Băng qua bóng tối

Băng qua bóng tối
TP - Trong một trận đánh ác liệt bảo vệ Thành Cổ Nguyễn Trung Thanh bị mảnh đạn M79 găm vào đầu làm chấn thương hộp sọ khiến đôi mắt bị mù.
Băng qua bóng tối ảnh 1
Quầy hàng tình nghĩa của anh thương binh Nguyễn Trung Thanh. Ảnh: Hữu Thành

Sau khi điều dưỡng ở Đoàn 582 Quân khu Ba, anh trở về quê hương ở làng Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) để lập hội giúp đỡ những hộ nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang nằm nép mình dưới tán cây trái xanh mướt ở làng Bắc Sơn, anh Thanh nhớ lại, tháng 3/1972, chiến trường Thành Cổ Quảng Trị đang bước vào giai đoạn ác liệt. Lúc đó, vì anh là con trai độc nhất trong gia đình nên được miễn nghĩa vụ quân sự.

Mặc gia đình, người thân can ngăn, anh cắn tay mình đến bật máu để viết đơn tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ. Mẹ tiễn anh ngày lên đường.

Sau thời gian ngắn huấn luyện, anh được phiên vào Trung đội K8 Tỉnh đội Quảng Trị trực tiếp tham gia chiến đấu giữa Thành Cổ như tâm nguyện. Tháng 8/1972, trong một trận đánh, anh bị trúng mảnh đạn M79 vào đầu. Cả Trung đội K8 của anh có 49 người, chỉ ba người sống sót.

Năm năm nằm điều dưỡng ở Đoàn 582 Quân khu III với tỷ lệ thương tật 93 phần trăm (thương binh 1/4), năm 1977, anh trở về quê hương.

Khi còn nằm điều dưỡng ở Đoàn 582, anh mong sớm bình phục để được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, chứ không kịp nghĩ đến những khó khăn trong cuộc sống mà anh phải đương đầu.

Không cam chịu cảnh mù lòa, làm khổ người thân, anh quyết tâm lên kế hoạch tập luyện để quen dần với việc tự lo cho bản thân. Hàng ngày, anh dò dẫm đi từ đầu thôn đến cuối thôn để làm quen dần với từng con đường, ngõ xóm trong thôn. Anh cũng từ chối mọi sự giúp đỡ của người thân để tập sinh hoạt như một người bình thường.

Sau thời gian dài kiên trì tập luyện, anh có thể đi lại thoải mái từ đầu thôn đến cuối thôn và tự thực hiện mọi sinh hoạt cá nhân. Anh bắt đầu tính đến chuyện làm sao để tự nuôi sống bản thân.

Ngày anh trở về, trước mặt gia đình cũng như hàng xóm láng giềng ở thôn Bắc Sơn không phải là anh Thanh lành lặn, khỏe mạnh của ngày xưa mà là người đàn ông đang khua gậy dò dẫm từng bước khó nhọc trên con đường làng quen thuộc.

Mang tiếng là ở nông thôn nhưng đất đai cũng chỉ đủ xây dựng ngôi nhà chứ không rộng để có thể trồng cây, nuôi cá. Anh vay bà con, bạn bè ít vốn liếng để mở quán bán tạp hóa.

Đến bây giờ, quán tạp hóa ngày xưa thành cửa hàng tạp hóa, xăng dầu, ngư cụ. Mới đây, anh còn mở thêm dịch vụ cho thuê rạp, bàn ghế, chén bát phục vụ đám cưới. Tính sơ mỗi năm anh cũng có thu nhập 50-60 triệu đồng.

Cuộc đời anh có nhiều cái may mắn nhưng may mắn lớn nhất là được gặp rồi nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Hương. Khi xách ba lô giã từ Đoàn 582 về sống hẳn ở quê, anh không hề nghĩ rằng rồi đời mình sẽ có người nâng khăn, sửa túi. Năm 1982, thôn nữ Nguyễn Thị Hương nhận lời yêu anh rồi nên duyên vợ chồng. Lần lượt ba đứa con bụ bẫm ra đời.

Ông hội trưởng

Cách đây mấy năm, thấy gia đình nhiều cựu chiến binh trong thôn hoàn cảnh, anh cùng với năm cựu binh bàn nhau lập ra Hội Tình thương. Mỗi người một ít góp tiền vào quỹ hội sau đó cho các gia đình cựu binh cũng như bà con nghèo vay vốn không tính lãi. Khi trong thôn có người đau ốm, bệnh tật, người già neo đơn, thành viên của hội cũng đến chăm sóc, thăm hỏi.

Từ khi thành lập đến nay, Hội Tình thương giúp hơn trăm lượt gia đình. Hộ bà Nguyễn Thị Thu được vay 6 triệu đồng để mở quán tạp hóa. Ong Nguyễn Văn Hải được vay 2,5 triệu đồng để chữa bệnh...

Hội Tình thương thôn Bắc Sơn không dừng lại ở con số năm cựu chiến binh trong khi quỹ hội lên đến hàng trăm triệu đồng…

Bắc Sơn, Đông Hà 7/2/2009

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.