“Ăn” đá ở Càn Ăn

“Ăn” đá ở Càn Ăn
TP - Anh Hồng đưa cho tôi mang một bao tải nhỏ đựng 40 cái chạm, nặng 35 kg, còn anh thì vác 6 cái búa tạ. Anh Dũng (em trai anh Hồng) vác 3 cái cuốc cùng một cái xà beng. 3 người chúng tôi đi vào bãi đá Càn Ăn để bắt đầu ngày làm việc mới.

Đi bộ khoảng 4km trên con đường gập ghềnh, bị xe tải, xe ben, xe công nông cày nát và bụi bay mù trời, chúng tôi đến bãi đá...

“Ăn” đá ở Càn Ăn ảnh 1

Núi đá Càn Ăn chênh vênh

Cơ cực nghề “ăn” đá

Càn Ăn nằm trên địa phận thôn Phước An, xã Lộc Tiến (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) là một trong những mỏ đá lớn ở Phú Lộc và đã được khai thác từ hàng chục năm nay.

Ở đây có cả thợ chẻ đá do Cty xây lắp Thừa Thiên Huế thuê làm và cả những người thợ chẻ đá làm thuê cho những thợ cốt (thợ cả, có chút vốn thuê thợ phụ) trong vùng.

Anh Nguyễn Hồng được người dân nơi đây gọi là Hồng “cụt”:  bàn tay trái của anh cụt ngủn, do một lần châm kíp nổ phá đá, bị nổ ngay trên tay! Anh phải bỏ nghề, vì tay trái không cầm được dụng cụ. Cả nhà đói vì ruộng nương chỉ có mấy mảnh con con, lại bị nhiễm mặn nặng nên mất mùa triền miên, con cái một đống.

Đói quá, anh nảy ra sang kiến dùng dây thun buộc chạm vào tay trái để chẻ đá. “Thời gian đầu buộc dây đau lắm, vì máu không lưu thông được, được chừng 30 phút đau không chịu nổi tôi lại mở ra. Qua một thời gian dài phần thịt chỗ buộc ở tay trái mất cảm giác không thấy đau nữa” - Anh Hồng kể.

Chúng tôi chẻ đá thuê cho ông chủ Lê Văn Hoàng. Thấy mặt tôi lạ, ông  Hoàng  và 3 người thợ làm thuê đến trước chúng  tôi nhìn soi mói. Chắc là họ nghĩ với thân thể ốm yếu như tôi sẽ không đủ sức để chẻ đá.

Nhưng anh Hồng đã kịp thời trấn an: “Nó là người anh em họ của tui, vì không có nghề ngỗng gì nên về đây xin đi theo tui chẻ đá thuê. Tuy mới vào nghề nhưng nó chịu khó lắm”.

Tin lời anh Hồng, ông Hoàng quay sang giảng sơ cho tôi nghe về kĩ thuật và quy trình làm đá.Thật không đơn giản chút nào, nó là một mớ những thao tác. Đầu tiên phải chọn đá, rồi phải ước lượng độ nghiêng, ước lượng thế đá, tìm thớ đục lỗ phá ở vị trí nào cho thuận lợi nhất.

Sau khi đã ước lượng tính toán cẩn thận, người thợ dùng chạm để đục những lỗ làm sao cho đá tách đôi, rồi tiếp tục tách nhỏ hơn. Tôi hăng hái cầm búa và chạm đục vào những phiến đá theo sự chỉ dẫn của thợ cốt Hoàng.

Cái búa tạ nặng 7kg, mới chỉ đưa lên xuống một lúc mà tay tôi đã mỏi như muốn rụng xuống. Hì hục mãi, mồ hôi tuôn nhễ nhại mà tôi không sao tách phiến đá thành hai được.

Anh Dũng cũng như những người thợ khác làm cho ông Hoàng rất ít trò chuyện, chỉ chăm chú với công việc của mình. Họ vắt mình trên sườn đá cao khoảng 5m, dăm đá chảy xuống đều đặn. Bụi đá bám dày trên đầu tóc quần áo mọi người. Chan chát tiếng búa, tóe ra những tia lửa...

Thợ chẻ đá ở bãi đá này được  phân ra từng nhóm. Một nhóm thợ chẻ đá thường có một thợ chính và từ 3-5 thợ phụ, có sự phân bậc rõ ràng. Thợ phụ là những người như tôi, mới vào nghề, còn ít kinh nghiệm, chỉ biết dùng cơ bắp để đào đất, xẻ đá, đục lỗ phá.

Thợ chính có thâm niên trong nghề, họ chọn đá, lấy thế, tìm vân... Một thợ phụ có thu nhập từ 15-20.000 đồng/ngày + cơm ăn hai bữa, còn thợ chính từ 100 – 150.000 đồng/ngày.

Những thợ giỏi, có mỏ riêng thuê thợ phụ về làm cho mình một ngày thu nhập dăm trăm nghìn là chuyện thường. Đá ở đây được người ta phân ra 3 loại vàng, trắng và xanh lơ.

Giá thành của mỗi loại đá cũng khác nhau. Đá ở Lộc Tiến   chủ yếu được khai thác theo kích thước 15 x 10 x 40cm. Người ta dùng  nó vào việc xây dựng nhà ở và nhiều loại công trình khác với giá thành từ 1.000 đến 1.200 đồng/viên, được đưa đi tiêu thụ nhiều nơi.

“Ăn” đá ở Càn Ăn ảnh 2
Cụt mất một bàn tay, anh Nguyễn Hồng vẫn phải bám nghề để mưu sinh

Và đá ... “ăn” người

11 giờ 30 chúng tôi được nghỉ tay. Sau bữa cơm trưa đạm bạc ngay tại cái lều nhỏ cắm gần chỗ khai thác đá, những người thợ đá không có thời gian nghỉ trưa, ai nấy quay sang mài dũa những vật dụng “cần câu cơm”  của mình. 13 giờ đúng, lại tiếp tục lao vào đục đá.

Ông Nguyễn Ngọc Chính, người làm đá từ lúc 16 tuổi đến nay tâm sự: “Nghề chẻ đá ở Lộc Tiến đã có từ lâu đời. Từ thời xa xưa người dân đã biết dùng đá núi làm gạch, làm cột nhà và cả làm phản để nằm. Thiên nhiên ở đây khắc nghiệt lắm, chỉ biết bám vào đá để sống”.

Lộc Tiến hiện có gần 300 người làm nghề chẻ đá. Ngoài mỏ Càn Ăn, còn một số mỏ khác như Trung Kiền, Thổ Sơn, Phú Hải... Anh Lê Tính, người theo cha làm nghề chẻ đá từ lúc 13 tuổi cho biết thêm: “Nghề ni cực nhất trong các loại nghề.

Thợ đá chúng tôi sợ nhất là trời mưa, trời mưa là nghỉ việc, là đói. Cũng có một số anh em vì miếng cơm manh áo mà trời mưa cũng đi làm, nhưng làm trời mưa sợ nhất là tai nạn, không chết thì tàn tật suốt đời”.

Vừa hì hục chẻ đá anh Tính vừa kể về những tai nạn gây tử vong và thương tích cho thợ chẻ đá nghe mà rợn cả tóc gáy. Ở Càn Ăn, chuyện thợ chẻ đá bị chết hay bị thương vì đá lở, đá lăn đè lên người là chuyện không có gì mới.

Ông Dương Quang Soài, trong lúc đang hì hục xẻ đá thì một tảng đá lớn bất ngờ đổ xuống và đè lên người. Người ta phải xúm lại chẻ nhỏ tảng đá ra, sau 4 tiếng đồng hồ mới gỡ được người ra khỏi đá.

Ông Thì cũng bị tảng đá khổng lồ đè lên người  làm ông chết ngay tại chỗ. Người ta phải dùng thuốc nổ phá vỡ tảng đá để đưa xác ông về. Một loạt cái chết kinh hoàng khác, như với trường hợp anh Huỳnh Văn, Hồ Hoàng, Nguyễn Hậu, Lê Nam... “Được chết ngay còn đỡ, chứ thương tật thì khổ hơn”- Ông Chính nói.

Anh Nguyễn Bảy, một người thợ chẻ đá, trong lúc đang nghỉ ăn cơm trưa, đá từ trên lăn xuống, đè nát luôn mấy ngón tay. Anh Trần Tiến trong lúc đang châm kíp nổ, bị phát nổ ngay trên tay và phải tháo luôn cả cánh tay.

Anh Nguyễn Đức Dĩnh từ một chàng trai khỏe mạnh đã phải chịu cảnh tàn phế suốt đời vì bị đá lở. Nhiều người bị đá lở làm dập mật, nát lá lách, rạn gan rạn phổi, nằm liệt suốt đời.

Đó là chưa kể đến hàng loạt bệnh tật khác do bụi đá, tiếng ồn, như đau mắt, lao phổi, điếc, thậm chí mắc bệnh thần kinh... “Cái nghề ni, vừa cực nhọc, chết lúc nào không hay, lại ba cọc ba đồng, nhưng ở xứ này không làm thì biết làm gì.

Con cái không có điều kiện học hành nên đành tiếp tục nối nghiệp” - Ông Chính ngậm ngùi.

MỚI - NÓNG