Ba lần bị bán làm vợ - Kỳ 2

Ba lần bị bán làm vợ - Kỳ 2
TP - Chính từ giã đời con gái trong một đêm gió bão, với một ông già 60 tuổi. Lặng lẽ chịu đựng, Chính nung nấu ý chí trở về cố quốc. Mười ba năm với biết bao cơ cực, đắng cay, cuối cùng cô đã tự tìm đường giải thoát cho mình.

>> Ba lần bị bán làm vợ - Kỳ 1

Ba lần bị bán làm vợ - Kỳ 2 ảnh 1
Nguyễn Thị Chính và ông Ninh ngồi kể lại chuyện bị lừa gạt - Ảnh: Quang Long

Về nhà chồng

“Vài tuần đầu ở với người đàn bà tên Dung, hằng ngày em phải đi đào khoai, ra ruộng cày cấy. Quanh em, có nhiều phụ nữ Việt Nam, già có, trẻ có. Em đoán họ cùng chung cảnh ngộ như em, bị lừa gạt, đưa qua biên giới!”, Chính kể chuyện cho chúng tôi nghe, ngay tại mảnh sân nhà mình.

Chứng kiến cảnh phụ nữ bị hành hạ, có người hóa điên xé hết quần áo, bị chủ đuổi ra đường, Chính rất kinh hãi. “Ai trái ý bà Dung, liền bị mấy thanh niên dữ dằn “xử lý” ngay. Nhiều người bán rồi, bị chê, trả lại, đệ tử của bà Dung đánh đập không thương tiếc!”, Chính kể.

Mẹ mìn Dung là người Việt. Một hôm bà ta dẫn về một thanh niên, giới thiệu: “Nó lái xe, có thu nhập, mày về ở với nó chỉ làm mấy việc lặt vặt trong nhà, nấu cơm, giặt giũ!”.

Không cần biết Chính đồng ý hay không, bà Dung ép Chính lên xe. Xứ người lạ lẫm, ngôn ngữ bất đồng, bước lên xe tim đập loạn nhịp.

Cô càng hoảng hơn khi xe vừa lăn bánh, hàng ghế sau một ông già hom hem móm mém mon men mò đến chỗ Chính ngồi. Ông ta ra hiệu, ý nói, cô về làm vợ ông ta chứ không phải gã thanh niên đang lái xe...

Đời con gái, về nhà chồng thế này ư? Chính tủi thân bật khóc, nước mắt tủi phận thấm đầy vạt áo.

Không đám cưới. Không đưa đón. Không nội ngoại. Không bạn bè. Chiếc xe cũ kỹ chở cô gái trẻ và ông già còn hơn cả tuổi người bố ở quê nặng nề lăn bánh rướn lên triền dốc, thả cô vào một vùng quê nghèo xơ xác.

Đêm tân hôn, trời bỗng nổi cơn thịnh nộ. Mưa tuôn xối xả. Trên chiếc giường ọp ẹp, Chính nằm bất động, không khóc được nữa.

Lại bị bán tiếp

“Phải chạy trốn!”, ý nghĩ này bám riết lấy Chính. Sau vài tháng sống với người chồng già nua cô chưa biết tên, nhân buổi đi chợ mua thức ăn, Chính bỏ chạy ra phía thị trấn.

Cô vật vờ, lang thang trên đường, không có chỗ trú chân. Cái đói bắt đầu ập đến hành hạ, kèm theo cơn khát. Từ sáng đến chiều chưa có miếng gì vào bụng, cô lả đi. Thấy vũng nước bên đường, cô cúi xuống. Nước dù bẩn cũng làm hạ cơn khát.

Màn đêm buông xuống kéo theo lạnh giá. Chính ngồi co ro bên lề đường, ở một góc khuất. Một người phụ nữ đi tới, bà ta nói tiếng Việt: “Cháu quê ở đâu? Sao lại một mình giữa đêm hôm mưa gió thế này?”.

Nghe tiếng mẹ đẻ, cô òa khóc, thuật lại chuyện bị lừa bán. Người đàn bà ôn tồn: “Đi theo dì, dì sẽ tìm cho cháu một công việc ổn định, sau này có điều kiện thì về với cha mẹ!”. Chính thở phào, mỉm cười. Nụ cười hiếm hoi.

“Em nhớ bà ta tên là Cát!”, Chính nói. Bà Cát đưa cô về nhà, cho làm nội trợ. Nguyễn Thị Chính đổi tên thành A Heng. Phải đổi tên vậy để tránh sự truy lùng của mẹ mìn Dung.

Tưởng bà Cát tốt bụng. Ai ngờ, chưa đầy tháng sau, bà ta đem cô đến bán cho một thanh niên trong làng. Vị hôn phu mới của cô là một người bị bạch tạng, tính tình ngớ ngẩn.

Vợ chồng em sống chung với ông bà nội - Chính kéo dài chữ chồng, xót xa - “Ông bà già này chỉ sinh được cậu con trai duy nhất, thần kinh không bình thường, nên chiều chuộng lắm.

Em mang tiếng là con dâu, nhưng chẳng khác gì đứa ăn nhờ, ở đậu. Hằng ngày, ngoài việc phục dịch cơm nước, giặt giũ và làm vợ, em phải ra nương làm hùng hục.

Bất kể trời mưa hay nắng, ngày hai buổi vác cuốc lên nương cuốc đất trồng vải. Sống với nhau gần một năm, nhưng chưa bao giờ anh ta cho em một đồng. Mua gì, bán gì, anh ta bảo đến xin bố mẹ, khổ lắm!”.

Tôi hỏi Chính, chồng cô tên gì? Chính nói, cô chẳng nhớ. Chính cười khô khan: “Có lần, em hỏi bằng tiếng Trung, “Anh có yêu em không?”. Anh ta lắc đầu, bảo “Không biết!”.

Em nói rồi, thần kinh anh ta không bình thường mà, lúc nóng lúc lạnh. May mắn là, anh ta không phải người vũ phu, chỉ hơi đần độn một tý thôi, nhưng như thế cũng chán anh ạ!”, Chính lặng đi.

Trốn đi đâu?

Hồi làm vợ ông già 60 tuổi, Chính có quen một thiếu nữ Việt Nam tên là A Hồng. A Hồng quê ở Thanh Hóa, bị mẹ mìn lừa gạt, bán sang Trung Quốc làm vợ cụ già 80 tuổi.

Cô nhờ người chở đến nhà A Hồng, tâm sự: “Tớ muốn trốn đi, cậu có cách gì giúp tớ không?”. A Hồng khóc: “Nếu trốn chạy được khỏi nơi đây, thì tớ đã không phải chịu cảnh tủi nhục như thế này. Biết đi đâu?”. Hai cô gái cùng cảnh ngộ ôm nhau, nước mắt lăn dài.

Chỗ Chính sống là một vùng hẻo lánh, đồi núi bạt ngàn. Chính kể, xung quanh cô có hàng chục phụ nữ Việt Nam rơi vào cảnh ngộ tương tự.

Kẻ may mắn thì lấy được người chồng tử tế, con cái đề huề. Người đen đủi thì rơi vào gia đình nghèo đói, hoặc vớ phải ông chồng vũ phu, suốt ngày hành hạ, đánh đập vợ.

Có người suốt đời bị cầm chân trong gian nhà lạnh lẽo, không được bén mảng ra ngoài. Có người không chịu được, bỏ đi biền biệt.

Bỏ trốn! Lần thứ hai, Nguyễn Thị Chính tìm cách trốn chạy. Cô thuê chiếc xe ôm, chạy nửa ngày trời. Chính không thể về Việt Nam, vì không đủ tiền, không biết đường, không thạo tiếng.

Cô lên xe, bảo đi đi, nhưng cũng chẳng biết mình sẽ phiêu dạt nơi đâu. Vòng xoáy nghiệt ngã đẩy cô đến với một người đàn bà Việt Nam, người này mang Chính đến bán cho một anh thợ nề tên là A Kim. “Người ta mua bán, trao đổi em như món hàng!”, Chính tủi thân.

A Kim có 4 anh em, ngày đi làm thợ nề, tối về nhà. A Kim trai tráng khỏe mạnh nhưng tính tình hung bạo. “Mỗi lần say rượu hoặc vợ chồng xích mích, anh ta đánh em lên bờ xuống ruộng, mạt sát thậm tệ.

Có hôm anh ta rượt đuổi em chạy lên đồi, em bị ngã, tay đập vào tảng đá, suýt bị gãy!”, Chính giơ bàn tay cho tôi xem. Những ngón tay gầy guộc, chai sạn.

Mưa dập gió vùi, đắng cay, bất hạnh, Chính càng nung nấu ý định phải về lại quê nhà. “Phải sống để về với mẹ!”, cô tự nhủ. Âm thầm chịu đựng chung sống với người thợ xây, Chính sinh cho anh ta hai đứa con: Pun Cẩm Thịnh (10 tuổi), Pun Lưu Lổng (9 tuổi). Những đứa con giúp cô nguôi ngoai phần nào nỗi cơ cực, nhục nhằn.

Đầu tháng 12-2009, khi đã tích góp được một số tiền trong tay, nói thạo tiếng Trung, Chính dò hỏi tìm đường về nước. Về thì bỏ lại hai đứa con. Bỏ con ra đi là điều cô khổ tâm nhất, nhưng cô không thể mang con trốn chạy. Sau nhiều ngày cân nhắc, cuối cùng cô quyết định vẫn phải lên đường.

Về cố quốc

Hồ Thị Công đang lúi húi bên đống rơm. Thoáng thấy bóng mẹ, Chính quăng chiếc túi xách, lao đến. “Mẹ!”, cô chỉ thốt lên được một câu, ngất xỉu.

Bà Công đứng như trời trồng. Bà run run ôm con gái vào lòng, xoa lên đầu con. Hai mẹ con họ chẳng nói được câu nào. Người mẹ khóc không thành tiếng.

“Mười ba năm rồi! Mẹ vẫn chờ con! Mẹ tin con sẽ trở về!”.

Ngày 28-12-2009, Chính lặng lẽ thu xếp hành lý, từ biệt con, cùng 10 người phụ nữ khác lên xe, chạy về biên giới. 11 số phận với cảnh ngộ giống nhau, một ở Thanh Hóa, mười người ở Nghệ An, từng bị lừa gạt bán sang Trung Quốc đồng hành trên một chuyến xe. Họ qua sông trên một chuyến đò.

Chạm vào đất Việt, tất cả òa khóc. Chính khóc vì tủi hận, khóc vì hoang mang. Mười sáu tuổi, cô gái đốt than nghèo khổ ra đi, mười ba năm đằng đẵng sống trong sợ hãi, lo âu, giờ tên làng xã ở đâu, Chính cũng không nhớ.

Cô chỉ nhớ mình quê ở Nghệ An. Quê cô có chợ Vân. Nhà của cô ở xóm Trang Họ (nay là thôn Nam Hoa - PV). Cô bảo với mọi người cho cô về chợ Vân. Đến chợ Vân ắt tìm được đường về nhà.

Chính cũng nhớ hồi nhỏ theo cha xuống thăm cậu ở làng dưới, hai cha con đi qua cái ngã ba, bên cạnh ngã ba có nghĩa trang liệt sỹ. Hình ảnh này hiện về trong tâm trí Chính. Xe chạy đến đất Nghệ An, cô nhoai lên đầu cabin, tìm cái ngã ba quen thuộc. Những người cùng cô chạy trốn đều quê ở miền núi, không ai biết chợ Vân và cái ngã ba Chính mô tả nằm ở đâu.

Chiếc xe khách lướt nhanh qua địa phận Quỳnh Lưu. Ngã ba Quỳnh Xuân xuất hiện, nghĩa trang nằm bên phải đường. Tim Chính đập rộn lên. Cô đập mạnh vào thành xe, ra hiệu xin xuống. Một người lái xe ôm áp tới, hỏi về đâu. Chính bảo: “Cho cháu về chợ xóm Trang Họ!”. “Bốn chục ngàn đồng!”, xe ôm ra giá. Chính gật đầu lia lịa, phốc lên xe.

Chiếc Wave tàu rồ ga, chạy một mạch đến Quỳnh Trang, đến Trang Họ. Vào đến làng là Chính có thể tự tìm được đường về nhà mình. Cô sấp ngửa men theo kênh Thác. Căn nhà cũ hiện ra trước mặt. Chính đứng lặng đi, cô hiểu cuộc sống của cô đã thực sự sang một trang mới.

Trưởng Công an xã Quỳnh Trang Đoàn Văn Phú cho biết: “Gia đình Nguyễn Thị Chính đã có đơn tố cáo hành vi lừa đảo của người đàn bà tên Lan ở Quỳnh Phương. Hồ sơ vụ án được Công an xã Quỳnh Trang củng cố, chuyển lên Công an Hoàng Mai. CA Hoàng Mai đã triệu tập đương sự, lấy lời khai để làm rõ vụ việc”.
MỚI - NÓNG