Bản siêu đẻ

Bản siêu đẻ
TP - Trong ngôi nhà rách nát, bốn bề thông thốc gió lùa, Nùng A Biên vẫn uống rượu suông với mấy ông bạn hàng xóm. Mấy đứa con nheo nhóc của anh ngồi co ro bên góc nhà. Bố của 12 đứa con vẫn chưa chịu cho mẹ của chúng dừng đẻ. Họ vẫn đẻ vì lệ làng, bản.
Bản siêu đẻ ảnh 1
Hai đứa trẻ và bà mẹ trẻ trong gia đình đẻ nhiều ở Nậm Nó

Ngôi nhà tranh tre xiêu vẹo của chị Lò Me Nhân nằm cạnh đường bản Nậm Nó 2 (Nậm Ban, Mường Tè, Lai Châu). Trong nhà, tiếng trẻ con nô đùa ầm ĩ. Mấy đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau nhưng xưng hô chị - em, chú - cháu, khiến tôi chẳng nhận ra đứa nào là chị, đứa nào là em. Vào trong nhà còn thấy thêm một đứa nữa đang nằm trong nôi. Ông Lý A Hiên, Phó Chủ tịch xã Nậm Ban, bảo: “Chúng là con của một gia đình”.

“Cháu chào cô?”, câu chào của tôi vừa dứt, bà chủ nhà ngẩng mặt lên nhìn đầy ngạc nhiên. Ông Hiên vội giải thích: “Nhân mới ngoài 30 tuổi thôi...”. Chị đang tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều.

Thằng con trai khoảng hai tuổi gào lên đòi ăn. “Im ngay! Vừa ăn cả củ sắn to, còn kêu gì nữa”, chị mắng yêu thằng con quý tử. Cạnh nồi thức ăn là vài cọng rau rừng. “Tám cái tàu há miệng, có sắn ăn là tốt lắm rồi”.

Năm 15 tuổi, chị Nhân và Quân về ở chung nhà và sinh đứa thứ nhất. Từ đó, cứ sòn sòn hai năm, chị lại đẻ một đứa. Đứa thứ nhất, thứ hai đều là gái và đến đứa thứ sáu vẫn là hoàng tử tè ngồi.

Có lần chị bàn với chồng dừng đẻ để cho con cái đỡ khổ. Mỗi khi nghe vợ bảo thôi đẻ, anh lại quát: “Có mỗi việc đẻ một thằng con trai mà cũng không xong”.

Lần mang thai đứa thứ bảy, chị thấp thỏm cầu mong con trai. Hôm trở dạ, bà đỡ thông báo thị mẹt, anh Quân chẳng thèm nhìn mặt vợ.

Cạnh nhà chị Nhân là chị Chín Me Cảo cũng có sáu con. Chị Cảo đang cho con bú ngoài cửa. Hai đứa trẻ đứng cạnh, quần áo lấm lem ôm tay mẹ đòi ăn. Đứa con lớn của chị năm nay 18 tuổi, chuẩn bị lấy vợ. Vậy mà anh Lò A Sinh- chồng chị vẫn chưa có ý định dừng đẻ: “Tớ mới có hai thằng cu. Mấy ông hàng xóm có nhiều con hơn. Phải đẻ hết trứng mới thôi”.

Kỷ lục

Bản siêu đẻ ảnh 2
Chị Nhân và các con gái

Nhá nhem tối, ở Nậm Nó 2 lạnh thấu xương. Nhiều em khoảng 6 - 7 tuổi đã địu một đứa trên lưng. Chẳng đứa nào có áo ấm cho ra hồn.

Tôi giật mình bởi tiếng hô ầm ĩ của một nhóm đàn ông ở ngôi nhà cạnh đường. Anh Biên - chủ nhà đang cùng mấy ông bạn hàng xóm uống rượu nhắm với ớt. Ngồi sau lưng anh là mấy đứa trẻ nhem nhuốc, đen đúa đang run lên vì rét, vì đói. Vậy mà ông bố vẫn ung dung uống rượu với mấy ông bạn vàng. “Uống đi. Bi hung (nghĩa là say) mới về”.

Trong căn lều xiêu vẹo đó, mấy chiếc nồi vứt chỏng chơ cạnh mấy thanh củi đang cháy dở, hai cái chăn rách và cái phên nứa làm giường. Cạnh bếp lửa là một đứa nhỏ đang bế em, chúng đều không có áo mặc, da tím tái. Ông chủ nhà bảo: “Con tôi cả đấy”.

Tôi hỏi “Tối chúng ngủ ở đâu?”. Tợp nốt ngụm rượu, anh nói: “Hàng xóm hoặc anh em họ hàng”. Anh còn khoe: “Tớ là người có nhiều con nhất bản”. Nói xong anh lại quay ra uống rượu với mấy ông bạn, rồi gọi với bà vợ: “Về đi mua cho tôi chai rượu nữa”. 

Người phụ nữ gầy còm, tóc tai bù xù đang lễ mễ bê thúng vào nhà là chị Anh Me Tiện - vợ của anh Biên. Cố lết những bước chân nặng nhọc lên nhà, chị nói: “Thúng thóc cuối cùng của nhà đấy. Ông đem đổi nốt rượu đi mà uống. Bảy mẹ con nhà tôi chết đói cả thể...”.

Ngoài ba mươi tuổi, chị đang giữ kỷ lục về đẻ ở bản với 12 lần sinh con. Mỗi khi nhắc đến tên từng đứa con chị lại ngấn lệ: “Chỉ có sáu đứa sống thôi”.

Nậm Ban là xã nghèo nhất huyện Sìn Hồ. Sẽ thật thiếu sót nếu như cứ đem con mắt của người thành phố lên đánh giá, nhìn nhận về một xã miền biên ải, vốn quá nhiều gian khó. Tuy nhiên, nếu cứ để tình trạng sinh đẻ vượt mức như ở Nậm Ban, người Nậm Ban còn nghèo còn khổ.

Huyện Sìn Hồ thành lập một tổ công tác chuyên ngành nằm vùng ở Nậm Ban. Đồn Biên phòng Pa Tần cũng đặt chốt cắm bản hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, làm ăn… Bước đầu Nậm Ban cũng có chuyển biến tích cực. Hy vọng, bằng những chương trình thiết thực này, Nậm Ban sẽ có một bộ mặt mới trong tương lai không xa.

Tư tưởng phải có con trai để làm ma cho bố mẹ vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình. Một nguyên nhân nữa dẫn tới sự đẻ nhiều ở Nậm Ban là trai gái người La Hủ đến tuổi cập kê là có thể tìm hiểu nhau. Nếu trai, gái ưng nhau là sống chung như vợ chồng, không cần cưới hỏi. Cha mẹ cũng không cấm đoán, bao giờ đẻ được con thì cưới, mà chưa cưới cũng không sao. Lý A Hiên giải thích: “Cái lệ nó thế. Từ trước tới nay, ông bà vẫn sống như vậy. Giờ bọn trẻ làm cách khác cũng khó”.

MỚI - NÓNG