện”, kết thúc cuộc đối đầu rất căng thẳng là cái bắt tay giữa hai người, anh Công nói:“Tôi bắt tay ông chỉ vì quan hệ ứng xử cần có của con người, còn ông không xứng đáng để bắt tay tôi. Tôi không hiểu được những con người từ một xã hội được coi là văn minh như các ông lại dã man vô nhân đạo như vậy. Vì tương lai, chúng tôi sẵn sàng gác lại quá khứ, nhưng với những người Việt Nam như tôi, tội ác này là không thể xí xóa…”. 

Tranh thủ lúc anh Công tạm “thoát” khỏi cánh phóng viên nước ngoài, tôi cùng anh bước chậm trên lối nhỏ dẫn sâu vào nền đất cũ của ngôi làng tang thương ngày ấy.

504 bông hồng và những dấu chân còn hằn trên mặt đất ảnh 2
Anh Phạm Thành Công bên bờ mương chi chít dấu chân còn hằn lại

Dưới những tán cây thinh lặng râm mát trong khuôn viên rộng tới 3- 4 ha này, với khối nhà trung tâm được kiến trúc thật trầm lắng và độc đáo, với những chiếc ghế đá..., nếu không để ý, ai đó sẽ tưởng mình đang dạo bước ở một công viên sinh thái nào đó. Rồi từng bước, từng bước, bạn sẽ đối diện với một tượng đài bằng đá xám sừng sững.

Nét bi thương toát lên từ những gương mặt phụ nữ, trẻ thơ giữa phút giây đón nhận cái chết. Trên con đường rẽ vào ngôi làng đau thương xưa, nhìn xuống, bất chợt tôi bắt gặp những dấu chân, chi chít những dấu chân còn in hằn trên mặt đất.

Những dấu chân của trẻ con, của những nông phu, của cả trâu bò đang trên đường ra đồng bị xoáy miết, bị kéo lê, bị dằn đạp, bị kẹp cứng giữa những vết giày đinh và vết lê dài của mũi súng. Càng đi sâu vào làng, quanh những ngôi nhà, quanh những bờ ruộng, càng dày đặc những dấu chân. Một cái gì đó thật lạnh bỗng chạy từ bàn chân lên tới chân tóc, tôi quay sang hỏi anh Công:

- Ai nghĩ ra việc phục dựng những dấu chân vậy anh?

- Tự tôi thôi. Đầu năm 2007, khi gần hoàn thành việc tôn tạo khu chứng tích, tôi cứ thấy hiện về trước mắt mình những dấu chân đầy bùn và máu của ngày ấy. Buổi sáng ấy trời còn mờ sương, đàn ông đang ra đồng, còn đàn bà đi chợ, trẻ em đi học, anh ạ...

Giọng anh Công bỗng nghẹn lại:

- Tôi tìm đến tận bảo tàng, rồi các đơn vị quân đội cạy cục mượn mấy đôi giày bốt của lính Mỹ. Còn các dấu chân trần lớn nhỏ kia là của bà con dân làng được huy động ra “dựng lại hiện trường” tự nhiên trên những con đường ximăng ướt giả đất. Có sự phụ giúp của những sinh viên mỹ thuật… 

Suốt những cuộc chiến tranh, dọc dài đất nước có thật nhiều những di tích, chứng tích, những bia đá và tượng đài cao ngất của lòng căm hờn, nhưng chưa nơi đâu như nơi này, khi người ta phải cúi xuống mặt đất để nhìn, để nghe nỗi đau ngấm vào thân thể, thịt da…  

Sực nhớ tới mấy bức thư tiếng Anh của Billy Kelly – một cựu binh Mỹ cũng từng tham chiến tại Việt Nam đang lưu giữ tại phòng trưng bày, tôi hỏi anh Công. Anh nhẹ nhàng:

- Từ chục năm nay, hầu như năm nào đến ngày 16/3 ông ấy cũng sang đây, mang đến 504 bông hồng đặt trước tượng đài, rồi quỳ xuống rất lâu. Dù không trực tiếp tham chiến ở vùng đất này, nhưng ông ấy thấy rất nặng lòng và luôn sám hối…

“Tôi đem vài đóa hoa đến đây cho các bạn và mong các bạn coi đây như một biểu tượng của tất cả các loài hoa mà bạn sẽ nhận được nếu như cuộc sống của các bạn không bị đánh cắp cách đây 32 năm.

Đối với những ai đã già đi trong những năm qua, xin hãy xem những đóa hoa này như món quà họ nhận được từ con cái và cháu chắt của họ. Và đối với những người còn trẻ, tôi mong họ nhận chúng như món quà của bạn trai hay bạn gái tặng cho… Các bạn sẽ không bao giờ bị lãng quên. Xin cầu nguyện cho chúng tôi” (Billy Kelly – thư ngày 16/3/2000).

“Những người bạn thân mến của tôi ! Hôm nay tôi không đến Sơn Mỹ để tưởng nhớ cái ngày khủng khiếp đã xảy ra cách đây 38 năm, khi cuộc sống của các bạn bị cướp đi một cách quá bất ngờ và quá tàn nhẫn… Hôm nay đất nước của tôi lại nhắc lại điều đó. Những người lính của chúng tôi lại chống lại một nước khác, đó là Iraq. Tôi luôn kính trọng các bạn, tôi phải trở thành một người lính và đấu tranh để chấm dứt cuộc chiến tranh tàn bạo ở Iraq…” (Billy Kelly – thư ngày 16/3/2006).

Tôi lại nhớ tới một cựu binh Mỹ khác từng tham chiến ở Củ Chi đã  gặp 10 năm trước cũng chính tại Sơn Mỹ này nhân kỷ niệm 30 năm ngày xảy ra thảm sát – Roy Mike Boehm.

Còn nhớ hôm ấy, giữa buổi lễ, bất chợt lò hương trước tượng đài cả khối nhang lớn bỗng bật cháy đùng đùng như đuốc. Ai nấy sững sờ. Đạo diễn Trần Văn Thủy cùng người quay phim ào đến hối hả ghi hình.

Đó là một trong những hình ảnh trong bộ phim tài liệu “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” nổi tiếng xuất hiện cùng năm đó, mà nhân vật trung tâm là người kéo vĩ cầm Roy Mike Boehm. Trong cuộc trò chuyện giữa tôi và nhà báo Gilman N. Halsted của đài phát thanh Wisconsin Public Radio tròn 10 năm sau, nhân vật ấy cũng được nhắc lại, và Halsted tỏ ra tự hào về người đồng hương cùng tiểu bang Madison của mình.

Không chỉ vì tiếng vĩ cầm xoa dịu nỗi đau của M. Boehm, mà vì ông còn là giám đốc của tổ chức Madison Quaker, Inc – từ nhiều năm qua đã cấp vốn xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm phụ nữ địa phương, cũng như thường xuyên xây nhà, tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), và giữa năm ngoái từng dẫn đầu đoàn biểu tình tại Mỹ để ủng hộ vụ kiện của những nạn nhân CĐDC.

Đặc biệt, dịp tròn 40 năm ngày thảm sát Sơn Mỹ này, Madison Quaker, Inc do M. Boehm dẫn đầu là một đoàn “đa quốc tịch”, với trên 100 người, trong đó 77 người đến từ Nhật Bản, đại đa số là những nạn nhân của vụ thả bom nguyên tử xuống Hirosima – Nawasaki 63 năm về trước.

Đây là lần đầu tiên những nạn nhân chiến tranh này tham dự lễ tưởng niệm thảm sát Mỹ Sơn. Dịp này, Madison Quaker, Inc sẽ khánh thành Công viên Hòa Bình tại Sơn Mỹ, khởi công khu nhà hiệu bộ cho trường tiểu học số 1 Tịnh Khê và khám chữa răng miễn phí cho người dân 6 xã trong toàn huyện Sơn Tịnh.

Buổi chính lễ vào sáng ngày mai (16/3), Mike Boehm sẽ có phút để một lần nữa cất lên tiếng vĩ cầm da diết của mình…  

Sơn Mỹ, 14/3/2008

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.