Bí ẩn giữa đại ngàn Trường Sơn

Bí ẩn giữa đại ngàn Trường Sơn
TP - Khi viên quan ba người Pháp Le Pichon đặt chân lên dải đất miền Trung, bắt đầu say mê khám phá tập tục, con người của một bộ tộc lâu đời ở vùng sơn cước Trung kỳ - tộc người Cơ Tu, và rồi cho ra đời cuốn sách nổi tiếng “Những kẻ săn máu”, hẳn ông cũng không thể ngờ rằng, gần một thế kỷ sau, nhiều bí ẩn của người Cơ Tu giữa đại ngàn Trường Sơn vẫn chưa có lời giải đáp.

“Về vùng biên giới Tây Giang, chuyện kỳ bí ngàn năm nói mãi không hết”, không thể cưỡng lại “lời rủ rê” của Bí thư huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc, chúng tôi lại lên với đại ngàn hùng vĩ…

Kỳ 1: Ký tự cổ trên vách đá

Được Le Pichon phát hiện và chụp lại từ những năm 1938 của thế kỷ trước, nhưng đến tận bây giờ, những dòng chữ khắc trên hai vách đá dựng đứng bên bờ suối nơi thượng nguồn A Vương vẫn là ẩn số.

Văn khắc trên phiến đá Samo

Từ trung tâm xã Lăng, một xã biên giới của huyện Tây Giang, phải mất chừng 1 giờ đồng hồ vượt suối cắt rừng, băng qua những dòng nước xiết, chúng tôi mới tới được bản Achia - một cụm dân tộc Cơ Tu nơi thượng nguồn sông A Vương giáp nước bạn Lào. Người ở bản Achia ngày ngày cắt cử người trông coi vách đá bên dòng suối A Vương, ngăn người lạ tò mò cũng như sợ họ tác động làm hư hỏng vách đá thiêng.

Chiều hôm trước khi chúng tôi đặt chân tới Achia, mưa xối xả trùm kín vùng đất Tây Giang. Nước thượng nguồn ào ạt chảy về xuôi. Cuồn cuộn đục ngầu, màu của đất lở bởi những phu vàng đang ẩn mình tìm kiếm vận may giữa rừng sâu. Những người đàn ông khỏe mạnh ở Achia dẫn tôi vượt suối, nhắc chừng cẩn thận, nước suối có chất Cyanua vô cùng nguy hiểm.

Vị trí vách đá nằm bên dòng A Vương, ở một nơi được xem là đắc địa. Từ dưới đi lên thượng nguồn, dòng suối như chảy xiết hơn. Tuy nhiên, ở nơi có vách đá là một vùng bình địa, khá phẳng lặng. 

Vách đá cao chừng 7m, chưa tính chỗ nước ngập chừng 3m. Chỉ còn một vài dòng chữ nổi lên phía trên. Già làng Bhriu Clói, cầm rựa phạt bớt những nhánh xỉa ra ngoài đang che bớt văn khắc, nói: “Còn chừng này thôi, nước ngập hết rồi”.

Già Bhriu Clói kể, thượng nguồn dòng A Vương vào mùa kiệt, có những chỗ trơ đáy, nhưng kỳ lạ, ngay nơi vách đá dựng đứng, nước luôn dâng đầy. Theo những bậc cha ông ở làng Achia kể lại, có 3 tấm đá nối liền nhau thành vách được khắc chữ viết. 

Đó là những dòng chữ bí ẩn có từ ngàn xưa, đến nay vẫn chưa ai giải mã được. Ngay phía trên vách đá sừng sững là một thân cây lớn, cao vút, cành là sum suê. Người Cơ Tu cho rằng, trên thân cây đó, thần linh đang trú ngụ. 

Ngoại trừ phần lớn chữ khắc trên đá bị ngập nước, khoảng 4 dòng chữ còn lại nổi lên là những ký tự tượng hình, trông giống như chữ của người Chăm.

Bí ẩn giữa đại ngàn Trường Sơn ảnh 1

Trai làng Achia luôn bảo vệ vách đá đã bị chìm trong nước

Trong một bài viết của mình, đăng trên tạp chí Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H) vào năm 1938, Le Pichon gọi những dòng chữ khắc trên đá ở bên bờ suối Lăng là văn khắc trên đá ở Samo (ở xã Lăng, Le Pichon gọi là suối Lens. Kỳ thực, đây là thượng nguồn của một nhánh sông A Vương - PV).

Samo chính là một trong những đồn Pháp do Le Pichon lập nên. Vì vách đá nằm gần với đồn nên viên quan ba này gọi đây là văn khắc đá Samo. 

Làng Achia, một làng nhỏ của thôn Nal (xã Lăng) nằm chênh vênh lưng chừng núi A Vương, một trong hàng trăm ngọn núi trên dãy Trường Sơn.

Chỉ vài chục hộ dân sống trong biệt lập, Achia gắn liền với huyền sử mang màu sắc thần thoại của những dòng chữ bí ẩn trên đá. Trải qua thời gian đằng đẵng, vật đổi sao dời, những dòng chữ cổ xưa vẫn như đang thách thức tất cả…

Hồi ức của Bhriu Clói

Già Bhriu Clói là cựu quân nhân, một thời phục vụ quân ngũ ở Tam Kỳ, gần 60 vẫn băng rừng lội suối ào ào. To khỏe, da như đồng hun chắc như lõi lim rừng già. 

“Mươi năm trước, Achia không phải chỗ này mà là ở nơi cao hơn. Ở bên đỉnh núi kia” - già Clói, nhấc chén rượu, chỉ tay về ngọn núi xa xa, bắt đầu thước phim hồi ức của mình về sự bí ẩn của văn khắc trên vách đá. 

Từ dưới lòng suối, làng Achia nằm trên con dốc dựng đứng. Thấp thoáng cỡ 15 nóc nhà đơn độc, lẻ loi giữa rừng già. Bí thư chi bộ thôn Bhriu Sát, còn rất trẻ, mới quá 30, kể rằng, Achia là một trong những ngôi làng “già” nhất trên dãy Trường Sơn. Trải qua bao biến thiên, làng dời từ nơi này sang nơi khác. 

Mấy lần di chuyển, nhưng qua bao thế hệ truyền lại, người làng vẫn chọn địa điểm xung quanh thượng nguồn dòng A Vương, gần với vách đá. “Để bảo vệ” – Bhriu Sát khẳng định.

Chẳng là mấy năm trước, đội quân làm vàng không biết từ đâu kéo tới, mang theo cuốc, xẻng, máng, lều bạt… thọc hẳn vào rừng sâu, đến nơi điểm đầu dòng A Vương ở Việt Nam, lật suối tìm vàng. 

Hằng ngày, nước sông cuồn cuộn một dòng đục ngầu. Vách đá cũng dần dần bị bồi lấp rồi biến mất từng phần. Bhriu Clói nói rằng, bảo vệ di vật vách đá khỏi đám phu vàng là chuyện nhỏ, điều quan trọng là người Achia xem vách đá như nơi trú ngụ của thần linh, nơi đem đến cho dân làng mùa màng bội thu, sức khỏe, sự an toàn.

Bí ẩn giữa đại ngàn Trường Sơn ảnh 2

Già làng Bhriu Clói chỉ nơi những chữ viết cổ còn sót lại trên vách đá, chưa bị chìm trong nước

Vách đá dựng bên dòng A Vương, nơi có những dòng chữ cổ, tồn tại từ bao giờ, không ai biết. Chỉ biết rằng, tuổi của làng Achia dễ cũng đến mấy trăm năm rồi, người già đều khuất núi cả. 

“Hồi còn nhỏ, ông nội tui hay kể lại câu chuyện về những người xa xứ tới, nhờ dân làng dựng thang tre bên vách đá”. Già Clói cũng không còn nhớ đó là thời gian nào, chỉ biết rằng, ông nội mình cùng nhiều trai tráng trong làng Achia được nhận nhiệm vụ đi chặt tre, dựng chòi, làm thang cho một số người Pháp lên chụp ảnh, nghiên cứu các dòng chữ cổ.

“Hồi đó có một đồn lính Pháp đóng gần đây, họ với người làng cùng chung sống. Nhưng ngôn ngữ bất đồng, ai biết việc nấy. Rồi một ngày, mấy người Pháp đến, chỉ dân làng chặt cây làm thang. Thì cũng biết thế thôi, họ bảo sao người làng nghe vậy”. 

Và đó cũng là lúc, người Cơ Tu ở làng Achia biết rằng, bên vách đá có những dòng chữ cổ. Dòng A Vương thời đó sâu lắm, nơi có những dòng chữ trên vách đá nằm cheo leo. Các trai làng phải làm chiếc thang hơn 10m, dựng y như một chiếc chòi tre để họ leo lên chụp ảnh. 

Bây giờ, qua hàng chục năm, sông suối bồi lấp, khoảng 2/3 vách đá bị chôn vùi trong bùn đất. Nước đục ngầu dâng quanh năm. Ông nội của già Clói, thời đó còn là thanh niên trẻ, sau này kể lại với con cháu. Những người Pháp ở đồn Samo, sau mấy ngày làm việc tỉ mẩn, yêu cầu dân làng dỡ thang, bảo vệ nghiêm ngặt.
Bí ẩn giữa đại ngàn Trường Sơn ảnh 3

Một bản khắc chưa bị chìm

Ngày chúng tôi cắt rừng vào bản, đúng dịp cuối tuần, UBND xã Lăng vắng hoe. May mắn, gặp được Alăng Natasa, cán bộ văn phòng xã. Alăng Natasa, người con của Achia nhiệt tình dẫn chúng tôi đến vách đá.

 “Nhiều đoàn lên đây khảo sát, song về chẳng ai nhắc đến. Chỉ có anh Nguyễn Thượng Hỷ là nhiệt tình gửi mẫu in đi khắp nơi nhờ dịch nghĩa. Đến nay vẫn chưa thấy hồi âm” - Alăng Natasa kể. 

Mãi sau, Bí thư chi bộ thôn Nal Bhriu Sát tiết lộ, nếu không có cán bộ xã Natasa dẫn đường, người làng không bao giờ chỉ cho khách lạ biết nơi có vách đá. “Chúng tôi giữ vách đá như giữ linh hồn của bản làng vậy”.

Giống như bản Aur ở xã A Vương, làng Achia sạch sẽ, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Cùng với Atu (xã Gary), Achia là một trong những bản cổ xưa nhất của người Cơ Tu, sống ở đầu nguồn nước.

Vách đá dựng bên dòng A Vương, nơi có những dòng chữ cổ, tồn tại từ bao giờ, không ai biết. Chỉ biết rằng, tuổi của làng Achia dễ cũng đến mấy trăm năm rồi, người già đều khuất núi cả. 

Đón đọc kỳ 2: Thông điệp của ngàn năm

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.