Anh khiếm thị đoạt giải hát ca

Anh khiếm thị đoạt giải hát ca
TP - Mù bẩm sinh, anh vẫn giành giải nhất một cuộc thi tiếng hát truyền hình.
Anh khiếm thị đoạt giải hát ca ảnh 1
Thầy Hưng (thứ ba hàng sau từ trái sang) cùng nhóm nhạc khiếm thị đồng ca

Lê Hoàng Gia Hưng ra đời giữa mùa đông lạnh giá năm 1976, trong một gia đình giáo dân ngoan đạo thuộc giáo xứ Vinh Đức, thôn Tân Hà 2 (Thống Nhất, Krông Buk, Đăk Lăk).

Quốc lộ 14 từ thành phố Buôn Ma Thuột về nơi Hưng sinh trưởng có nhiều đoạn đèo dốc mùa đông nào cũng bạt ngàn hoa quỳ vàng rực rỡ.

Hưng nghe mô tả, ao ước dù chỉ một lần được ngắm nhìn vẻ đẹp quê hương. Hưng khiếm thị bẩm sinh như nhiều người bên ngoại. Anh còn may mắn hơn cô em út tội nghiệp vừa mù vừa trí tuệ thiểu năng.

Thu nhập cả nhà trông vào hơn một hécta cà phê do cha Hưng cặm cụi vun xới.

Hưng lớn lên khỏe mạnh, hiếu động, giàu tình cảm, bơi lặn giỏi như rái cá và tỏ rõ năng khiếu âm nhạc.

Khi bạn bè đồng trang lứa vào mẫu giáo, lên tiểu học, Hưng được các cậu ruột thay nhau dạy ca hát, chơi đàn ghita, đánh trống, rồi nhập học trường Nguyễn Đình Chiểu TP Hồ Chí Minh.

Ham học chưa bằng nỗi nhớ nhà. Có lần trò Hưng cố tình sinh sự đánh nhau mong được bêu trước hội đồng kỷ luật nhưng nhà trường “bắt thóp”, không đuổi.

Năm 1997, nhà tu nữ dòng Phao lồ ở Buôn Ma Thuột chính thức mở trường chuyên biệt Vi Nhân. Hưng xin về học cho gần nhà, bắt đầu làm quen với máy tính cài phần mềm hỗ trợ âm thanh.

Lên cấp ba thì Vi Nhân  hết chữ, Hưng ra trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh học theo diện hòa nhập cộng đồng.

Khó nhất đối với học sinh khiếm thị dĩ nhiên là môn hình học không gian. Hôm thi tốt nghiệp, Hưng được ngồi phòng riêng để âm thanh cài trên máy tính không làm ảnh hưởng đến các thí sinh khác, được một giáo viên đọc đề cho chép. Và trung tâm rất đỗi tự hào khi học trò đặc biệt này tốt nghiệp PTPT loại giỏi.

Năm 2004, tỉnh Đăk Lăk tổ chức thi Tiếng hát Truyền hình. Được thầy cô động viên, Hưng mạnh dạn dự thi với hai ca khúc Trở về dòng sông tuổi thơ của Hoàng Hiệp và Đôi mắt Pleiku của Nguyễn Cường.

Giọng ca khi thâm trầm ấm áp, khi bốc lửa dữ dội của chàng trai vóc dáng mộc mạc thô tháp, đôi mắt nhắm kín bất động. Nhiều ý kiến tranh cãi về việc trao giải nào cho Hưng.

Một trong những tiêu chí quan trọng trước ống kính truyền hình là ngoại hình. Sự vượt trội của Hưng đã chiến thắng định kiến. Anh trở thành thí sinh khiếm thị đầu tiên và duy nhất cho tới nay giành phần thưởng cao nhất trong các cuộc thi Tiếng hát Truyền hình của cả nước.

Hưng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Khoa Nhạc-Đoàn-Đội. Vi Nhân lại rộng cửa đón cậu học trò giỏi năm xưa quay về làm thầy cho những lớp học sinh mới.   

Anh khiếm thị đoạt giải hát ca ảnh 2
Thầy Hưng dạy trò Phùng học chữ nổi Braille

Trả ơn  

Đồng nghiệp gần gũi Hưng nhất là thầy Quản Văn Ân. Ân nhỏ hơn Hưng hai tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Tài chính tỉnh Thái Bình thì bị tai nạn hỏng một mắt, mắt còn lại chỉ nhìn thấy lờ mờ.

Tăm tối ập đến bất ngờ khiến Ân suy sụp tưởng không gượng dậy nổi; một thời gian dài ám ảnh ý định tự sát . Một lời giới thiệu tình cờ đưa Ân đến với Vi Nhân.

Anh nhận ra những trẻ mù ở đây vẫn hàng ngày vui sống mà không hề than vãn. Bây giờ Ân là giáo viên nhận lương cao nhất ở Vi Nhân.

Sự mạnh mẽ tự tin của Lê Hoàng Gia Hưng tiếp nghị lực sống cho Ân quyết tâm làm lại tất cả, Ân tâm sự.

Lê Hoàng Gia Hưng cùng các nữ tu và nhiều giáo viên, cộng tác viên tạo nên một môi trường học tập rèn luyện thật an vui cho rất nhiều trẻ mồ côi, khuyết tật.

Vi Nhân thường xuyên có khoảng một trăm năm mươi học sinh từ mẫu giáo đến hết cấp hai được dạy chữ, dạy nghề và phát huy năng khiếu nghệ thuật.

Mỗi dịp khai giảng, tổng kết, quan khách ngồi xem chương trình văn nghệ sôi nổi rộn ràng của thầy trò Vi Nhân. Phần chào cờ thiêng liêng với lối hát quốc ca độc đáo bằng cử chỉ của nhóm học sinh khiếm thính khiến khán giả rơi lệ.

Ngày nào Hưng cũng dậy từ năm giờ sáng, vệ sinh điểm tâm rồi chạy ra điểm đón xe buýt của xã Thống Nhất, vượt chặng đường nửa trăm cây số để kịp giờ lên lớp.

Thu nhập của giáo viên Vi Nhân trên dưới 1 triệu đồng/tháng/người. Suốt ngày thầy Hưng quấn quýt bên học trò, dạy các em học bằng chữ nổi Braille, dạy cho các em luyện thanh, chơi nhiều loại nhạc cụ như organ, guitar, măng đô lin, kèn, trống.

Bốn giờ chiều tan trường, Hưng lại ra điểm đón xe buýt quay về huyện.

Nguyễn Thị Thuyết, một cô giúp việc trong trường xinh xắn, khỏe mạnh đem lòng yêu thầy giáo khiếm thị và lấy hết can đảm chủ động tỏ tình.

Sau hai năm tìm hiểu nhau, đôi bên tổ chức kết hôn, với sự tham dự của 800 khách tại tiệc cưới ở Buôn Hồ. Tháng 8/2008, bé Lê Trần Gia Hiến ra đời. lành lặn, mắt sáng. Gia Hưng ngồi lặng, lệ rơi.

Học trò cả trường đều tự hào khi khoe về người thầy của mình. Lê Thanh Phùng, học sinh lớp 7 khiếm thị viết báo tường tả thầy Gia Hưng như sau:

“Thầy hiền hậu, hòa nhã, hát rất hay, chơi đàn rất giỏi. Nhà xa nhưng thầy luôn đến lớp đúng giờ, không bỏ ngày nào. Thầy gặp khó khăn về đôi mắt nhưng chuẩn bị bài đến lớp rất đầy đủ, giảng rất tận tình, dễ hiểu. Ai cũng yêu quý thầy”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.