Chuyện một cảm tử quân Ngã ba Đồng Lộc:

Bài 3: Ba thanh niên mù chữ

Bài 3: Ba thanh niên mù chữ
TP - Hà Tĩnh xóa nạn mù chữ từ lâu, nam nữ thanh niên dân tộc Chứt, dân tộc Cọi ở bản Rào Tre và bản Giàng sát Biên giới Việt - Lào cũng đã đọc thông viết thạo. Can Lộc là đất học. Vậy mà ở xã Thượng Lộc có ba thanh niên tuổi đời từ 18 - 23 mù chữ. 

>> Bài 2: Lang thang
>> Bài 1: Chiến công và bi kịch

Họ chính là con ông Nguyễn Thế Chương, một cảm tử quân phá bom ở Ngã ba Đồng Lộc.

Bài 3: Ba thanh niên mù chữ ảnh 1
Hương (bên trái) và Quỳnh (bên phải) đang được hướng dẫn học chữ cái

Lần đầu tôi đến nhà ông Nguyễn Thế Chương. Người đàn ông râu ria xồm xoàm, đôi mắt đờ đẫn nhưng bộ điệu rất cung kính, chấp hai tay trước ngực: “Tôi phá bom ở Đồng Lộc. Nay chưa có chế độ chi. Tôi già rồi sống răng cũng được. Xin quý ông cho cháu ít đồng mua gạo”.

Sau những lời an ủi ông Chương, tôi gọi hai chị em Hương và Quỳnh lại hướng dẫn cho các cháu ghi chép những năm tháng sống lang thang. Các cháu cứ ngồi  nghe ngơ ngác. Hỏi ra mới biết chưa cháu nào biết chữ.

Nguyễn Thị Hương ngậm ngùi: Cách đây khoảng nửa tháng có một chị ở phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh ra thuê người về đứng bán hàng. Hương ra chợ theo bà chủ. Bà nói cái gì Hương cũng “Dạ dạ! Vâng vâng”. Bà đưa bút giấy bảo ghi chép lại hàng hóa bán ra và tiền thu vào. Nghe bà nói vậy cháu sợ hết hồn. Cuối cùng cũng phải nói thật là không biết chữ. Được vài hôm bà chủ dẫn Hương ra nhà trả cho cha mẹ”.

Hương năm nay hơn 21 tuổi, có mấy nơi nhờ đi giữ em nhưng không biết chữ cũng bị người ta trả về. Nguyễn Thị Quỳnh sinh 1992: “Cháu cũng chưa biết chữ”.

Chuyện thật trên đất học Can Lộc. Hiện tại ở bản Rào Tre và bản Giàng của người Chứt, người Cọi dọc Biên giới Việt - Lào con gái ngần ấy tuổi cũng không đến nông nỗi này.

Con trai đầu ông Chương Nguyễn Thế Cường sinh 1987 có vợ là Võ Thị Nguyệt. Khi vợ vừa sinh con chưa chẵn tháng, Cường theo mẹ đi bộ khoảng 4km từ nhà đến Chợ Nhe. Thấy một chiếc xe máy cũ bên đường còn có cả chìa khóa trong ổ, Cường hồn nhiên lấy xe chở mẹ về.

Đứa cháu bên vợ đi theo Cường cũng lấy một chiếc xe đạp về theo. Hành vi nói trên phạm vào tội “Trộm cắp tài sản công dân”, Cường bị phạt 42 tháng tù giam, đang thụ lý án tại trại giam Đồng Sơn phía tây Quảng Bình.

Cường cũng chưa biết mặt chữ như hai em gái. Những lá thư Cường gửi về cho gia đình đều nhờ bạn tù viết hộ. Hiện tại con gái của Cường đã hơn một tuổi, vợ Cường không có việc làm, không nguồn thu nhập nuôi con, Nguyệt đã gửi con lại bên ngoại vào miền Nam làm thuê.

Tìm lại chốn xưa

Từ khi Cường vào trại đến nay hơn 15 tháng nhưng gia đình chưa ai vào thăm nuôi. Một ngày đầu tháng 8/2009 chúng tôi tổ chức cho hai chị em Hương, Quỳnh và chú ruột là Nguyễn Thế Lương vào trại Đồng Sơn thăm.

Hành trình từ Can Lộc - Hà Tĩnh đến Trại giam Đồng Sơn - Quảng Bình, khoảng 200 km. Lần này không nhắc gia đình xin giấy giới thiệu của xã đi thăm nuôi. Vào cổng gặp tổ trực, hai chiến sỹ công an tên là Hùng và Hiệp kiên quyết không cho vào.

Trên xe vào Quảng Trị, Hương và Quỳnh nhớ thương anh khóc dữ quá. Tôi đành cho xe quay lại, xin gặp ban lãnh đạo trại. Cuối cùng hai em gái và ông chú cũng được vào gặp Cường...

Lên xe trở về hai chị em lại khóc. Hỏi ra mới biết mẹ không có tiền mua cho anh trai một chút gì tạm gọi là quà thăm nuôi. 

Khoảng 17 giờ, theo đường Hồ Chí Minh, xe rẽ xuống QL 1A nơi có gầm cầu là mái nhà mà gia đình ông Chương gần 10 năm trú ngụ. Hương và Quỳnh dẫn tôi xuống gầm phía Nam cầu Đông Hà.

Thật bất ngờ khi vừa chui xuống Quỳnh đã gọi toáng lên: “Chị Thọ! Chị Thọ ơi! Em Quỳnh đây!”. Từ trong vùng tối của mố cầu, một phụ nữ bò ra. Quỳnh quay lại giới thiệu với tôi: “Khu vực này hồi bọn cháu ở còn trống không. Nay ai đã cắm cọc bê tông, bốn bề giăng lưới sắt.

Chị Thọ ngồi phía trong, tôi nhìn mãi chưa tìm ra cửa vào. Khi nhận ra Quỳnh và Hương, chị rất phấn khởi chỉ cho Hương và Quỳnh một lối nhỏ gần bậc xi măng sát mặt đất. Ai muốn vào thì phải nằm sấp xuống trườn như rắn mới lọt được.

Ba người gặp nhau hàn huyên đủ chuyện. Tôi đứng ngoài phải luồn máy ảnh vào trong lưới sắt, mới ghi lại được mấy kiểu. Lúc tôi tiếp tục loay hoay tìm góc chụp  thêm mấy kiểu, bỗng một con rắn xuất hiện trườn dưới chân.

Đứng dưới gầm cầu, nhiều mùi xú uế bốc lên khó thở. Tôi muốn tìm hiểu người phụ nữ có tên là Thọ ấy... đã sống ở đây hàng chục năm nay, quê quán ở đâu, gia cảnh thế nào.

Nhiều câu hỏi tôi đưa ra đều tắt ngấm. Thọ luôn lắc đầu không nói. Chị chỉ  trò chuyện với Hương – Quỳnh, hỏi thăm ông bà Chương - Nguyện, hỏi chuyện anh Cường lấy vợ chuyện Hương và Quỳnh vào đây chụp ảnh làm chi?

Trên đường Quỳnh và Hương kể lại nhiều chuyện gần chục năm sống dưới gầm cầu. Bao sự việc ly kỳ mà lần đầu trong đời tôi mới được nghe. Chuyện một chị láng giềng đẻ con không nuôi được chôn bên bờ sông.

Có lần một thanh niên đứng đái lên mô đất mộ của cháu, chị ta lấy đá ném. Viên đá không trúng người nhưng anh ta bổ xuống. Phải đưa đi cấp cứu... Sau mùa lũ lụt nước cuốn trôi thi hài cháu bé.

Nhiều đêm chị nằm mơ hồn cháu hiện về kêu khóc dưới gầm cầu. Chị ấy phải nhờ Quỳnh đi sắm lễ vật về thắp hương khấn vái. Rồi chuyện hai phụ nữ có con ngoài giá thú sống chung dưới gầm cầu đem lòng yêu thương quyến rũ anh Cường.

Ngã Ba Đồng Lộc một thời đạn bom khốc liệt, chỉ trong vòng bảy tháng máy bay Mỹ ném xuống vùng đất chưa đầy một cây số vuông gần 50.000 quả bom. Chỉ tính riêng Trung đoàn pháo 210 của Thủ Đô được điều vào bảo vệ Đồng Lộc... 122 cán bộ chiến đã sỹ hy sinh, 259 người bị thương.

Hàng trăm TNXP và công nhân giao thông đã hiến trọn tuổi xuân mình cho sự nghiệp thông đường phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Tiểu đội 10 liệt sỹ TNXP anh hùng, các anh hùng Nguyễn Tiến Tuẫn, La Thị Tám, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Tri Ân... đã được phong tặng nơi đây.

Những dũng sỹ như Uông Xuân Lý, Nguyễn Xuân Lứ ... và nhiều tập thể cá nhân khác đều được tôn vinh. Con cái của những người đã khuất và những người đang sống đều được học hành, có công ăn việc làm.

Chỉ có cảm tử quân Nguyễn Thế Chương còn sống mà thua thiệt. Bản thân nhiều lần bị sức ép của bom thành người tàn phế, ba mươi năm đi kiếm sống lang thang tưởng đã chết, nay trở về chưa được hưởng chế độ gì. Ba đứa con đã trưởng thành hoàn toàn mù chữ.

Dẫu có muộn, nhưng mong rằng các cơ quan và tổ chức xã hội cùng những nhà hảo tâm góp một chút giúp gia đình ông Nguyễn Thế Chương.

Tháng 8/2009

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.