Bí ẩn Cam Ranh

Bí ẩn Cam Ranh
TP - Lịch sử Cam Ranh lại lật thêm một trang mới, khi vài năm sau ngày giải phóng, theo tinh thần hợp tác toàn diện Việt – Xô và nhu cầu phòng thủ đất nước, một đơn vị quân đội Liên Xô đã tiếp quản quân cảng Cảng Ranh...

Hồi đó, tôi là người có may mắn thường xuyên được làm việc với đại diện quân đội bạn, thông qua Trung tá an ninh Misenkô – Ông Nguyễn Văn Tân vẻ xúc động kể lại - Tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau ít nhất một lần để trao đổi tình hình.

Tôi nhớ, Misenkô là người thông minh, thích hài hước và uống rượu rất giỏi. Một lần, anh ấy tìm tôi, vẻ mặt căng thẳng: “Có một việc quan trọng, chúng tôi rất cần đồng chí giúp đỡ”.

Tôi nói rằng nếu giúp được cho đơn vị của bạn việc gì thì rất sẵn sàng. Misenkô không úp mở đặt vấn đề thẳng thắn: “Nhờ công an Việt Nam tìm giúp một người đào ngũ!”. Tôi hiểu, đó là thời gian đất nước Liên Xô gặp rất nhiều khó khăn.

Thỉnh thoảng, những anh lính Nga ở Cam Ranh vẫn trốn ra ngoài doanh trại, dù được canh gác khá nghiêm ngặt. Họ tìm mua rượu, thuốc lá, trái cây đặc sản của Việt Nam...

Có người do quá nhớ nhà đã đào ngũ, nhưng không biết trốn vào đâu, lại không biết tiếng nên thường bị bắt trở lại đơn vị ngay và bị chịu hình phạt kỷ luật rất nghiêm khắc...

Anh lính mà Misenkô nhờ tìm là một trường hợp cá biệt. Chẳng hiểu bằng cách nào, anh ta đã theo được thuyền của ngư dân trốn xuống tận Ninh Thuận...

Năm 1991, khi nghe tin Liên Xô tan rã, như bao nhiêu người cộng sản chân chính, ông Tân đã lặng lẽ khóc... Người cựu Trưởng công an huyện nhớ lại: Một hôm, trung tá Misenkô buồn rầu đến báo tin mình sắp phải về nước. Họ đã ngồi rất lâu bên nhau mà không biết nói gì. Bỗng nhiên, Misenkô hỏi:

– Anh có muốn mua... máy bay không?

Tưởng mình nghe nhầm, ông Tân hỏi lại:

– Mua cái gì? 

– Mua máy bay cũ, chúng tôi thanh lý cho.

Bí ẩn Cam Ranh ảnh 1
Một góc sân bay Cam Ranh thời quân đội Mỹ chiếm đóng

Thì ra trước khi rút về nước, đơn vị quân đội Liên Xô có nhu cầu thanh lý hàng ngàn chiếc ô tô, và phương tiện máy móc cũ, hỏng, trong đó có một số máy bay chở khách nhỏ kiểu TU, và cả máy bay tập lái. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể mua được. (Chợt nhớ tới một thông tin mà người viết bài này vừa đọc trên mạng internet: Một thương nhân Trung Quốc thông qua mạng đấu giá eBay vừa tậu được một chiếc máy bay tiêm kích MiG-21 huyền thoại của không quân Xô Viết một thời, chỉ với giá 25.000 USD. Trước đó, nghe nói một công ty của Trung Quốc cũng đã bỏ ra mấy trăm ngàn USD để mua cả một tàu sân bay thời Liên Xô và biến nó thành một công viên giải trí kinh doanh khá hấp dẫn...).

– Nhưng tôi không có tiền, làm sao mua nổi máy bay? – Ông Tân dè dặt hỏi.

– Không cần tiền, anh có thể trả đơn vị bằng... rau xanh cũng được mà. Chúng tôi đang cần rất nhiều rau xanh!  Misenkô khẳng định.

Ông Tân báo cáo cấp trên. Không ngờ đề xuất của ông được chấp thuận. Thời gian sau đó, Công an huyện Cam Ranh đã tổ chức hẳn một đội xe lên Đà Lạt mua rau xanh và hoa quả tươi về cung cấp cho đơn vị quân đội của Liên Xô. Hàng trăm tấn rau xanh đã được ông Tân chuyển vào quân cảng.

– Thế còn chuyện... máy bay? – Tôi sốt ruột hỏi ông Tân.

– Người ta còn mua bán, đổi chác như thế nào và ở những đâu nữa thì tôi không biết. Riêng tôi đã trực tiếp lấy được tới... 6 chiếc máy bay! – Ông Tân hào hứng kể – Dĩ nhiên đó là những chiếc máy bay cũ, đã được người ta tháo hết ruột và máy móc bên trong, chỉ còn xác. Để vận chuyển, tôi cho cắt rời ra từng mảnh lớn, rồi chất lên xe ô tô chuyển về giao cho công an tỉnh. Anh có biết chúng tôi sử dụng xác máy bay vào việc gì không?

Ông Tân bất ngờ hỏi. Tôi lắc đầu.

– Để... đúc xoong nhôm! Hồi đó, ta mới thoát ra khỏi thời bao cấp, xoong nhôm rất quý. Anh em chúng tôi đã tổ chức đúc hàng vạn chiếc xoong. Mỗi cán bộ công an Khánh Hòa hồi đó được phân phối tới gần chục chiếc, tha hồ sử dụng!

Những ngày đó, cả Cam Ranh tràn ngập hàng thanh lý từ quân cảng đưa ra. Thị xã như biến thành chợ trời đồ cũ, mua thứ gì cũng có: nhỏ thì quần áo lính, đồ dùng cá nhân, lớn thì ô tô, máy ủi... Ông Tân bùi ngùi nhớ lại:

– Tôi cũng xót xa và buồn lắm anh ơi! Một đất nước vĩ đại, một quân đội hùng cường như thế, ai ngờ... Nhưng đó là sự thật lịch sử, phải biết dũng cảm nhìn thẳng vào nó. Không nói ra thì có thể con cháu mình sẽ không biết: Trước đó, tôi đã từng được Trung tướng Beregovoi, Tư lệnh quân cảng Cam Ranh tặng một tấm Huân chương...

Ông Tân trân trọng lấy cho tôi xem tờ giấy chứng nhận có in hình lãnh tụ V.I.Lenin trên nền đỏ, bìa cứng.

Thực ra, đó là một tấm Bằng khen được đánh máy bằng tiếng Nga, nội dung tạm dịch như sau: Tặng cho Trưởng Công an huyện Cam Ranh, đồng chí Nguyễn Ngọc Tân, vì đã có những đóng góp to lớn để củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa LBCHXHCN Xô Viết và CHXHCN Việt Nam. Để bày tỏ sự kính trọng và mến phục chân thành. Ngày 7/3/1990. Thay mặt Bộ chỉ huy Đội tàu Xô Viết tại Cam Ranh, Phó đô đốc Beregovoi (đã ký).

Nghe tôi giải thích, ông Tân chỉ mỉm cười. Dù là Huân chương hay Bằng khen thì ông vẫn coi đó là một kỷ vật quý báu và niềm tự hào của cuộc đời mình. Nhiều năm sau này, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, hoặc có khách quý đến chơi nhà, người cựu Trưởng công an huyện Cam Ranh thường mang nó ra giới thiệu.

Và tôi chỉ là người có may mắn được chép lại câu chuyện của ông.

Cam Ranh đang chuẩn bị “cất cánh”

“Bây giờ, nói theo hình tượng thì Cam Ranh giống như một con tàu mới hạ thủy, chuẩn bị vượt sóng gió chinh phục đại dương mênh mông; hay một chiếc máy bay hiện đại đã lăn bánh ra đường băng, để chuẩn bị cất cánh...” –Anh Trần Ngọc Khánh tiếp nối câu chuyện của mình thật say sưa.

Rồi để chứng minh điều ấy, anh mở máy tính, tìm kiếm rồi in ra cho tôi cả tệp tài liệu với những thông tin mới nhất về sự phát triển của vùng đất này trong tương lai.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Khánh Hòa nói chung, Cam Ranh như bừng tỉnh và “cất cánh”, kể từ khi sân bay nơi đây được chọn để khai thác thương mại (19/5/2004) thay thế sân bay Nha Trang...

Trước đây, khách từ Hà Nội muốn tới Khánh Hòa và một số địa phương lân cận bằng đường không, thường phải qua sân bay Cam Ranh bằng loại máy bay nhỏ như ATR. Fokker... do sân bay Nha Trang chỉ có đường băng ngắn 1.900 mét.

Với lợi thế nằm ở trung tâm bán đảo, lại có đường băng dài hơn 3.048 mét, sân bay Cam Ranh có thể cho phép tiếp nhận cùng lúc 30 máy bay các loại với trọng lượng 200 tấn như Boeing, Airbus...

Cũng do diện tích sân bay lớn, nên có thể cho phép mở rộng và lắp đặt các thiết bị hiện đại, an toàn, giúp các loại máy bay lớn hạ cánh dễ dàng vào ban đêm và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Không chỉ là một vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng – an ninh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sân bay và cảng biển ở Cam Ranh còn có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng thành trung tâm tiếp nhận và trung chuyển khách du lịch cũng như hàng hóa.

Sau hơn hai thập kỷ ngủ quên trong vỏ bọc của khu quân sự, vùng đất nắng gió đầy tiềm năng này đang bừng lên sức sống mới mãnh liệt, với sự xuất hiện của khu du lịch nằm ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh nói riêng và Khánh Hòa nói chung, trở thành điểm đến quan trọng của “con đường di sản miền Trung”, kéo dài từ Quảng Bình tới Đà Lạt (Lâm Đồng).

Vâng, nếu có điều kiện, chỉ cần một lần tới sân bay hay cảng biển Cam Ranh, nhất định quý bạn đọc cũng sẽ có được cảm nhận như tôi và có thể còn hơn thế nữa.

Cam Ranh – Hà Nội, 2006

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.