Ánh sáng từ ngôi nhà trên đỉnh Cấm

Ánh sáng từ ngôi nhà trên đỉnh Cấm
TP - Núi Cấm thuộc vùng Bảy Núi, huyện Tịnh Biên, An Giang, nóc nhà của miền Tây. Mất vài tiếng đồng hồ đi xe du lịch, xe ôm rồi băng rừng lội suối chúng tôi mới lên được căn nhà tôn xiêu vẹo, cô độc trên chót vót đỉnh núi.

Từ lâu, đó là mái ấm  của 11 đứa trẻ mồ côi bất hạnh. Những đứa trẻ bị bỏ rơi được bao bọc trong tình thương yêu của bà mẹ già và người con ngoài 40 tuổi.

Ánh sáng từ ngôi nhà trên đỉnh Cấm ảnh 1
Bà Ba trong căn nhà nghèo vật chất nhưng ấm tình người

Con đường đến với căn nhà bà Võ Thị Ba vắt ngang đỉnh núi Cấm gồ ghề đá. Phải đi chân trần gần 2 cây số mới đến được.

Trước cửa căn nhà nhỏ tỏa khói, chục đứa trẻ khôi ngô khoanh tay chào lễ phép mời tôi vào nhà. Đứa lớn nhất chỉ mới 6 tuổi, đứa nhỏ chập chững biết đi. Bên trong, căn nhà rộng khoảng 60m2 chia làm 2 phòng, phòng nào cũng có trẻ, đứa nằm võng, đứa đạp xe.

Bà Võ Thị Ba lụi cụi cho đứa bé mười mấy tháng tuổi uống sữa. Bà 70 tuổi, dáng người gầy nhưng giọng nói trong trẻo và bà còn minh mẫn. Chỉ tay vào chiếc cũi có đứa trẻ đang nằm, bà bảo:

“Nó là thằng út, tên Sơn Minh, mới 18 tháng tuổi, bị viêm phổi nặng từ khi sinh ra, bây giờ đã đỡ nhiều rồi”.

Kéo chiếc ghế cóc mời chúng tôi ngồi, bà bắt đầu câu chuyện: “Ngày mới đưa về, nó còn đỏ hỏn mà ho khẹc khẹc, nhìn mà thắt ruột. May trời phật phù hộ chứ không nó cũng bỏ anh em mà đi rồi”. Câu chuyện đứt quãng, thằng bé khuôn mặt khôi ngô đứng vịn vào thành cũi, tay ôm ống sữa ngây thơ nhìn người lạ.

Bà Ba đưa bàn tay quệt nước mắt rồi chỉ ra vườn: “Ngoài ấy có mộ Sơn Thành, nó mất khi vừa kịp đặt tên, 12 đứa giờ chỉ còn 11”. Bà kể Sơn Thành bị phù não, mẹ của bé sinh xong thì bỏ đi, trại trẻ mồ côi cũng không nhận.

Một mình bà ở luôn tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ chăm lo, chạy chữa cho cháu. Xuất viện về nhà, bệnh của Sơn Thành không giảm, cháu mất vào tháng 9 vừa qua. 11 đứa còn lại cũng đều bị bỏ rơi từ khi ra đời.

Ba bốn năm nay, bà sống nhờ nhà người con thứ nhất ở Cần Thơ, vào ra bệnh viện để giúp những người phụ nữ bất hạnh không có tiền sinh nở, không có khả năng nuôi con hoặc không dám nuôi con. Gần đây, sức khỏe yếu, bà nhờ đứa cháu gái thỉnh thoảng đến bệnh viện, thay bà cứu vớt những mảnh đời bị bỏ rơi. Khi nào có trẻ bị bỏ rơi thì đưa lên núi cho bà chăm sóc.

Ánh sáng từ ngôi nhà trên đỉnh Cấm ảnh 2
Anh Bông và những đứa con

Như là duyên số

Bà cưu mang những đứa trẻ là do cảm động trước hoàn cảnh éo le, như thành duyên số, như cách trả nợ cuộc đời. Sáu năm trước, trong một lần cùng con trai đi thăm bệnh, bà gặp một người con gái mới 17 tuổi nằm trên ghế đá kêu gào đau đớn vì không có tiền lo sinh nở.

Xót ruột, bà bỏ tiền làm thủ tục sinh nở rồi ở luôn trong bệnh viện chăm sóc cô gái trẻ và đứa con nhỏ. Khỏe lại, cô kể cho bà nghe hoàn cảnh: Quê cô ở Đồng Tháp, nhà nghèo nên phải đi chăn vịt thuê. Cô yêu một người trong ấp nhưng bị bỏ rơi khi người đàn ông hay tin cô có thai.

Xấu hổ, tủi nhục cô rời quê lên Cần Thơ, không một đồng xu dính túi. Kể xong câu chuyện, cô ngỏ ý nhờ bà nuôi đứa bé vì cô không thể mang nó theo. Bà ở lại chăm sóc cô đến ngày xuất viện, lo cho cô một khoản tiền đi đường rồi mang đứa con về đặt tên là Sơn Ngọc.

Từ đó, lần lượt 11 đứa trẻ, 2 gái 9 trai, được bà đưa về nhà nuôi. Con gái thì bà đặt tên là Cẩm Tiên, Cẩm Như, con trai thì Ngọc, Thành, Hương, Giàu… Đứa nào cũng có tên lót là Sơn, vì ở trên núi.

Sơn Giàu là đứa làm bà vất vả nhất, mẹ nó cũng nhỏ tuổi, gặp ca sinh khó nên phải mổ, vào bệnh viện mà không người thân thích. Nhưng phải có người thân ký biên bản các bác sĩ  mới mổ đẻ. Bà dìu cô gái tội nghiệp kêu gào mãi mà bác sĩ vẫn không đồng ý mổ.

Bà chạy ngược chạy xuôi, van nài rồi cả chửi mắng, cuối cùng bà ký vào văn bản và đưa cô gái trẻ đi mổ. Sơn Giàu sinh ra không khóc nổi, chỉ thở thoi thóp, các bác sĩ bảo nó không còn được sống bao lâu. Người mẹ trẻ dúi nó vào tay bà rồi bỏ đi. Bà nuốt nước mắt đưa nó lên núi, may trời phật thương nên nó sống sót, bây giờ khỏe mạnh hồng hào.

11 đứa trẻ chung nhau một niềm bất hạnh, chẳng đứa nào biết đến cha mẹ của mình. Một tay bà lo từng miếng ăn, giấc ngủ, thay tã, hát ru. Nhưng giờ đây, đứa nào cũng trắng trẻo mập mạp. Bà ghi lại rõ ràng tên tuổi, địa chỉ mẹ của từng đứa, sau này lớn lên, bà sẽ kể cho chúng nghe rồi tùy chúng quyết định có tìm về với mẹ ruột của mình hay không. “Chúng lớn rồi đấy chú ạ, thương nhau lắm, chẳng cãi nhau bao giờ”- Bà tâm sự.

Hạnh phúc của bà là mỗi ngày nhìn thấy chúng nói cười chạy nhảy. Nhờ chúng mà bà có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật. Bà vừa qua một trận ốm thập tử nhất sinh, người nhà đã đào huyệt cho bà bên cạnh cháu Sơn Thành, nhưng bà lại qua cơn hiểm nghèo.

Còn nằm điều trị nhưng bà trốn bệnh viện về vì nhớ các cháu. “Già rồi, ông trời kêu thì mình đi thôi, chỉ thương mấy đứa còn quá nhỏ, chưa thể tự lo cho mình”- Bà rưng rưng nói. Mấy đứa trẻ thi nhau chui vào lòng người đàn bà nhân hậu, ra chiều an ủi.

Nỗi niềm của người cha

Chiều trên đỉnh núi yên tĩnh. Những vệt nắng xuyên qua lỗ thủng mái căn nhà cũ. Bà xoa đầu từng đứa trẻ rồi nhóm bếp nấu cháo, pha sữa cho chúng. Bỗng mấy đứa trẻ chạy ào ra cửa gọi “cha” í ới. Người đàn ông gầy còm, da đen sạm bước vào nhà với nụ cười hiền hậu.

Anh lần lượt bế từng đứa trẻ lên nựng nịu rồi đặt xuống, đứa nào cũng tranh nhau chui vào lòng cha. Anh là Nguyễn Tấn Bông, 45 tuổi, người con thứ hai của bà Ba, người sẽ nối nghiệp mẹ lo cho lũ trẻ. Anh đã từng đi bộ đội, phục viên làm một chân phường đội ở Cần Thơ.

Năm 1991, anh bỏ phố đưa mẹ lên núi khai hoang lập nghiệp. Gia sản của mẹ con anh bây giờ là 10 ha đất trồng hoa màu và căn nhà nhỏ.

Hỏi đến thu nhập anh gật gù: Đủ lo cho các cháu! 6 năm qua, mình anh trồng rẫy, thu hoạch, cõng trái cây, hoa màu xuống núi bán đổi lấy gạo, sữa, tã lót, đồ chơi, sách vở… cho bầy con của mình, không đứa nào thiếu thứ gì.

Anh tâm sự, lúc đầu cố gắng làm lụng nuôi một hai đứa trẻ vì thương mẹ, sau này năm nào mẹ cũng đưa trẻ về nhà, anh càng vất vả hơn nhưng cũng thấm thía lòng hy sinh của mẹ, thế là thành tâm nguyện luôn. Hàng ngày, anh cố gắng làm lụng để lo sinh hoạt trong nhà chu tất, đêm đến quây quần bên lũ trẻ, chơi đùa và dạy chữ cho chúng. “Nhìn lũ con ngoan hiền, lúc nào cũng thấy mình rất trẻ ra”- Anh nói.

Tôi hỏi đến chuyện lấy vợ, anh chặc lưỡi: “Già rồi, ai người ta để ý, mình không có vợ mà có 11 đứa con, sướng quá còn gì”. Nói rồi anh vô tư cười. Anh có đôi mắt rất giống mẹ, trong trẻo và rất hiền lành. Trong đó là tâm nguyện dành trọn đời cho những đứa con còn hơn rứt ruột đẻ ra.

“Rồi nhà báo xem, mươi năm nữa chúng lớn khôn, tha hồ mình sướng” - Anh vừa nói vừa véo tai mấy đứa trẻ để đùa nghịch với chúng. Anh chỉ mong ông trời cho mình thêm sức khỏe để làm lụng kiếm thêm tiền lo cho các cháu đi học. Trường học xa tận dưới chân núi, cách gần 7km.

Ánh sáng từ đỉnh núi

Anh tính mua một căn nhà khoảng 100 triệu đồng gần trường để chúng có thể ở mà đi học cho gần. Cả đời anh dành dụm chỉ mới được phân nửa. Còn lại đã mua cái máy phát điện để thắp đèn cho tụi nhỏ thấy đường, đêm đi khỏi vấp ngã.

“Mình cố gắng thêm chút nữa, ông trời thương cho mưa thuận gió hòa là đủ tiền cho chúng đi học thôi chú ạ. Phải cho chúng cái chữ để lớn lên không khổ như cha nó” - Anh nói. Sơn Ngọc là đứa lớn nhất, sang năm đã đến tuổi vào lớp Một.

Hiện tại, mấy đứa lớn đã có thể đọc, viết được chữ cái do anh dạy. Đứa nào cũng có đủ sách vở để luyện chữ. Một mình anh dạy dỗ, kèm cặp từng nét chữ cho từng đứa. “Tụi nó ngoan và thông minh lắm, đứa bảo lớn lên  làm giáo viên, đứa thì làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà và cha, thật là hiếu thảo”- Anh nói trong sự tự hào và hy vọng.

Gần tối, từng đứa trẻ ngoan ngoãn ra vòng tay tiễn khách. Bóng hai con người gầy còm trùm lên 11 đứa trẻ vẫy tay. Đi xa, tôi ngoảnh lại, ngôi nhà đã chìm trong nhá nhem cây rừng nhưng tôi như thấy còn sáng mãi cái ánh sáng của lòng hy sinh cao thượng, ánh sáng ấm áp của tình nhân hậu rực rỡ đỉnh núi.

MỚI - NÓNG