96 giờ sinh tử giữa Hoàng Sa

96 giờ sinh tử giữa Hoàng Sa
TP - Sáng 23-6, tàu cá QB 92836TS của ông Nguyễn Văn Nam (47 tuổi, ở Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cùng 8 ngư dân được tàu HQ 736 (Hải đoàn 128, quân chủng Hải quân) lai dắt cập cầu cảng Lữ đoàn 161 (vùng 3 Hải quân, Đà Nẵng) an toàn.

> Nhiều tàu chìm, hư hỏng do bão số 2

Thân tàu tả tơi sau hoạn nạn
Thân tàu tả tơi sau hoạn nạn.

96 giờ sinh tử

Ông Nam kể, hơn 20 năm đi biển, lèo lái đủ loại thuyền ngang dọc Hoàng Sa, Trường Sa hành nghề câu mực nhưng ông chưa lần nào cận kề cái chết như chuyến ra khơi này.

 Những cột sóng cao quá ngọn buồm đổ ào xuống thân tàu nhỏ. Cả con tàu ngập đầy nước, máy bơm không hoạt động khiến 8 thuyền viên thay phiên nhau cứu tàu chìm. Lương thực cạn sạch sau 4 ngày thả trôi trên vùng biển động 

Ngày 10-6, tàu ông nhổ neo hướng ra khu vực biển Hoàng Sa. Chưa đầy tuần lễ đánh bắt, tối ngày 16-6, trời nổi giông gió, biển động mạnh. Chỉ vài tiếng đồng hồ, những con sóng cấp 7-8 liên tục xô thuyền.

“Chúng tôi vừa nhổ neo trú tránh thì bánh lái tàu bị lái. Rồi máy bị hư không thể khắc phục, cứ thế trôi trên vùng biển động” - ông Nam kể.

Thuyền viên Nguyễn Văn Hùng (26 tuổi), con trai ông Nam kể thêm: Cả đêm mọi người thức trắng thay phiên nhau tát nước ra khỏi khoang tàu. Bụng đói, đầu đau như búa bổ, nhiều người mệt lả nhưng vẫn gắng gượng cứu tàu chìm. Chỉ cần không kịp tát tay, tàu có thể chìm nghỉm giữa biển động trong chốc lát.

Không có máy điện, phương tiện thông tin liên lạc bị hỏng, tàu QB 92836TS bặt tin đất liền.

“Sợ nhất là sáng 20-6, sóng cao vài chục mét đổ úp vào mạn thuyền, dìm mũi tàu xuống nước. May mà có đợt sóng kế tiếp đánh vào đuôi tàu, bạt thuyền cân bằng trở lại nên mọi người thoát chết”, ngư dân Lê Thanh Hòa (32 tuổi, trú Hải Trạch, Bố Trạch) kể.

Vợ chồng ông Nam đoàn tụ sau những ngày cạn kiệt hy vọng giữa vùng biển động
Vợ chồng ông Nam đoàn tụ sau những ngày cạn kiệt hy vọng giữa vùng biển động.

Bốn ngày, 4 đêm, lương thực cạn dần… “Đúng lúc tưởng chừng hết hy vọng, thì anh em khắc phục được Icom, tôi vớ vội rồi điện vào đất liền cầu cứu lực lượng hải quân. Ai cũng thắc thỏm, mong chờ tàu cứu hộ từng giây phút”, ông Nam bộc bạch.

Ngày 19-6, quân chủng Hải quân nhận được tín hiệu cầu cứu từ tàu ông Nam. Chiều cùng ngày, tàu HQ 736 đang làm nhiệm vụ trên biển Đông, cách tàu bị nạn hơn 100 hải lý lập tức nhận nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Sau 2 ngày đạp sóng trên biển, ngày 21-6, tàu HQ 736 tiếp cận tàu cá QB 92836 tại vùng biển gần Hoàng Sa.

Thượng úy Trần Ngọc Hiển, Thuyền trưởng tàu HQ 736, kể: Biển còn động mạnh khiến cả hai tàu thuyền không thể cập mạn. Thiếu úy Chương, thiếu úy Hùng và thượng úy Thượng phải dùng phao, dây dẫn, vượt gần 20m sang tiếp cận tàu cá. Lúc này sức khỏe và tinh thần của các thuyền viên trên tàu cá đã kiệt quệ. Mất hơn 3 tiếng đồng hồ cứu nạn, tối cùng ngày, tàu HQ 736 khởi hành lai dắt tàu cá bị nạn vào bờ.

Gia đình tưởng mất được đoàn tụ

Từ sáng sớm 23-6, bà Nguyễn Thị Lương, vợ thuyền trưởng Nam cùng thân nhân thuyền viên trên tàu có mặt tại Lữ đoàn 161. Vừa thấy bóng dáng tàu từ xa, bà khóc lịm. “Gần tuần lễ biệt tăm tích, tôi tưởng mất gia đình mình rồi”, bà Lương nói.

Tặng quà cho các ngư dân trên tàu bị nạn. Ảnh: Nguyễn Huy
Tặng quà cho các ngư dân trên tàu bị nạn. Ảnh: Nguyễn Huy.

Tàu QB 92836TS có 8 thuyền viên thì có đến 5 người trong đại gia đình bà Lương gồm chồng, 2 con trai, 1 rể và 1 cháu ngoại.

Bà Lương bảo: Nhà khó khăn quá nên mấy đứa đòi nghỉ học theo cha đi biển. Riêng thằng cháu ruột Nguyễn Văn Tư, vừa học xong lớp 11 đi chuyến đầu tiên thì gặp nạn.

Mặt Tư tái mét: “Em định đi vài chuyến kiếm tiền đóng học, không ngờ lạc ngay giữa vùng bão biển”.

Cả tuần này, làng chài Đức Trạch thêm xao xác trước thông tin tàu mất tích, gặp nạn trên biển. Chỉ đợt bão số 2 vừa rồi, Quảng Bình có 5 tàu gặp nạn, trong đó có 3 tàu ở Đức Trạch cùng hàng chục ngư dân.

Trước đó, người thân các thuyền viên trên tàu cá QB 92109TS của ông Nguyễn Văn Sửu (Đức Trạch) chỉ biết tin mọi người còn sống khi được tàu của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 cứu đưa vào bờ chiều ngày 21-6.

“Mùa biển động năm nào chúng tôi cũng mất ăn, mất ngủ dõi theo chồng con trên những chuyến ra biển mưu sinh. Năm nay bão đến sớm, càng thêm khắc nghiệt, khó khăn của biển cả”, bà Lương nói. Ông Nam dự định sẽ sớm sửa lại bánh lái, máy móc để có thể vươn khơi khi biển lặng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.