Ba ông cá nghìn tuổi!

Ba ông cá nghìn tuổi!
TP - Giếng Ngọc thuộc làng Viêm Xá (còn có tên gọi khác là làng Diềm, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có ba con cá được dân làng kính trọng gọi là ông cá thần. Theo truyền thuyết, các ông đã sống được hàng nghìn tuổi...
Ba ông cá nghìn tuổi! ảnh 1
Khách thập phương thăm giếng Ngọc

Giếng Ngọc có hình vuông, nước trong vắt. Thành giếng gồm 4 lớp, cổ giếng, lớp gạch, gỗ và cuối cùng là phiến đá tự nhiên tạo thành đáy giếng. Bán kính miệng giếng khoảng hơn một mét. Chiều sâu theo ước tính khoảng 14 mét. Giếng được hình thành do có mạch nước ngầm chảy từ ngọn núi Kim Lĩnh gần đó về và chưa bao giờ cạn.

Dù không ít năm xảy ra hạn hán lớn, các nguồn nước trong làng đều cạn kiệt nhưng giếng Ngọc vẫn trong lành, ăm ắp nước. Dân làng còn cho rằng, vì uống nước này nên giọng hát quan họ của người làng Diềm thường hay hơn hẳn các vùng khác. (Đây cũng là nơi có đền Vua Bà thờ thủy tổ quan họ -PV).

Những cô gái lấy chồng làng Diềm khi uống nước cũng sẽ đẹp hơn. Nhiều người còn nói, uống nước giếng ở đây còn có tác dụng chữa các bệnh liên quan đến đường ruột.

Giếng Ngọc còn được mọi người biết đến bởi sự có mặt và những câu chuyện kỳ lạ về ba ông cá. Truyền thuyết xưa kể rằng, có hai nàng công chúa là Ngọc Dung và Thủy Tiên, con một vị vua thời Lý đã về đây, thấy phong cảnh hữu tình nhưng cọp beo quấy phá. Các nàng xin vua cha ở lại để cùng với dân giữ bình yên cho quê hương, xây dựng kho tàng giúp nước, giúp dân. Khi viên tịch, hai nàng hóa thành cá chép và cư ngụ tại giếng Ngọc suốt từ đó cho tới nay. Như vậy, tính ra các ông cá (hay bà cá) đã suýt soát... nghìn tuổi!

Ba ông cá nghìn tuổi! ảnh 2
Những ông cá làng Diềm

Lý giải về việc có hai nàng công chúa nhưng lại có tới ba ông cá, mọi người cho rằng, một ông chính là người thân cận luôn bên cạnh để hầu hạ. Bản thân các ông cũng chỉ ăn những loại thủy sinh trong giếng chứ không cần tới bất cứ một sự chăm sóc đặc biệt nào.

Ông Bích năm nay 63 tuổi, quản lý tại khu di tích này cho biết, trận lụt năm 1971, nước ngập đến lưng đền. Khi nước rút, vẫn thấy các ông nhẩn nha bơi lội trong giếng. Đận rét năm 2008, cá nhiều nơi phơi bụng trên mặt nước, các ông… bỗng biến mất. Có người cho rằng, chắc các ông lạnh quá nên đã thăng. Nhưng đến khi nắng ấm, các ông bỗng trở lại, tung tăng bơi lội. Để ý kỹ, thì thấy trên đầu các ông còn dính một ít bùn.

Điều khá đặc biệt nữa là không có một loài cá nào dung thân được trong đó. Cách đây mấy năm, nhiều khách thập phương tìm những con cá chép nhiều màu sắc để giúp các ông có thêm người sai bảo. Nhiều người đi lễ thả những đồng xu xuống giếng để cầu lộc, cầu tài khiến cho nước giếng bị ô nhiễm nặng.

Đám cá mới thả không chịu được nổi lềnh phềnh trên mặt nước nhưng ba ông cá vẫn bình an vô sự. Dân làng đành đem phóng sinh và vét sạch tiền dưới đáy giếng. Cũng từ đó, không ai có ý định thả thêm bất cứ một loài cá nào cũng như các loại tiền và vật dụng khác xuống lòng giếng.

Ngày xuân đến, khá nhiều người lại tìm về với đền Cùng, giếng Ngọc để thắp hương, cầu tài, khấn lộc và để chiêm ngưỡng ba ông cá thần bơi lội nhẩn nha dưới dòng nước xanh mát. Nhìn bề ngoài, các ông có trọng lượng trung bình ước gần 2 kg. Màu sắc bên ngoài mỗi ông một vẻ: ông thì màu đỏ, ông có màu hơi nâu, ông màu xám nhạt. Nhìn kỹ có thể nhận ra nhiều chiếc vảy đã bong tróc.

Hằng năm, cứ vào mồng ba tháng ba âm lịch, làng lại tổ chức thay nước trong giếng để tạo môi trường trong lành cho các ông.

Trước đây, phải là những nam thanh, nữ tú, chưa vợ, chưa chồng và phải tắm rửa sạch sẽ, được sự nhất trí của làng mới được xuống tát nước. Bây giờ, có máy móc nên việc hút nước trong giếng cũng đơn giản hơn nhưng cũng phải mất gần một ngày mới cạn.

Khi gần cạn, các ông cá được đưa lên ba phiến đá xanh sạch sẽ giữa sân đình. Nạo hết bùn dưới đáy, người ta mới cẩn thận đưa các ông về với ngôi nhà của mình. Những cốc nước đầu tiên từ giếng Ngọc cũng được trang trọng đưa đến các ban thờ để cúng trước khi mỗi người lấy về nhà mình.

Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Long cho hay: “Chưa có tài liệu nào viết về các ông cá này và cũng chưa có công trình nghiên cứu nào về loài, tuổi và giới tính của các ông”.

Nhìn bề ngoài thì có thể thấy các ông thuộc họ cá Chép. Trong bao nhiêu năm, cá hầu như không có sự phát triển đáng kể và chưa hề thấy có hoạt động sinh sản từ các ông cá này. Bản thân ông Hoan từ bé đã nghe nói đến sự có mặt của các ông cá ở giếng Ngọc.

MỚI - NÓNG