"Bom P" nổ giữa dòng Gianh

"Bom P" nổ giữa dòng Gianh
TP - Muốn lên một con đò mà trên đó có cả một gia đình đông con đang sinh sống, để cùng họ rong ruổi thượng hạ lưu dòng Gianh, để cùng cảm cái cảnh cơ hàn của dân vạn đò vùng cồn nổi..., để tường cái sức công phá của quả “bom P” (bom dân số) phát nổ giữa dòng Gianh...
"Bom P" nổ giữa dòng Gianh ảnh 1
Chị Hòa trước đò của mình

Nhưng, chẳng có gia đình nào muốn có người lạ lên ám suốt ngày trên đò của mình cả. Thế là đành mì tôm, nước khoáng thuê đò dọc tự đi vậy.

Mai này chật cứng dòng Gianh

Ông Phạm Văn Bài, 50 tuổi, quê ở Cồn Sẻ (Quảng Lộc-Quảng Trạch-Quảng Bình), vốn là người quen cũ đồng ý chở tôi đi không lấy tiền công, chỉ lấy đủ tiền dầu chạy máy. Chiếc đò nhỏ lấy đà, tăng ga, chao một vòng trước chợ Ba Đồn rồi nhằm phía thượng nguồn rẽ sóng.

Trong tiếng động cơ nổ rền như súng đại liên, ông Bài hét to: Trên dòng Gianh này có đến 7-8 làng nổi như những ốc đảo, mỗi làng có chừng 2.000-4.000 dân, tục danh của các làng là Cồn, kiểu như Cồn Nâm, Cồn Ngựa, Cồn Cuỡi, Cồn Sẻ, Cồn Két...

Đa phần dân trên các cồn ấy chủ yếu sống bằng nghề sông nước, lênh đênh nay đây mai đó chừng vài ba tháng, có khi cả năm trời mới trở về đậu lại bên cồn.

Phía trước mặt dần hiện ra một làng nổi biếc xanh và trù phú. Những tháp nhà thờ vút cao với san sát nhà chồ nhô ra trên mặt nước cùng với tàu thuyền neo đậu nơi bến làng. Ông Bài giảm ga, rê mũi thuyền vào một bến nhỏ. Ngay gần sát mép nước, lộ ra một khoảnh sân.

Ông Bài giới thiệu đây là nhà của ông Phan Văn Trị, Phó thôn Cồn Sẻ. Ông phó thôn sinh năm 1962, và có bảy con. Theo thông tin của ông phó thôn, đạt mức 7-9 nhân khẩu trong một gia đình là hạng trung bình thấp của vùng Cồn Sẻ.

Làng cồn nổi này có chưa đến 500 hộ nhưng xấp xỉ gần 3.500 nhân khẩu. Đất đai canh tác thiếu đã đành, đất ở cho người muốn lên bờ còn trầm trọng hơn. Cồn Sẻ còn gần 100 hộ vẫn đang phải lênh đênh trên thuyền, nay đây mai đó.

Theo cách nhẩm đếm chưa hẳn đã sát thực tế thì Cồn Sẻ có trên 10 gia đình có 12-13 con như nhà ông Cao Tuệ, nhà ông Cao Độ. Gần một phần ba làng có 8-10 con, điển hình như nhà ông Nguyễn Quang Hóa, cựu chiến binh, chưa đầy 50 tuổi đã đạt 10 con và chưa ai dám chắc đó là con số cuối cùng.

Rời Cồn Sẻ, ông Bài vẫn giữ mũi con thuyền hướng thẳng phía thượng nguồn tăng ga. Chừng hơn giờ đồng hồ, tiếng ga nhẹ lại và thuyền tấp vào một bến sông dày đặc những chiếc thuyền mui nhỏ. Đó là thôn Cồn Cưỡi.

Dân vạn đò thường gọi những chiếc đò này là đò loòng coòng. Hỏi ra mới hay, trên mỗi chiếc đò chừng 6-8 mét vuông, là cả một gia đình 6-8 nhân khẩu, quanh năm suốt tháng trên đò. Họ làm nghề chài lưới nhỏ và dùng hai ống tre khô gõ loòng coòng hai bên mạn thuyền để xua cá.

"Bom P" nổ giữa dòng Gianh ảnh 2
Bến chợ Ba Đồn nơi neo đậu của dân vạn đò

Khi số người trên thuyền quá tải, và con cái đến tuổi dựng vợ, gả chồng, họ cố gắng sắm thêm thuyền nhỏ khác, hoặc may mắn một nửa bên kia có được một miếng đất trên bờ để tá túc. Chúng tôi lên bờ để vào nhà trưởng thôn Nguyễn Văn Hiệu, gia đình khá giả nhất Cồn Cưỡi. Sắp sang tuổi 50, ông kịp có tám con.

Ông bảo như thế chưa phải là quá đông ở cái cồn 150 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu này. Gần sát nhà ông, ông Tâm, ông Hiếu, tầm tuổi ông, cũng có 10 mặt con. Nghe nói đến chuyện dân số của làng, ông Hiệu bình thản, ngập mặt kiếm miếng cơm, manh áo suốt ngày, có ai còn thời gian để bàn chuyện giảm hay tăng dân số. Còn chẳng buồn đi khai sinh nữa là.

Quay vội mũi đò về vùng hạ lưu, đến Ba Đồn khi hoàng hôn vừa buông xuống. Ngay sát bến chợ trung tâm, chật như nêm thuyền mui vạn đò xuôi ngược sông Gianh. Sau một ngày bươn chải, gần tối, họ ghé lại bến sông này qua đêm, để chuẩn bị cho một ngày nhọc nhằn mới. Ở đây, họ được lên bờ xem ké ti vi, được vào hàng quán giao lưu với dân bản địa.

Bước vội lên đò anh Mai Văn Khóa (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hòa, tôi chui vào khoang thuyền ngổn ngang chật chội chỉ chừng 10m2. Chị Hòa bảo, thuyền nhà chị là loại thuyền dọc nên còn dài và rộng, chứ các thuyền nhà khác hẹp hơn nhiều. Anh chị có tám con, đứa mới nhất mới bảy tháng tuổi. Chị Hòa cười, nó chắc chắn chưa phải là út...

Chỉ còn mỗi việc đó

Anh Phạm Văn Chung, Phó Bí thư Đoàn xã Quảng Lộc, quê gốc vùng Cồn Sẻ, tâm sự, hầu hết các vùng cồn bãi đều là dân công giáo toàn tòng. Lượng dân vạn đò trôi nổi trên sông quá đông, nên việc tuyên truyền về dân số rất hạn chế. Thanh niên biền biệt theo cuộc mưu sinh hàng tháng trời mới đậu lại với vợ trẻ vài đêm trên đất liền rồi lại đi.

Đó là chưa kể những gia đình trẻ sống trên thuyền vào đụng, ra đụng, đêm xuống, neo thuyền lại một bến bờ nào đó, không đài, không ti vi, không sách vở...Chỉ còn mỗi việc đó. Chung cười buồn.

"Bom P" nổ giữa dòng Gianh ảnh 3
 Nhà chồ ở Cồn Sẻ

Nhớ lần cùng ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng VH-TT, sang thôn Văn Phú, cũng là một thôn cồn nổi gần cửa sông Gianh. Dân số ở đây cứ tăng vùn vụt đến chóng mặt. Vừa mới cấp đất cho vài chục hộ lên bờ xong lại nhận được đơn vài chục hộ khác xin lên. Đất chật cứng. Nhà ken vào nhau như phố. Thiếu đất, người ta đóng cọc làm nhà chồ nhô ra mặt nước.

Ông Trường lý giải cái sự tăng dân số ở đây rằng: Cá dưới sông tươi thế. Sóng nước cứ dập dềnh mời gọi. Khoang thuyền chật, muốn tránh cũng chẳng còn chỗ để tránh...Thế là tặc lưỡi đến đâu thì đến.

Bỏ lại đằng sau hàng ngàn chiếc thuyền con con mà trên đó là những gia đình vạn đò nghèo, đông con đang tìm nơi neo đậu tá túc qua đêm trong khoang thuyền vài mét vuông, dưới ánh đèn dầu leo lét. Sẽ về đâu những cư dân cứ mãi nối dài lênh đênh, không học hành, không ánh sáng văn hóa, văn minh?

* Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch bày tỏ, một thời gian quá dài, công tác dân số KHHGĐ vùng cồn bãi của Quảng Trạch chưa được coi trọng. Cán bộ dân số quá mỏng. Chỉ trong dịp tết, số tiền chi cho nguời nghèo vùng cồn bãi này lên đến chục tỷ đồng.

* Ông Nguyễn Hữu Trường thông tin, mấy năm trước, cán bộ dân số có về phát không bao cao su cho các đối tượng đang trong độ tuổi sinh sản. Cán bộ dân số xã nhận và chia, đâu như mỗi người được 60 bao, phát dần, cho kế hoạch nửa năm.

Không ngờ, chỉ được một tháng, cán bộ dân số xã lại sang xin chi viện bao cao su tiếp vì họ dùng khiếp quá. Có người nửa đêm rồi còn gọi cửa xin bổ sung...

MỚI - NÓNG