Bắc Kinh, Thượng Hải du ký

Bắc Kinh, Thượng Hải du ký
TPCN - Tuy chưa đến mức phải choáng ngợp nhưng ai nấy đều trầm trồ về quy mô và sức sống sôi động của cảng hàng không Bắc Kinh với hơn 400 cầu cảng và 3.000 lượt máy bay lên xuống mỗi ngày.
Bắc Kinh, Thượng Hải du ký ảnh 1
Hai bên bờ sông Hoàng Phố

Từ sân bay, hai hàng bạch dương thẳng tắp suốt chiều dài 18km như hai hàng tiêu binh xanh dẫn chúng tôi vào nội thành. Điều ngạc nhiên đầu tiên là đường phố Bắc Kinh không hề có bóng dáng xe máy, chỉ xe hơi nối tiếp xe hơi như một dòng chảy bất tận.

Người hướng dẫn viên cho biết: Bắc Kinh có trên một nghìn chiếc cầu vượt nhiều  tầng nhưng mà vẫn không thoát khỏi cảnh ùn tắc nghiêm trọng, bởi một số lượng xe hơi khổng lồ – trên 3 triệu cái lưu hành trong thành phố.

Hàng ngày viên chức tới nhiệm sở sáng mất hai tiếng đi, chiều hai tiếng về, mặc dù phương tiện giao thông công cộng đã được bố trí một cách khá hoàn hảo.

Hoạt động đầu tiên của đoàn ngay tối đặt chân tới Bắc Kinh là xem biểu diễn Công Fu. Vở nhạc kịch bằng võ thuật Thiếu Lâm Tự với hàng trăm diễn viên, đặc biệt có hàng chục diễn viên nhí dưới 10 tuổi mà tất cả đều điêu luyện điệu nghệ.

Vở nhạc kịch là nội dung câu chuyện: Một môn sinh nhập đạo qua những thử thách cực kỳ nghiêm khắc, và con đường khổ luyện về bản ngã làm người. Nhà hát chật kín không còn một chỗ trống, mà chủ yếu là khách Âu, Mỹ.

Sự tán thưởng bằng những tràng vỗ tay vang lên như sấm dậy không ngớt. Qua đêm diễn, chắc bạn không chỉ muốn giới thiệu với thế giới về trình độ nghệ thuật hiện đại siêu việt, mà sâu xa hơn là bản sắc nền văn hóa dân tộc Trung Hoa đã được gìn giữ trường tồn.

Điều thu hút và khâm phục của du khách tới Bắc Kinh không chỉ bởi tính hiện đại đương đại của nó, mà chính ở những kỳ quan kiến trúc mang tính văn hóa lịch sử vĩ đại lâu đời.

“Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”, dẫu chẳng bao giờ mơ mình thành hảo hán. Song từ lâu câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông đã thôi thúc trí tò mò, và tôi thầm hứa trong đời sẽ quyết một lần đến được Trường Thành.

Điều đó đã thành hiện thực, trước mắt tôi giờ đã là Vạn Lý Trường Thành, 1 trong 7 kỳ quan thế giới, được khởi xướng xây đắp từ năm 208 trước công nguyên, dưới thời Tần Thủy Hoàng rồi được tiếp tục nối dài, tôn cao qua các thời nhà Hán, nhà Tùy, Ngũ Đại Thập Quốc, và nó thực sự trở nên nổi tiếng do công cuộc xây dựng từ cuối thế kỷ 14 tới đầu thế kỷ 17 dưới triều đại nhà Minh.

Đó là Tử Cấm Thành gắn liền với quảng trường Thiên An Môn tráng lệ do Minh Thành Tổ dời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh xây năm 1407 đến năm 1420, với 9.900 phòng ốc diện tích 150.000 mét vuông, được kết tinh bởi tinh hoa kiến trúc, phong thủy nhiều đời.

Nói về quy mô của nó người ta ví, nếu có một đứa trẻ được sinh ra và giữ lại ở mỗi phòng 2 ngày thì khi chuyển hết các phòng cháu đã là một thanh niên cường tráng 27 tuổi.

Đó là cảnh sắc đẹp mê hồn của Di Hòa Viên (vườn nuôi dưỡng sự ôn hòa) thể hiện nghệ thuật hoa viên truyền thống vào bậc nhất Trung Quốc, có lịch sử tồn tại 800 năm từ đời nhà Tấn. Năm 1750, vua Càn Long xây Thanh Y Viên tại đây mừng sinh nhật mẹ.

Qua rất nhiều lần sửa chữa, với rất nhiều tên gọi, và cũng tốn không biết bao nhiêu ngân khố quốc gia của nhiều thời, để đến năm 1898, sau 10 năm trùng tu, Từ Hi Thái Hậu đặt tên là Di Hòa Viên.

Đó còn là Thập Tam Lăng, một quần thể lăng tẩm độc nhất vô nhị của 13 triều đại vua chúa nhà Minh, được xây dựng từ năm 1584. Năm 1956 chính phủ Trung Quốc cho khai quật lăng Chu Di Quân - ông vua thứ 13 hiệu là Vạn Lịch.

Ở độ sâu 27m dưới mặt đất ta gặp hầm mộ rộng lớn với kiểu dáng kiến trúc đặc sắc, bài trí quan tài của Hoàng đế, Hoàng hậu, Phi tần, báu vật… hàm chứa mọi tập tục cao quý tôn nghiêm và huy hoàng thời bấy giờ.

Không có lý lẽ nào để biện minh cho tội lỗi, cho việc dùng mồ hôi nước mắt, cả xương máu của nhân dân để thỏa mãn đời sống vương giả xa hoa, tàn bạo của các triều đại phong kiến Trung Hoa.

Song có lẽ cũng phải có cách nhìn bằng con mắt lịch sử, biện chứng và công bằng hơn. Bởi chính những công trình kiến trúc hùng vĩ ấy là di sản vô giá để nhân loại biết đến  một Trung Quốc vô cùng vĩ đại có nền tảng tự cổ xưa.

Với hàng trăm triệu lượt du khách đến mỗi điểm du lịch này hàng năm, góp phần làm cho thị trường của quốc gia 1,4 tỷ dân ngày càng giàu có và năng động, đây cũng là cách để của cho con cháu muôn đời.

Đi qua cái náo nhiệt sầm uất của những siêu thị, những cao ốc chọc trời, rồi thả hồn mình vào những công viên xanh, những đường phố sạch, cái dịu nhẹ của những dòng người thả bước khoan thai trên phố đi bộ tĩnh lặng mới thấy hết một Bắc Kinh hài hòa hiện đại mà thâm hậu, sâu lắng.

Tiếp tục cuộc hành trình, 19h ngày 30/10, xe đưa đoàn chúng tôi tới sân ga Bắc Kinh đáp tàu hỏa cao tốc về Thượng Hải. Cả nhà ga và sân ga Bắc Kinh như một biển người rùng rùng chuyển động.

Sợ chúng tôi  bị lạc, bị mất cắp người hướng dẫn luôn luôn nhắc nhở yêu cầu mọi người phải đội mũ lên đầu (cái mũ trắng do công ty du lịch trang bị) bám chắc đội hình đi theo lá cờ giương cao trên đầu họ. Qua cửa soát vé, con đường lên tàu thênh thang, phòng ngủ trên tàu sạch sẽ và lịch sự.

Tôi “lạc” chung phòng với 5 bạn Trung Quốc, 4 nữ 1 nam. Tàu rời ga chưa xa, đêm xuống cũng chưa sâu dưới ánh điện lờ mờ tôi đã chứng kiến cảnh lăn lóc của tình yêu nam nữ, tự nhiên tới quá mức bình thường ở tầng 1 giường đối diện như một sự “khiêu khích”.

Rồi cũng may do cái mệt mỏi qua 3 ngày tối mặt tối mũi với cuộc hành trình đã dìm tôi vào giấc ngủ. Tàu chạy thật êm, thật nhanh, giấc ngủ của đêm đã đưa tôi vượt qua 1.650km đến Thượng Hải.

Nếu sự nổi trội của Bắc Kinh là ẩn chứa trong dáng vẻ cổ kính, thì Thượng Hải lại được phô ra tầm vóc hiện đại của nó. Thượng Hải là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, là hải cảng quan trọng, trung tâm thương mại tài chính ngân hàng sầm uất và công nghiệp hiện đại bậc nhất Trung Quốc.

Sừng sững bên bờ đông của sông Hoàng Phố, Phố Đông chính là câu trả lời cho khát vọng phát triển của Thượng Hải trước những năm tám mươi của thế kỷ 20.

Người ta kể lại rằng khi Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình về chữa bệnh ở Thượng Hải thấy bên bờ đông sông Hoàng Phố vẫn tàn tạ tối tăm, hỏi lãnh đạo thành phố và được biết dân cho rằng ở đấy không lợi về phong thủy, nên không ai muốn đầu tư mở mang.

Ông Đặng im lặng rời Thượng Hải, và sau đó là những quyết sách của Trung Nam Hải cho phép Thượng Hải mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài vào bờ đông sông Hoàng Phố.

Để rồi chỉ sau 15 năm, Thượng Hải trở thành một trung tâm kinh tế thế giới, những làn sóng người nước ngoài đổ xô về đây tìm vận may, 13 năm liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số.

Cái ưu việt của dự án, những công trình của Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung, bao giờ cũng đạt được mục tiêu lợi ích tổng hợp, khai thác đa ngành.

Ví như tháp truyền hình Minh Châu, đâu chỉ để thu hút phát sóng truyền hình, nó còn là siêu thị thương mại, cảnh quan cho du lịch… Với nhịp độ phát triển như vũ bão, trên nền tảng tư duy đó, Trung Quốc đã biến cảnh hoang tàn bên bờ đông sông Hoàng Phố thành trung tâm tài chính Pudong.

Với hơn 2.000 tòa nhà chọc trời, tháp truyền hình Minh Châu cao vút. Với những “đại kiều”, những hầm vượt nối 2 bờ đông, tây để mở hết 2 cánh cửa Thượng Hải, một “thành phố dựng đứng” soi mình vào dòng sông – dòng ánh sáng muôn màu Hoàng Phố mỗi hoàng hôn xuống, đêm về.

Để người Thượng Hải tự hào mà so sánh ví von là: Ai đến Thượng Hải mà không thăm tháp truyền hình  Minh Châu, không du thuyền trên sông Hoàng Phố, thì chẳng khác gì tới Paris không đến sông Xen, không thăm tháp áp Phen.

Thế mới biết cái khác thường của tầm vĩ nhân, một cái nhìn, một quyết định đã biến Thượng Hải thành thiên đường huyền diệu. Thượng Hải dư sức để quyến rũ và mê hoặc, song cái phanh thời gian đã buộc chúng tôi phải rời Nam Kinh vào tối 31/10 để bắt đầu cuộc hành trình trở về .

Tàu qua Tô Châu “thiên đường của hạ giới” cái danh lam trù phú ấy mà người đời đã quen gọi từ ngàn xưa, Dẫu không được dừng lại để chiêm ngưỡng, song cái thần của bài thơ Phong Kiều dạ bạc bất hủ của nhà thơ vĩ đại Trương Kế hơn một nghìn năm trước “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong như hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự/ Dạ bàn chung thanh đào khách thuyền”.

Rồi bản dịch tài hoa của thi sĩ Tản Đà “Trăng tà tiếng quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ/  Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn” đã dựng tôi dậy cho đến khi tàu ra khỏi ranh giới Tô Châu rồi mà cứ trằn trọc miên man không sao nhắm mắt được.

Và tự nhiên thấy tiếc nuối về sự mất mát quá lớn những di sản vật thể, phi vật thể do hậu quả cuộc “đại cách mạng văn hóa” để lại. Chừng con tàu cũng khó nhọc mới tới được Bắc Kinh lúc 9 giờ 30 phút ngày 1/11.

Chương trình còn nội dung thăm chợ bình dân Bắc Kinh, song lúc này cũng chẳng mấy ai hào hứng việc ấy, mà chỉ thấp thỏm mong mỏi có mỗi một việc về, sao cho đường không bị ùn tắc, để đúng 13 giờ 30 có mặt ở sân bay Bắc Kinh.

Đúng 15 giờ máy bay rời Bắc Kinh, hành trình tưởng như được lặp lại, nhưng tâm trạng con người thì hoàn toàn đã khác. Một tuần lễ đâu có dài, như cái đại lượng để đo tâm lý sao mà thăm thẳm thế.

23 giờ máy bay hạ cánh, ngay lúc còn ở trên cao, hay khi đã tiếp đất, vào nhà ga… ở nơi nào và góc nhìn nào, ta cũng đều dễ dàng nhận thấy một Hà Nội, một Nội Bài còn quá nhỏ bé, khiêm nhường so với bạn.

Thoáng ưu tư qua đi, rồi lòng mình lại trở nên ấm áp, tràn ngập tự hào và cảm động rưng rưng. Cái cảm giác lạ lùng có được ấy, chắc không gì khác, ngoài tình yêu tổ quốc.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.