Bí ẩn biệt thự hoa trắng

Bí ẩn biệt thự hoa trắng
TP - Sau nhiều lần phải đứng bên ngoài tường rào để chiêm ngưỡng, chụp ảnh các loài hoa lạ với sắc trắng tinh khiết trong khuôn viên biệt thự số 9 Phù Đổng Thiên Vương (Đà Lạt), chúng tôi mới liên lạc được với chủ nhà để hẹn ngày vào tham quan. Điều bí ẩn ở biệt thự hoa trắng phần nào hé mở.
Bí ẩn biệt thự hoa trắng ảnh 1

Biệt thự hoa trắng

Những ngày gần đây, mỗi lần ngang qua biệt thự số 9, chúng tôi thường thấy một nhóm người tụ tập bên tường rào ngắm nghía, bàn tán về biệt thự hoa trắng cùng chủ nhân của nó. Biệt thự hầu như quanh năm cửa đóng then cài, thỉnh thoảng mới có một phụ nữ ghé đến chăm sóc vườn hoa rồi vội vã đi ngay, bởi thế đã phát sinh nhiều lời đồn đoán.

Một số người thì thào rằng chất đất nơi biệt thự số 9 tọa lạc dường như không bình thường nên nhiều loài hoa đổi sang màu trắng hoặc chủ nhân ngôi nhà đang thực thi một lời nguyền bí ẩn nào đó.

Những người vốn không tin chuyện mê tín dị đoan thì cho rằng chủ nhân ngôi nhà hẳn rất lãng mạn và muốn gởi một thông điệp đặc biệt nào đó qua khu vườn độc đáo này.

Bí ẩn biệt thự hoa trắng ảnh 2 Hoa trắng dường như luôn chiếm vị trí độc tôn trong tòa biệt thự này. Có nguyên nhân gì đặc biệt không? Bí ẩn biệt thự hoa trắng ảnh 3

Vài người sống cạnh biệt thự số 9 cho hay biệt thự thuộc sở hữu của vợ chồng tiến sĩ (TS) Trần Hà Anh và Hà Ngọc Mai. Họ chủ yếu sinh sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về Đà Lạt nghỉ ngơi, thư giãn. Số khác lại nói hai vợ chồng sang Pháp sống cùng gia đình con trai, còn biệt thự này đã bán cho người khác.

Đến Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt – nơi TS Hà Anh từng là Viện trưởng, chúng tôi tìm được số điện thoại và đã liên lạc được với chủ nhân biệt thự.

Quà tặng tình yêu

Vợ chồng TS Hà Anh từ TP Hồ Chí Minh trở về Đà Lạt và cho chúng tôi một cái hẹn. Ông chủ biệt thự đón chúng tôi từ ngoài cổng với nụ cười thân thiện, cởi mở. Mặc dù đã 72 tuổi nhưng trông TS Hà Anh vẫn hồng hào khỏe mạnh, không thay đổi bao nhiêu so với thời làm viện trưởng và đại biểu Quốc hội.

Nhận lẵng hoa chúc mừng sinh nhật của chúng tôi, TS Hà Anh xúc động nói: “Cám ơn các em. Tôi rất vui vì người quen, bạn bè cùng học trò thăm hỏi khá nhiều và đặc biệt là tiệc hoa của bà nhà”.

Tiệc hoa mà TS Hà Ngọc Mai tặng chồng là muôn ngàn đóa hoa trắng trang nhã đang khai nhụy, e ấp và tỏa hương thơm dịu ngọt trong khu vườn khá rộng của biệt thự.

Chúng tôi chưa từng thấy biệt thự nào có nhiều hoa hồng với sắc trắng tinh khôi và hương thơm quyến rũ như thế. Đã quen với sắc tím bâng khuâng của Arapang ở các công viên hoặc bồn hoa của những biệt thự sang trọng nên khi nhìn thấy những khóm Arapang màu trắng thanh khiết của TS Mai, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, xao xuyến.

Bí ẩn biệt thự hoa trắng ảnh 4
Đóa Arapang màu trắng

Nhiều loài hoa màu trắng khác được ươm trồng tại biệt thự số 9 như cúc Úc, lài tây, dâm bụt, loa kèn, cánh bướm, trong đó một số loài hoa lạ lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy như tiên yên, bạch hoa xà và đặc biệt là cây phượng trắng duy nhất ở Đà Lạt và dĩ nhiên là của cả Việt Nam.

“Tham quan biệt thự bốn mùa hoa cỏ xanh tươi, nhiều người nghĩ rằng chủ nhân hẳn rất lãng mạn?" – tôi thăm dò. “Có lẽ đúng như thế bởi tôi rất yêu hoa, thích đọc sách, xem phim, du lịch… Vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm đặc biệt, bạn bè và người thân thường tặng hoa và sách cho tôi" – TS Mai nói.

“Hoa trắng dường như luôn chiếm vị trí độc tôn trong tòa biệt thự này. Có nguyên nhân gì đặc biệt không, thưa cô?" - tôi hỏi. “Vườn hoa này là tâm huyết suốt cuộc đời tôi dành tặng ông xã. Mẹ chồng từng bảo nhà tôi hợp với màu trắng nên mười mấy năm nay tôi cố công sưu tầm, ươm trồng các loài hoa trắng để tăng vượng khí nơi sinh sống và cầu mong những điều may mắn tốt lành cho ông xã”.

Khăn gói theo chồng

Hơn 50 năm trước, Ngọc Mai rời quê hương Tiền Giang bốn mùa quả ngọt để sang Pháp du học và đã gặp chàng trai thông minh, tuấn tú Hà Anh - sinh viên Đại học Bách khoa Pháp - một trong những trường danh tiếng nhất của Pháp và châu Âu.

Năm 1965, hai người đã kết hôn tại Pháp, dựa vai nhau xây đắp hạnh phúc gia đình, lập thân lập nghiệp (cả hai lần lượt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ) và tham gia hoạt động cách mạng, được Hội đồng Bộ trưởng nước ta tặng Huy chương Kháng chiến Hạng Nhất.

Năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời gọi TS Hà Anh cùng một số nhà khoa học ở Pháp về nước đặt nền móng xây dựng ngành hạt nhân. TS sinh học Ngọc Mai cùng hai con từ bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài, theo chồng trở về quê hương dẫu biết rằng sẽ đối diện với muôn vàn khó khăn. Cả gia đình phải nếm trải cảnh thiếu thực phẩm, ăn bo bo nhiều hơn gạo như bao gia đình khác thời bao cấp.

Niềm an ủi lớn và cũng là kỷ niệm mà TS Mai không bao giờ quên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến ngôi nhà đơn sơ của gia đình ở TP Đà Lạt để thăm hỏi, động viên; đề nghị tăng một bậc lương cho chồng bà để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Thủ tướng còn tự tay viết thư cho lãnh đạo tỉnh Thuận Hải, đề nghị mỗi tháng một lần giúp Viện Nghiên cứu Hạt nhân (NCHN) Đà Lạt mua một xe cá biển để phân phối cho cán bộ CNV.

Mười năm đầu trở về Việt Nam, TS Hà Anh được điều chuyển đến nhiều cơ quan nghiên cứu về hạt nhân ở các tỉnh thành nên TS Mai cũng phải vất vả khăn gói theo chồng.

Năm 1988, TS Hà Anh được điều trở lại Viện NCHN Đà Lạt làm Viện phó và 3 năm sau được bổ nhiệm làm Viện trưởng, gia đình thoát khỏi cảnh lưu lạc nay đây mai đó và TS Mai mới có điều kiện chăm chút cho ngôi nhà của mình.

Sưu tầm nhiều loài hoa lạ, quý hiếm

Nghe ở đâu có hoa lạ, đặc biệt những loài hoa màu trắng là TS Mai lặn lội sưu tầm rồi dày công nhân giống, ươm trồng dành tặng chồng và thành phố hoa Đà Lạt. Mỗi lần sang Pháp, Úc, Trung Quốc… công tác hoặc thăm con cháu, TS Mai đều đến các vườn ươm, công viên để tìm kiếm hoa quý.

Loài cúc lạ mắt với sự phối màu rất độc đáo ở nhụy và cánh hoa mà bà mang từ Úc về Đà Lạt đã khiến lãnh đạo Công viên hoa Đà Lạt ngạc nhiên thích thú. Từ cụm hoa cúc trong vườn nhà của TS Mai, Công viên hoa đã nhân giống trồng nhiều nơi trong thành phố.

TS Mai sưu tầm hạt giống phượng tím ở Úc và là người Việt Nam đầu tiên nhân giống phượng tím bằng cách gieo ươm hạt. Sau nhiều năm hồi hộp đợi chờ, điều kỳ diệu tưởng chỉ có trong mơ đã xảy ra: Phượng tím không chỉ ra hoa mà còn đậu quả khiến việc nhân giống loài cây này được nhanh chóng dễ dàng hơn.

Mặt khác, nhờ thụ phấn chéo với những cây phượng này mà phượng tím cổ thụ của kỹ sư quá cố Lương Văn Sáu (tốt nghiệp Trường Canh nông Versailles, Pháp) cũng đã cho hạt.

Từ năm 1962, kỹ sư Sáu đã mang phượng tím từ Pháp về Đà Lạt ươm trồng. Đáng tiếc, phượng ra hoa nhưng suốt 30 năm không đậu được quả nào, không có khả năng sinh sản tự nhiên bởi ở Việt Nam không có loài chim mỏ cong đưa phấn vào đài hoa để thụ phấn cho hoa.

Thời gian gần đây, người yêu hoa lại ngỡ ngàng vì sự xuất hiện của một loài hoa lạ (phượng trắng) tại biệt thự số 9. TS Mai cho biết cây phượng hiếm hoi này được ghép bởi phượng tím và cây phượng bị đột biến cá thể có hoa trắng trong rừng Sydney (Úc).

Sau 12 năm nâng niu chăm sóc, đến năm 2010 này, phượng đã nở hoa sum suê làm ngẩn ngơ người thưởng ngoạn đúng vào dịp sinh nhật của TS Hà Anh. Nhiều nghệ nhân ở tận TP. Hồ Chí Minh lên Đà Lạt đề nghị được chiết cành để nhân giống phượng trắng.

Dư luận xôn xao về sự xuất hiện cây phượng trắng duy nhất của Việt Nam này đã khiến một người vốn đam mê nghiên cứu khoa học và không mấy quan tâm đến hoa như TS Hà Anh cũng thấy xao xuyến.

Đến tận bây giờ ông mới cảm nhận hết giá trị của vườn hoa trắng – kết tinh tình yêu sâu sắc mà người vợ yêu đã dành bao tâm huyết gây dựng nên.

MỚI - NÓNG