Buồn như gió núi

Buồn như gió núi
TP - Những đứa trẻ sinh ra trong nghèo đói, trong heo hút những bản làng miền sơn cước. Không biết đến công viên, không đồ chơi, không xúng xính quần áo đẹp. Hồn nhiên lớn lên như củ khoai củ sắn, biết làm bạn với nương rẫy trước cả khi đi học.

Và, không ít những cô bé, cậu bé chưa kịp lớn, trên vai vẫn còn quàng khăn đỏ đã phải bỏ học để hát lời ru buồn...

Buồn như gió núi ảnh 1
Cùng mẹ lên nương


1.
Kỳ Sơn, lâu nay vẫn được coi là miền đất nghèo nhất xứ Nghệ. Địa hình nơi đây chủ yếu là đất trống đồi núi trọc, đường sá gập ghềnh đi lại khó khăn. Hun hút sâu trong những bản làng là đồng bào Mông, Khơ mú và Thái sinh sống. Kinh tế chủ yếu cậy vào nương rẫy, no đói đều trông cả vào “ông trời”.

Trên con đường gập ghềnh vào bản xa Mường Ải, chúng tôi bắt gặp một nhóm người đang dùng xà beng hì hục khoét núi, hỏi ra mới biết họ đang đào vàng. Anh Lương Văn Thìn vừa ngồi bệt xuống đám đất đá lổm nhổm vừa nói: Năm vừa rồi mất mùa, chẳng có gì mà ăn, nhà có 5 đứa con, đến tuổi đứa nào cũng đòi đi học chữ, chẳng biết làm sao, vợ chồng anh đành vác dụng cụ đi đào vàng, không phải hôm nào cũng về tay trắng, nhưng hiếm hoi lắm mới gặp may…

Thiếu tá Hồ Thanh Quang - cán bộ Đồn biên phòng 543 đóng trên địa bàn cho biết: Năm 2009, chỉ tính riêng hai xã Mường Ải và Mường Típ, đồng bào thiếu đói đến hơn 70%. Nhà nước phải trợ cấp 50 tấn gạo cứu đói. Điều đó lý giải vì sao nhiều trẻ em không được đến trường, cái bụng không được no làm sao mà học chữ?

Buồn như gió núi ảnh 2Cô bé là lớp trưởng học rất giỏi,  một sáng em đến trường đứng ở cửa lớp nức nở nói với cô giáo: “Em không đến trường nữa, em đi lấy chồng”. Nói rồi em khóc khiến cô giáo và bạn bè khóc theo… Buồn như gió núi ảnh 3

Dọc theo quốc lộ 7, một bên là dãy Trường Sơn, một bên rải rác những căn nhà gỗ lụp xụp, nơi sinh sống của đồng bào Mông. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những đứa trẻ lem luốc, đứa mặc quần thì không có áo, đứa có áo lại thiếu quần, tóc tai xác xơ vàng khẹt, mặt mũi lem luốc, mắt mở tròn ngơ ngác rồi bỏ chạy khi thấy người lạ đưa máy ảnh chụp mình. 

Cô bé Lầu Y Lan (8 tuổi) đang oằn lưng cõng nước lên ngôi nhà nằm trên lưng chừng núi, bằng vốn tiếng Kinh bập bẹ, hơi thở đứt quãng vì mệt, em cho biết: Mỗi chiều em phải cõng 4 thùng nước (mỗi thùng đựng khoảng 15 lít nước) về nhà.

Một bé gái khác chừng sáu tuổi tên Nhung, lưng địu em, tay dắt bò nhưng con bò lỳ lợm không chịu bước và cô bé đứng nhìn bất lực. Một hình ảnh nữa cảm động hơn, một chú bé con chừng ba tuổi, vai đeo gùi còn hai tay vịn vào hai cán xe cút kít ra sức đẩy, khi thấy người chụp ảnh, cậu bé vội thả tay chạy ùa vào lòng mẹ khóc thét lên, chị Thủy - mẹ cháu nói “ngày nào nó cũng chơi cái trò chơi ấy, bữa nay thấy người lạ nó sợ đó mà”.

Điều đó làm chúng tôi bất giác nhớ đến những đứa trẻ ở miền xuôi, ở thành phố, cứ chiều chiều ngồi đu quay trong công viên, tối đến ngập trong những đống đồ chơi nào ô tô, máy bay, súng ống... bị bố mẹ ép uống sữa cũng khóc thét lên.

Còn trẻ em nơi đây chưa kịp lớn đã tập mang gùi, chiếc áo trắng học sinh đã từng cùng các em đến trường, nay lại theo các em lên nương gùi sắn, theo các em lên rừng nhặt củi, gánh nặng oằn lưng khiến chúng cứ cúi gằm mà bước không ngước mặt lên được.

Buồn như gió núi ảnh 4


2.
Đến trường đi học, đối với trẻ em miền núi là một vấn đề không hề đơn giản, nhất là đối với con em đồng bào nằm ở những bản làng heo hút. Để đến trường học buổi chiều, các em phải lên đường từ lúc 9 giờ sáng. Gần chục kilômét đường rừng với bao bụi bặm vào ngày nắng gió và lầy lội những ngày mưa, các em phải vượt bao con suối trên hành trình đi tìm con chữ.

Về thăm trường THCS Mường Ải (Kỳ Sơn) sẽ thấy dưới chân núi là những chiếc lều nhỏ tạm để học trò sinh hoạt và học tập theo hình thức “bán trú dân nuôi”, nghĩa là cha mẹ các em đến tận trường dựng lều để con em mình tiện học tập. Từ đó những đứa trẻ mới hơn 10 tuổi tập sống cuộc sống xa nhà, đến bữa tự nấu cơm ăn, bữa nào không tìm được rau gì thì chỉ ăn cơm với muối trắng.

Em Lầu Y Na kể: “Hồi mới xa nhà để đến trường, ngày nào em cũng khóc, bố mẹ đi làm rẫy suốt ngày, thương mấy đứa em nhỏ không biết chơi với ai, nhưng đi học chữ cũng thích, ở bản em không phải ai cũng được đi học”.

Thầy Lâm Nguyên Ngọc - Hiệu trưởng trường THCS Mường Ải cho biết: 11 năm gắn bó với miền sơn cước, chứng kiến cảnh con em đồng bào đói nghèo nhưng ham học, càng không tiếc những tháng năm tuổi trẻ gắn bó với nơi này.

Thương học trò nghèo, ngoài những buổi học chính, thầy cô còn dành ba buổi mỗi tuần để dạy thêm cho học sinh mà không thu tiền. Biết bao thầy cô giáo chủ yếu là người miền xuôi đã lên đây để rồi chẳng còn nghĩ đến chuyện về xuôi nữa.

Cô giáo Kha Thị Thơm - hoa khôi của trường tâm sự: Tốt nghiệp ra trường em về đây luôn, năm nay đã 30 tuổi rồi, mỗi lần về bố mẹ anh em lại hỏi han chuyện chồng con, nhưng cứ im lặng là xong…

Đã mấy lần cô định tìm cách xin về công tác gần nhà nhưng rồi những tình cảm ấm áp của học trò đã giữ cô ở lại. Những học sinh vừa đói cơm vừa đói chữ, chính điều ấy chứ không phải vì bất cứ điều gì khác đã khiến cho những cô giáo trẻ bớt đi nỗi lo lắng về việc phải sớm kiếm cho mình một mái ấm gia đình.

Buồn như gió núi ảnh 5
Trẻ em miền biên ải chưa kịp lớn đã vào rừng kiếm sống


3.
Những cậu bé chưa kịp lớn đã kịp làm chồng, những bông hoa rừng chưa kịp nở đã héo úa vì nạn tảo hôn. Phần lớn các bé gái chưa học xong lớp 9 đã bỏ học về nhà lấy chồng mà lý do như anh Lầu Nhìa Hờ - Bí thư Đoàn xã Mường Lống cho hay là “do chúng học kém nên chán học, cũng có đứa nghèo quá.

Nhưng đau lòng nhất vẫn là những đứa bé còn ham đến trường nhưng bị bố mẹ ép lập gia đình như trường hợp của cô học trò lớp 8 ở xã Mỹ Lý. Cô bé là lớp trưởng học rất giỏi,  một sáng em đến trường đứng ở cửa lớp nức nở nói với cô giáo: “Em không đến trường nữa, em đi lấy chồng”. Nói rồi em khóc, khiến cô giáo và bạn bè cũng khóc theo...

Anh Thò, Ka Dềnh - y sĩ của tổng đội TNXP8 đóng ở xã Huồi Tụ kể chúng tôi nghe câu chuyện của cháu gái mình. Cô bé tên Thò Y Nênh (16 tuổi) ở bản Phà Chiến và cậu bé tên Và Bá Pó (13 tuổi), người Lào. Nênh là con cô, Pó là con cậu.

Theo tục lệ của người Mông, con cô con cậu có thể lấy nhau, hai gia đình này cũng không ngoại lệ nên đã có giao ước từ nhỏ. Đến ngày đưa dâu, cô bé khóc lóc nhất định không chịu đi, mọi người buộc phải dùng dây trói cô bé lại bồng đến nhà chồng.

Sau một tuần về làm dâu, đôi vợ chồng trẻ được về thăm ngoại, lần này cô bé nhất quyết không về nhà chồng nữa, bị bố mẹ thúc ép, cô bé đã ăn lá ngón tự tử nhưng may mắn có ông cậu là y sĩ nên em được cứu sống.

Dềnh kể: Lúc đó thấy thương nó quá không biết làm sao, nó dám chết lần này thì lần sau ai biết được, anh nhớ  hồi mình cưới vợ được vợ tặng cho sợi dây chuyền bạc, anh đem ra cho cháu rồi dỗ dành mãi nó mới chịu về nhà chồng.

Suy xét về mặt nào, thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về những bé gái, lấy chồng sớm, tất bật với nương rẫy, sinh con, những cô gái của bản làng già trước tuổi, còn những ông chồng ngày một lớn lên, đẹp trai, khỏe mạnh và bắt đầu mơ về những cô gái khác.

Như trường hợp của Và Bá Tủa ở Mường Lống, bị bắt cưới vợ từ hồi còn học lớp 3, lớn lên cậu đi học xa, về nhà thấy vợ già, chê vợ xấu, thế là bỏ vợ, để lại cô vợ trẻ chưa kịp bước sang tuổi hai mươi, tay bồng tay bế, nhan sắc tàn phai. Còn biết bao cô gái chưa kịp thành thiếu nữ đã phải làm vợ, làm mẹ trở thành những gam màu tối tô nên một góc ảm đạm trong bức tranh vẽ về miền núi.

Chưa có con số thống kê cụ thể nào về tình hình học sinh bỏ học lấy vợ lấy chồng nói riêng và nạn tảo hôn đã và đang diễn ra ở Kỳ Sơn nói chung trong những năm qua. Nhưng được học hành đến nơi đến chốn, được tự do yêu đương và lựa chọn hạnh phúc cho mình là một điều hình như còn quá xa vời với nhiều đứa trẻ sinh ra ở miền biên ải. Và bao nhiêu năm nay, cứ chiều chiều, từ các bản làng nằm dưới chân dãy Trường Sơn vẫn vọng ra những lời ru buồn man mác...!

MỚI - NÓNG