Bỏ tiền tỷ nuôi đồng hồ

Ông Tâm bên một bộ gông quý
Ông Tâm bên một bộ gông quý
TP - Nhiều người gọi ông là “Vua đồng hồ” đất Bắc. Ông bảo: Gọi thế thì oách quá, mình chỉ là anh bán quán, thích và chơi đồng hồ thôi. Nhưng kể ra, bỏ cả tỷ đồng ở một vùng quê còn khó khăn và đặc biệt là bao nhiêu mồ hôi, công sức để chơi mà không mảy may tính chuyện lãi lời như ông trong thời buổi này không phải dễ tìm.

Bí ẩn Odo 36 - 10

Đồng hồ đeo tay, để bàn, treo tường, đồng hồ tủ đứng, đồng hồ lò sưởi…, nhà ông Nguyễn Minh Tâm (50 tuổi, Thị trấn Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang) đều đủ cả. Riêng đồng hồ để bàn ông có chừng hơn 200 chiếc. 

Nhưng quý nhất là bộ đồng hồ treo tường với gần 100 chiếc. Chỉ tay vào chiếc nào, ông cũng có thể nói được vanh vách tên hãng sản xuất, bao nhiêu “búa”,“gông”, “gông” thép hay đồng, thùng tây hay thùng nội, năm ra đời, thậm chí cả năm được nhập vào Việt Nam. 

Ông Tâm bảo: Mình quý những chiếc đồng hồ này bởi chúng chứa những linh hồn trong hộp gỗ. Những linh hồn ấy được biểu hiện cụ thể qua hệ thống búa và gông. Gông chính là những thanh kim loại dài, tròn, bằng thép hoặc đồng, sắp xếp theo một trình tự nhất định để khi búa gõ vào sẽ phát lên những âm thanh cao, thấp thể hiện những điệu nhạc cổ điển nổi tiếng như Westminster hoặc Coucou Valse. 

Đây cũng chính là phần giá trị nhất của một chiếc đồng hồ cổ. Tiếp sau đó, đến thùng. Thiết bị này đóng vai trò như một chiếc hộp đàn guitar để mang lại một hiệu ứng âm thanh hoàn chỉnh. “Chính vì thế, những thợ mộc của ta dù giỏi đến mấy cũng khó làm được một chiếc thùng chuẩn. Thậm chí khi lắp vào còn không cả kêu nữa dù vẫn là gỗ đấy, vẫn là kích thước ấy. Giống như làm một hộp đàn thì không thể nhờ ông thợ mộc bình thường mà đóng được” - ông Tâm nói. 

Và trong tất cả những linh hồn thời gian mà gia đình ông Tâm đang lưu giữ, những linh hồn mang thương hiệu Girod, J (Junghan) và đặc biệt là ODo, một thương hiệu đồng hồ của Pháp xuất hiện từ năm 1708 luôn được ông trân trọng, nâng niu nhất. Sản phẩm đồng hồ treo tường ODo hiện nay trên thị trường không còn sản xuất nữa nên nó càng quý. 

Có nhiều loại: ODo 30, 57, 58, 62… tương ứng với các năm sản xuất. Trong đó, quý nhất là ODo 36-10, tức là sản phẩm được sản xuất năm 1936 có 10 gông, 2 bản nhạc. Trên thị trường hiện nay, đây cũng là những sản phẩm thường được dân chơi đồ cổ săn tìm. Giá của chúng khoảng từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng/bộ dù thiết kế rất đơn giản. 

Cũng chính vì thế mà thương hiệu ODo khi nổi tiếng có thể nhượng quyền sản xuất máy cho Thụy Sĩ, hoặc có một thời gian người miền Nam sản xuất hộp đồng hồ bằng gỗ lu nổi tiếng cho loại đồng hồ này, bên trên còn trang trí bằng những bức tranh sơn mài cầu kỳ nhưng bộ gông, búa - linh hồn của chiếc đồng hồ - luôn luôn phải là của ODo.

Ám ảnh

Bỏ tiền tỷ nuôi đồng hồ ảnh 1 Căn phòng đầy những chiếc đồng hồ quý của ông Tâm.

Từ nhỏ, được nhìn ngắm những chiếc đồng hồ quả lắc với những tiếng nhạc thánh thót, ông Tâm mê mẩn. Cộng thêm thời gian đi lao động tại Đức, ông được tiếp xúc những chiếc đồng hồ nổi tiếng trên đất nước này càng khiến ông đam mê hơn. Nhưng phải mãi vài năm lại đây, khi kinh tế gia đình tương đối ổn định, ông mới dành thời gian nhiều cho việc sưu tầm những chiếc đồng hồ cổ từ lâu vẫn ám ảnh ông.

Để có được những được những chiếc đồng hồ ưng ý, ông lặn lội nhiều nơi, nhiều lần, qua nhiều đầu mối mới rinh về nhà được. Ông kể, chiếc ODo 36 được một người bạn giới thiệu là đang ở Thái Nguyên, phải đi lại khá nhiều lần thuyết phục gia chủ họ mới đồng ý bán lại cho ông. 

Không ít chiếc được đặt mua từ nước ngoài rồi nhập về Việt Nam. Ông lên mạng tìm kiếm thông tin, kết nối với những người có cùng đam mê và chơi đồng hồ không tiếc tiền. Không biết chính xác số lượng những chiếc đồng hồ khoảng vài ba chục triệu đồng trong nhà ông. 

Có chiếc đồng hồ tủ đứng hiệu J (Junghan) của Đức đang nằm trang trọng giữa nhà được ông mua với giá 75 triệu đồng. Ông cũng đã tìm được một chiếc đồng hồ rất độc đáo nữa và sẽ đón về ăn Tết với giá khoảng 100 triệu đồng. Tính sơ sơ, ông Tâm đã bỏ vào những cỗ máy thời gian trong nhà ông hơn một tỷ đồng.

Lúc đầu bà vợ thấy ông bỏ nhà đi biền biệt, dăm ba ngày mới về, lại rước về mấy thứ “của nợ”, ăn chẳng ăn được, bán chả bán được. Đã thế lại lấy cả tiền hàng của bà để đi mua, có lần bà cần tiền trả khách không thấy mới làm um lên. 

Còn nay, chẳng hiểu ông giải thích thế nào hay những linh hồn của đồng hồ cổ đã cảm hóa mà bà đã thành người bạn chia sẻ với ông những thông tin, kiến thức về đồng hồ, sẵn sàng mặc hàng bỏ quán cùng chồng lên đường kiếm đồng hồ cổ. 

Không có thời gian chỉnh đồng hồ

Ông Tâm kể, chơi đồng hổ có hai cái được. Đầu tiên là được nghe chúng râm ran kể chuyện suốt ngày bằng những tiếng tích tắc và giai điệu óng ả. Tầng 1, ông dành để treo đồng hồ. Đồng hồ ở phòng khách, đồng hồ trong hành lang, trên tường tầng lệch, cả trong phòng ngủ. 

Trung bình cứ 1 tuần/lần, ông phải lên dây cót cho toàn bộ đồng hồ để chúng luôn sống. Không có thời gian để chỉnh đồng hồ hằng ngày, ông đành để chúng chạy tự do. Nhưng nhờ đó, ngôi nhà của ông luôn vang lên tiếng nhạc chuông đồng hồ. Nghe tiếng chuông, ông biết đó là từ chiếc nào. Nghe nhiều rồi ông đâm ra mê tiếng chuông đồng hồ, lâu lâu không về nhà lại thấy… nhớ. Đó như tiếng vọng của quá khứ vọng về!

Cái được thứ hai khi chơi với đồng hồ cổ là ông được đắm mình trong không gian cổ xưa. Với ông, mỗi chiếc đồng hồ là một câu chuyện đời, chuyện người, chuyện xã hội. Có những chiếc được gia chủ cẩn thận truyền từ đời này sang đời khác, không chịu bán vì nó gắn với nhiều kỷ niệm của gia đình. Nhưng cũng có những chiếc bị vứt chỏng chơ trong bếp, mặt đồng hồ ám khói vàng kệch vì gia chủ mải đi làm, kiếm tiền mà quên chúng. 

Nhiều chiếc đã hỏng, ông phải mua thêm những chiếc cùng loại rồi độ lại thành một chiếc hoàn chỉnh. Có những chiếc đồng hồ, khi mua, người chủ ban đầu đã phải bỏ ra 25 con trâu. Chơi đồng hồ cách đây vài chục năm phải là những gia đình có “máu mặt”, vì thế, mỗi chiếc đồng hồ bây giờ đều có một số phận mà không phải ai cũng biết. Lần giở chúng mỗi ngày, ông Tâm vẫn đều thấy mới…

“Chơi đồ cổ cũng như là đi học… đại học vậy. Phải học thường xuyên, liên tục, phải đam mê mới chơi được” - ông Tâm nói. Ngắm lại tư gia của ông, không hiếm những chiếc đồng hồ có chạm trổ tinh xảo, chữ dát vàng, mặt đồng hồ dát bạc, đó là tuyệt tác của thời gian và của những nghệ nhân xưa. Ông Tâm vẫn tự nhận mình vẫn còn non trong nghề chơi đồng hồ cổ. 

Cho nên, ông không dám động vào những linh hồn mong manh ấy. Toàn bộ công việc lau chùi, sửa chữa đồng hồ đều được ông thuê một người thợ giỏi từ Thái Nguyên về. Mỗi lần lau chùi, tra dầu mỡ ông phải trả cho họ khoảng 300 nghìn đồng/chiếc, tổng chi khoảng 30 chục triệu đồng/năm riêng cho mấy chục trái tim đồng hồ được đập trở lại bình thường. 

Hỏi, 2 vợ chồng ông đều là người buôn bán ở quê, có ý định kinh doanh đồng hồ chăng? Ông chỉ cười: “Tôi không kinh doanh, tôi chỉ mua về ngắm và nghe chúng thôi. Mỗi người có một cái thú, thú của tôi là chơi đồng hồ cổ!”.

Ngôi nhà ông Tâm luôn vang lên tiếng nhạc chuông đồng hồ. Nghe tiếng chuông, ông biết đó là từ chiếc nào. Nghe nhiều rồi ông đâm ra mê tiếng chuông đồng hồ, lâu lâu không về nhà lại thấy… nhớ.

MỚI - NÓNG