Bỏ phố vào rừng cai nghiện

Bỏ phố vào rừng cai nghiện
Một đêm, Chiến gọi bố mẹ vào nói trong nước mắt: "chỉ có cách là cho con vào rừng, may ra có thoát được chăng?”... Hơi bất ngờ nhưng với phản ứng của người lính, ông Toàn thấy ngay cái quyết tâm táo bạo và tính hiệu quả của kế hoạch vào rừng cai nghiện này.
Bỏ phố vào rừng cai nghiện ảnh 1
Ông Phạm Quang Toàn đang làm việc ở cửa hàng

Người lính già và nỗi bất hạnh

Năm 1968, Phạm Quang Toàn tham gia chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh. Năm 1972, ông có mặt trong những trận đánh khốc liệt bảo vệ từng tấc đất nơi Thành Cổ. Chính trong mịt mùng lửa đạn Quảng Trị, ông đã bị thương. Rồi ông tham gia chiến dịch giải phóng Cố đô Huế, giải phóng Sài Gòn. Tốt nghiệp Học viện Hậu cần, năm 1978 ông Toàn lại vào chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp bạn Campuchia giải phóng đất nước và bị thương lần thứ hai. Khi ra quân ông là chủ nhiệm hậu cần trung đoàn.

Cuộc đời binh nghiệp của ông có nhiều kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm không thể nào quên, đó là chuyện “cưới vợ chui”. Cuối 1973, ông được cấp trên cử đi thẩm tra lý lịch đảng viên ở nhiều tỉnh thành phố. Thời gian được “khoán” trong 3 tháng, ông phấn đấu hoàn thành trong 2 tháng còn một tháng về nhà lấy vợ.

Sở dĩ phải “cưới chui” (chỉ ra chính quyền địa phương đăng ký mà không báo cáo đơn vị), vì nếu báo cáo thì phải trở ra trở vào hàng năm cũng chưa xong, lại lao vào chiến đấu còn cưới xin gì nữa? Mấy tháng sau ông nhận tin vợ có thai, sang năm 1974 sinh một cậu con trai, vợ chồng ông đã chọn đặt tên là Chiến. Chiến là cưới trong thời chiến, cưới xong bố phải đi chiến đấu ngay và còn có ý nghĩa là chiến thắng (!).

Phải ngược thời gian của người lính và những kỷ niệm thiêng liêng như thế mới thấy được sự đau đớn, xót xa của người cha khi ông Toàn biết đứa con yêu quý của mình đã rơi vào con đường nghiện hút.

Tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật, Chiến được vào làm ở Sở Điện lực Hà Nội. Công việc làm ăn đang thuận lợi, thu nhập đều, lại được sự tin yêu của lãnh đạo nhưng Chiến cứ nhất định bỏ về với “lý do ở Hà Nội như thế thì không đủ hai tay vun miệng”.

Bỏ phố vào rừng cai nghiện ảnh 2
Vợ và con anh Phạm Quang Chiến

Chiến đi tàu pha sông biển cho một chủ tàu bên Nam Định. Công việc này thu nhập khá, có tiền trong túi, lại sông nước lênh đênh, xa nhà, xa bố mẹ, Chiến sa vào bẫy của nghiện hút ma túy lúc nào không hay. Trong thời gian này, ông Toàn đã giúp Chiến cai nghiện 3 lần, Chiến tự mình cai nghiện 2 lần, một lần lên Hà Nội cai bằng châm cứu. Có lần đã 6 tháng Chiến không hút nhưng cứ đặt chân xuống tàu, lại dính vào ma túy.

Những lúc tỉnh táo, Chiến cũng cảm thấy ân hận xót xa, có lỗi với bố mẹ. Ông Toàn làm đơn xin cho Chiến đi cai nghiện tập trung nhưng Chiến không tự tin và xin về. Lúc đầu Chiến quyết tâm “cai vo”. Thực hiện kế hoạch này, ông Toàn đã bắt cậu con trai thứ hai xin tạm nghỉ việc, mượn đứa cháu là thợ phu hồ khỏe mạnh nuôi cơm trả lương và một người bạn thân của Chiến.

Khi Chiến lên cơn cả bốn người vật Chiến xuống và trói gô lại cho đến khi hết cơn. Ông Toàn kể, khi lên cơn, Chiến khỏe vô cùng, cả bốn người khỏe là thế mà mãi mới khống chế được Chiến. Sau sáu tháng đã thôi hút, khi Chiến tiếp xúc với bên ngoài lại không giữ được. Lần này, Chiến đặt một chiếc xích dài 20m, lên tầng tự xích chân tay rồi vứt chìa khóa sang vườn hàng xóm.

Bố mẹ mua thuốc cai và lo phần chăm sóc hàng ngày. Tất cả quà bánh, hoa quả, bạn bè Chiến gửi đến ông Toàn đều thay hết. Ông kể, có lần lên tầng, một cảnh tượng làm ông đau xót vô cùng: Thèm thuốc quá, Chiến cứ trồng cây chuối cắm đầu xuống nền nhà, hai mắt đỏ ngầu. Sau nhiều ngày, vượt qua những cơn vật vã trồi lên từ máu, quặn nhói các khớp xương, đau buốt như hàng ngàn mũi kim châm vào cơ thể, Chiến đã thôi không hút nữa. Ba tháng trời vật vã trong căn phòng, Chiến đã bỏ hẳn thuốc.

Vào rừng cai nghiện

Mọi chuyện tưởng đã thuận chiều, ông Toàn đã cho Chiến tháo xích, đi lại tự do trong nhà, thì một đêm, đã khuya lắm rồi, Chiến gọi bố mẹ vào nói trong nước mắt: “Gay quá! Suốt ngày tụi nó lượn lờ. Cứ ở nhà thế này, con sợ lại uổng công bố mẹ mất thôi! Đêm con nằm nghĩ chán rồi. Ngày xưa bố chiến đấu ở chiến trường rừng núi, bây giờ chỉ có cách là cho con vào rừng núi may ra có thoát được chăng?”.

Bố mẹ Chiến nghe con nói, nước mắt cứ trào ra. Hơi bất ngờ nhưng với phản ứng của người lính, ông Toàn đã thấy ngay cái quyết tâm táo bạo của con và tính hiệu quả của kế hoạch vào rừng cai nghiện này. Và đêm đó, kế hoạch vào rừng cai nghiện cho Chiến đã được cả nhà quyết tâm thực hiện.

Ngay hôm sau, ông Toàn quyết định nhường lại cái cửa hàng bán ống nước đang phát đạt cho người bạn, đồng thời bán chiếc xe máy để có 13 triệu đồng giắt lưng. Khi đi, ngoài quần áo, chăn màn, bà Toàn còn chuẩn bị cho hai bố con thuốc tây các loại, 20 tút thuốc lá Vina, mấy cân chè Thái để cho Chiến dùng khi thèm thuốc.

Ông Toàn ra báo cáo chính quyền địa phương và xin giấy giới thiệu của Trưởng công an phường Quang Trung làm giấy tờ tùy thân. Sau đó, hai bố con lên chuyến xe đường dài Thái Bình - Đắc Lắc. Tới nơi, ông Toàn dẫn Chiến vào Tỉnh đội xin được giúp đỡ. Trước quyết tâm chính đáng của hai cha con ông Toàn, Tỉnh đội Đắc Lắc đã giới thiệu họ xuống huyện Easup.

Huyện lại giới thiệu hai cha con xuống xã cách thị xã trên 100 cây số, sát biên giới Campuchia. Ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê-đê, còn nghèo khó nhưng chất phác thật thà và đặc biệt là không có người nghiện hút. Ông Toàn quyết định chọn nơi này, thuê 8 sào rẫy đất bạc màu để sản xuất và dựng tạm 2 gian nhà để ở. Cuộc sống của hai bố con gặp muôn vàn khó khăn.

Lạ nước lạ cái, không người thân thích, lại ở một vùng đất khắc nghiệt. Công việc làm rẫy, trồng cấy cực kỳ vất vả. Mùa khô đất bốc lửa, cây cối xác xơ. Chiến mới cuốc được một tý, đã thở dốc, vã mồ hôi, vứt cuốc ra bờ suối nằm. Mặc Chiến, ông Toàn cứ lầm lũi cuốc dưới trời nắng lửa. Mồ hôi đầm đìa chiếc áo bộ đội bạc màu, mệt muốn đứt hơi, nhưng nhìn thấy con, ông lại cuốc.

Ông quyết chí làm tấm gương lao động cho con, để từ đó lấy lao động và môi trường không ma túy giúp con cai nghiện. Ông làm đến nỗi, Chiến đã thấy thương bố mà thốt lên: “Nắng thế sao bố không nghỉ” “Bố thấy càng làm càng khỏe, mới lại phải nhanh tay cho kịp thời vụ”. Nghe bố nói vậy, Chiến lại cầm cuốc cùng làm với bố. Cứ thế, mỗi ngày một tý, như mưa dầm thấm đất, dần dần Chiến cũng làm quần quật chẳng kém gì bố.

Thời gian đầu, nhiều đêm, khi Chiến đã ngủ, giữa núi rừng mênh mông, ông Toàn nằm nhớ vợ, nhớ quê hương, bạn bè mà khóc thầm. Sau bao năm, chiến tranh đã đi qua, giờ có tuổi rồi lại phải vào rừng rú, sống như Rô-bin-xơn giữa đảo hoang. Lao động vất vả, ăn uống lại kham khổ vô cùng. Rau không có phải đi mấy cây số mới kiếm được ít măng rừng. Bữa ăn chủ yếu là cá khô và măng luộc. Muỗi nhiều như trấu.

Chiến đương sức trai, còn ông Toàn vốn là một thương binh nên sức khỏe xuống trông thấy, người cứ gầy sắt lại. Ông Toàn sút tới 10 cân. Sút cân mà ông lại mừng vì hình như người cha sút đi bao nhiêu thì đứa con lại béo ra bấy nhiêu. Lắm lúc, nhớ cuộc sống thị thành, vừa thấy vất vả quá, Chiến đã định bỏ về nhưng nhìn người bố thương tật hy sinh vì con nơi rừng núi xa xôi, Chiến lại như được tiếp thêm sức mạnh.

Hạnh phúc mỉm cười

Bố con Chiến trồng một vụ lúa, vụ đậu, vụ bông. Thế rồi, đất không phụ công người, cây cối như có phép thần, xanh tươi mơn mởn. Hai bố con đã có mùa thu hoạch đầu tiên. Không những đủ lương thực ăn, mà còn có đồng ra đồng vào.

Song thành công lớn lao hơn là Chiến cảm thấy niềm vui, giá trị của lao động và đã chôn vùi được những cơn thèm thuốc từng hành hạ anh đến mức người không ra người. Lúc rỗi rãi, hai bố còn bày ra chơi cờ tướng, xuống suối bắt cua đá, bắt cá, vào rừng lấy măng, đào bếp Hoàng Cầm nổi lửa như bộ đội Trường Sơn ngày nào. Khi xong việc nhà, bố con ông Toàn còn vào giúp đỡ dân bản.

Với số thuốc Tây có trong tay, họ sẵn lòng san sẻ, giúp đỡ bà con khi ốm đau nên được bà con rất quý mến. Khó có thể kể hết bao gian nan thể hiện cái quyết tâm sắt đá của cha con ông Toàn trong việc cai nghiện. Tết đầu tiên, họ quyết định ăn Tết ở rừng. Phút giao thừa giữa rừng sâu chỉ có hai bố con bên ngọn đèn dầu, không bánh chưng, giò chả. Họ nhìn nhau rưng rưng…

Tết năm thứ hai, thấy Chiến đã hoàn toàn dứt hẳn với ma túy, phần cũng muốn qua nhà cho đỡ nhớ, ông quyết định về quê ăn Tết. Về đến nhà, chỉ vài hôm nữa là Tết, quan sát thấy bẹn bè của Chiến đến chơi rất đông, trong đó có những bạn nghiện ngập trước đây. Vợ chồng ông Toàn đâm lo lắng. Vợ ông nói: “Chưa Tết bạn bè đã thế này. Mấy ngày Tết, chả lẽ lại cấm con ở nhà, mà cho giao lưu bạn bè, nhỡ một tí thì… hay là anh hy sinh một Tết nữa chứ nhỡ ra ở nhà công lao hơn một năm trời lại đổ xuống sông”.

Ông Toàn im lặng. Và ngay lập tức, hai bố con lại khoác ba lô lên xe vào Đắc Lắc. Ngồi trên xe, ông thấy một cảnh trớ trêu, người ta thì bồng bế nhau về quê hương đón Tết còn bố con ông về đến quê rồi lại vội vã bỏ vào rừng (!).

Chuyện đến đây thì thấy một cô gái còn rất trẻ, xinh xắn chở một cháu bé bụ bẫm trắng trẻo vào nhà, ông Toàn vội vã giới thiệu: “Đây là vợ con Chiến đấy bác ạ!”. Thì ra chính trong thời gian 2 năm sống với núi rừng Tây Nguyên, tình cờ Chiến đã quen một cô gái – lúc đó mới chưa đầy mười tám tuổi – con một gia đình từ xứ Quảng vào xây dựng kinh tế.

Họ yêu nhau từ ánh nhìn đầu tiên. Thật cảm động, cả đến khi biết Chiến vào đây cải tạo lao động để cai nghiện, cô gái này vẫn bình tĩnh chấp nhận với những suy nghĩ rõ ràng và kiên định: “Cháu tin là cháu cùng anh ấy và gia đình sẽ giúp anh ấy qua được. Nên ai nói sao cháu cũng lấy. Nhưng cháu cũng dứt khoát nếu anh không quyết tâm cai nghiện thì sau này đừng trách cứ em…”.

Sau 2 năm sống với rừng, một năm về sống ở thành phố Thái Bình này, Chiến đã đoạn tuyệt với ma túy, cưới vợ, sinh con, đi thuyền vận tải. Cách đây một năm, Chiến đã sang Nga làm kinh tế với cậu em con bà cô. Theo ông Toàn cho biết, Chiến đã bắt nhịp với cung cách làm ăn bên đó, béo khỏe, thu nhập tốt. Nếu không có gì thay đổi, tới đây anh sẽ đón vợ sang bên đó làm ăn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.